Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

PHÒNG NỮ PHÒNG NAM

Cả trường chuẩn bị nghỉ tết.
Đi một vòng thấy sự khác biệt
Theo thói quen những phụ nữ vừa lên kế hoạch mua sắm cho gia đình vừa có kế hoạch dọn dẹp phòng và bàn làm việc của mình sạch sẽ , gọn gàng. Giấy nháp, giấy báo cũ gói gọn lại cho người lao công. Công văn đi đến, bên ngoài, bên trong trường được xếp gọn vào các bìa cứng, đứng ngay ngắn trong các hộc tủ.
Các chị mang việc xui, hên của truyền thống Tết vào cơ quan. Ngày đầu năm mở cửa phòng phải là sự ngăn nắp.
Nhưng, bàn của nam giới vẫn đầy ắp giấy tờ lung tung. Giấy tràn khắp, nào bao thơ, nào giấy nháp, văn bản, bìa còng cũ nằm lăn lóc. Máy in, máy vi tính đầy bụi,...
Không sao cả. Sắp xếp rồi cũng như thế thôi! Đây là văn phòng và không có bà vợ ở nhà càu nhàu ! Tự do mà !!!! Thế là phòng nam tổ chức ăn nhậu. Sau đó niêm phong, vui vẽ về đón tết ở ngôi nhà ngăn nắp có vợ lo.
Đấy là sự khác biệt giữa phòng nữ, phòng nam trong những ngày chộn rộn Tết.

CHUNG CƯ

Người bạn gái xây chung cư trong nhà của chính mình.
Bà bạn đi theo chép miệng tội nghiệp ông chồng
Tôi nói đáng đời thằng đàn ông.
Người bạn gái bình thản kể về cách sống của mình. Mỗi người một tầng lầu, tự mua sắm đầy đủ tiện nghi .Không ai nói gì với ai. Tự đi, tự về, tự ăn, tự giặt giũ, tự vệ sinh phòng. Con trai, con gái, ông chồng,không là người lạ nhưng như những người lạ, sống chung trong nhà như một ... chung cư.
Đó không phải là lối sống của người Tây phương, theo văn hoá công nghiệp. Người phụ nữ trong nhà vẫn phải nấu ăn cho mọi người, nhưng, để vào tủ, mỗi người tự về, tự ăn, tự dọn dẹp...Trời Tây không thế.
Chợt nghĩ , có thể đây là phương thức tan vỡ của gia đình Châu Á của thế kỷ XXI

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Chuyện đáng học hỏi


Anh bạn này ,
Tôi nghe kể về tình yêu của anh bạn, muốn lăn ra cười.
Đám cưới của anh bạn có 2 bàn đặc biệt : gần 20 bạn gái đã từng được anh bạn yêu, đã từng yêu anh bạn, ngồi nói chuyện với nhau vui vẽ, chúc cho anh bạn được hạnh phúc.
Anh bạn đã đối xử với họ như thế nào mà cô này đằm thắm với cô kia, cô kia giúp đở cô nọ, để cùng nhìn về một phía là ... anh bạn.
Cực kỳ giỏi.
Người này có tố chất làm lãnh đạo. Tôi phải chép miệng nói thế.
Hỏi ra mới biết một điều, anh bạn có một người bạn cùng phái “ tâm đầu ý hợp ”. Người này có cô vợ là chủ một Gift shop, anh bạn đưa cho cô này một danh sách ngày sinh nhật của những người anh bạn đã từng yêu hay những người đã từng yêu anh bạn. Cô chủ shop quà chỉ cần đến ngày đó chọn một món quà có ý nghĩa, cho người mang đến tặng người bạn gái của anh bạn...Thế là mọi việc đằm thắm, vui vẽ, cảm động...Cô chủ này sẽ gửi hoá đơn tính tiền cho anh bạn...Quá nhiều lần anh bạn cũng chẳng cần biết đó là quà gì nữa, chỉ biết chi tiền thôi...Những món quà làm người được nhận cảm động, để thấy mình chưa tốt, nếu không nói là đã quá tàn nhẫn khi bỏ rơi anh bạn...và, hôm nay họ quây quần trong đám cưới này chúc phúc cho anh bạn.
Tôi không dám nói đã đọc nhiều sách tâm lý tình yêu hôn nhân gia đình, học làm người ,sử chính thống, dã sử, tiểu thuyết ngắn, dài,...nhưng chưa thấy một nhân vật nào được các nhà văn nỗi tiếng hay vô danh, dựng nên có được hành động đáng... học hỏi như anh bạn.
Một lần nữa phải khen anh bạn có phẩm chất lãnh đạo, biết dung hợp mọi phía, ...không bỏ xót một ai, luôn quan tâm đến mọi người đi qua cuộc đời bạn

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

GIAO THỪA VÀ ĐÊM PHÁO HOA

Từ khi Saigon cấm đốt pháo,Ngâu thường đưa con gái xem pháo hoa đêm giao thừa.
Bỏ sau lưng một năm của những tất bật ,lo toan, để qua một bên những bộn bề sách vở. Bỏ đàng sau những ngày chuẩn bị Tết, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thức ăn Tết , cho đàng hoàng như những gia đình khác,... Hai mẹ con thường dạo rong thành phố vào chiều ba mươi Tết, để đoán xem năm nay người Saigon ănTết lớn hay nhỏ.Nếu hàng hoa quả, dưa kiệu bánh trái còn bày bán vào giờ này thì... kéo theo hàng hoa cũng ế... Tết năm đó có rất nhiều gia đình buồn hiu....Còn những năm nào, các anh chị vệ sinh thành phố dọn sạch sớm... Saigòn ăn Tết sung túc. Dạo quanh Sàigòn vào ngày cuối năm là một thú vị, một khoắc khoải thì xem pháo hoa đêm giao thừa là một niềm vui.
Có một vài kỷ niệm khó quên về việc đón giao thừa và xem pháo hoa :
  1. Khi chứng kiến được sự trang nghiêm của những người xem pháo hoa, không chen lấn, luôn nhường nhịn nhau, dù là người và xe ngợp cả đường, những người xem pháo hoa đêm giao thừa tự ý thức rằng nếu chỉ cần càu nhào một chút, nỗi giận một chút... là họ sẽ không hên cả năm, nên cố gắng lắm lắm để hòa nhã, êm dịu với những cọ quẹt nhau vì đông người quá.
Ngâu kể chuyện cho đám bạn nghe và rủ họ đi coi pháo hoa đêm trừ tịch. Nhớ lúc đó, ông cụ ngồi kế bên trừng mắt , không được đâu con... Đây là một gia đình nề nếp, không ai được ra khỏi nhà trước và sau giờ giao thừa vì họ không muốn xông đất nhà họ. Phải cúng đúng 12 giờ khuya .
Từ đó Ngâu không dám rủ ai xem pháo hoa cả...
Những người xuống đường đêm trừ tịch đều có nam phụ lão ấu, chồng chở vợ con, nam nữ chở nhau, từng tốp thanh niên , thanh nữ đi chơi...hồ hởi lắm... Họ đi thành từng đoàn từ lúc chiều hoặc khoảng 8, 9 giờ tối để chờ xem 15 phút bắn pháo hoa lúc 12 giờ khuya, rồi hồ hở kéo về... thỏa chí, coi như một cuộc thưởng ngoạn gây kỷ niệm. Hàng trăm nghìn người, đen nghịt .Tuy nhiên, Ngâu biết cũng có những thanh niên nằm nhà hoặc bố mẹ bắt nằm nhà để ... đón giao thừa.
Dù là thành phần nào đi nữa, ai ai cũng rộn ràng đón TẾT.Đêm trừ tịch trở thành đêm pháo hoa.

BUỔI SÁNG PHÙ DU

  11 giờ còn nằm trên giường Chat với người bạn phương xa Cảm giác cuộc đời của mỗi con người Như kiến bò trong chén Chén của tạo hó...