Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Yêu nước theo "Thuyết tương đối"(Nghĩ từ cuộc biểu tình ở Tokyo chiều 25-6)

C.Đ.Q 
Gần 200 con người, chủ yếu là người trẻ, sinh viên học sinh, tập trung từ sớm ở công viên Mikawadai. Tôi có cảm giác không khí của một ngày hội. Khi tôi đến thì mọi người đang phát bandron, biểu ngữ, cờ đỏ sao vàng, … Dự báo thời tiết hôm nay sẽ có mưa bão, nhưng trời đất ở Tokyo lại ủng hộ chúng tôi. 26 độ C, mát mẻ, ấm áp, quang đãng. Ban đầu 40 người, rồi 60, 100, 200… Con số tăng dần, dòng người nối dài ra, ai cũng hớn hở, háo hức một cách chưa từng thấy. Đi từ ga Rippongi, cứ nghe tiếng Việt, chúng tôi lại bảo nhau: quân mình đó, rồi kéo lại gần nhau đi thành từng nhóm.
Người Nhật có một số ít đã gia nhập vào đoàn chúng tôi, phất cờ Nhật, nhưng cùng chí hướng với người Việt. Bạn tôi nói, cảnh sát Nhật hôm nay rõ ràng nhường nhịn người Việt, vì bình thường họ không bao giờ cho phép dàn hàng đi chậm qua ngã tư trong khi đèn đỏ đã bật. Chúng tôi đi sát bên nhau, lòng dâng lên nỗi niềm thương yêu vô hạn đối với dân tộc, quê hương. Tôi thấy nhiều người Việt đầu đã hai thứ tóc, đi lại có vẻ đã khó khăn, nhưng vẫn cầm cờ lặng lẽ theo đoàn. Tất cả đều trong sáng. Vậy là, rốt cuộc, chúng tôi được tự do tha thiết chân thành yêu đất nước mình trên một…đất nước khác. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi điều này. Tôi tưởng tượng nếu như mình đang ở Việt Nam thì sẽ như thế nào? Tôi đi bên cạnh một em đang học tiến sĩ về khoa học tự nhiên. Em nói: Sao mà sướng quá, mình đi biểu tình vầy cảm thấy không bị hèn, thấy mình cao lên, vậy mà trước khi đi em cứ sợ… Tôi hỏi em sợ gì. Em cười: dạ thì sợ vu vơ thôi. Em cũng thành thật: đến Nhật rồi mà vẫn còn mang nỗi sợ, cứ sợ sợ cái gì cũng không biết nữa.
Tôi nghe nói công cuộc chuẩn bị biểu tình này gần nửa tháng trời, bao gồm việc xin phép biểu tình theo luật, cử 5 đại diện người Việt đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo để diễn thuyết bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, thiết kế bandron, tranh biếm họa, vẽ bản đồ, … Khi đoàn biểu tình giải tán, chúng tôi mới hay có một số anh chị em đã tự nguyện đứng ra lo toàn bộ chi phí cho cuộc tuần hành. Chúng tôi không biết một điều là để có thể đi từ công viên Mikawadai qua các đường phố Nhật và dừng lại ở Episu, các anh chị em đó đã phải chi đến gần cả chục triệu đồng (nếu qui ra tiền Việt) cho tất cả các khâu, trong đó có cả chi phí (tính trên đầu người) bắt buộc cho việc…đứng tập trung ở công viên tư nhân của Nhật... Họ đã làm tất cả vì điều gì? Hoàn toàn trong sáng. Hoàn toàn vô tư, vô vị lợi. Không ghi tên, không để dấu ấn. […]
Tôi thấy tôi may mắn lạ lùng. 200 con người chiều hôm nay, ai cũng …lần đầu tiên đi biểu tình, mà lại biểu tình một cách dõng dạc, đàng hoàng, văn minh, học thức, không bị người ta nghi ngờ, khinh bỉ, không lo lắng bị giật áo, túm cổ, không bị cái cảm giác “mình làm vầy có sao không, có sao không…”, không bị chê là dại, là khùng.
Tôi cứ nghĩ hoài, nếu tự dưng có cơ hội về lại quê nhà, mình có dám tham gia như thế này không? Chắc sẽ có… Nhưng, cũng có thể không. Có nhiều lý do để không đi mà. Lý do đi chỉ có một. Đơn giản là thể hiện lòng yêu nước, sự quan tâm đến vận mệnh dân tộc. Lý do để không đi thì…không thể kể hết ra được. Quá nhiều. Quá…vu vơ.
Thế thì sao? Tôi lại nghĩ. Thôi thì, yêu nước theo “thuyết tương đối” vậy. Được sống ở Nhật, học ở Nhật, giao lưu ở Nhật, thì hưởng chút văn minh của Nhật, cố gắng dõng dạc, tự tin. Nếu mà về thì lại… ngó trước ngó sau, thể hiện được bao nhiêu thì thể hiện. Làm căng thì mình chùng lại, lui bớt đi. Thả thì mình cố “vươn” theo, “nương” theo tiến bộ xã hội trên thế giới. Nói chung là “tùy cơ ứng biến”, yêu bên trong hay thể hiện ra ngoài là… tùy mình.
Nghĩ vậy, tôi lại thấy buồn. Một nỗi buồn sâu sắc, thấm thía, che hết mọi hân hoan mà cuộc biểu tình tưng bừng khí thế ban chiều đã mang đến cho tôi./.
 

Người Việt tại Nhật biểu tình tuần hành phản đối Trung Quốc- con sóng nhỏ mạnh mẽ trong làn sóng phẫn nộ của người Việt trên toàn thế giới




Trưa ngày thứ bảy, 25-6-2011, tại công viên Mikawadai, thủ đô Tokyo, hơn 200 người Việt Nam đã tập trung nghe diễn thuyết mục đích biểu tình. Bài diễn thuyết được thể hiện bằng hai thứ tiếng: Việt và Nhật, được hoan nghênh và chú ý ngay từ những phút đầu. Bài diễn thuyết có đoạn như sau: “Hai năm trước, ngày 7/5/2009, Trung Quốc đã đưa ra bản đồ với đường lưỡi bò trên biển Đông, yêu sách chủ quyền đối với tất cả các đảo, đá trên Biển Đông và coi toàn bộ vùng biển này cũng như thềm lục địa và đáy biển của nó thuộc vùng đặc quyền kinh tế và quyền quản lý của riêng Trung Quốc. Đường lưỡi bò, không được xác định rõ cả về cơ sở pháp lý lẫn tọa độ địa lý, đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ không những của các nước liên quan mà còn là sự thách thức đối với Công ước Quốc tế về Luật biển mà chính Trung Quốc đã ký. Nó là sự thách thức quyền tự do hàng hải của thế giới, là sự thách thức Công lý và đe dọa với hòa bình không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Một đất nước phát triển mạnh như Trung Quốc thì không thể không hiểu luật quốc tế. Chẳng qua là chúng đã dày mặt”…Diễn thuyết kêu gọi: “Hỡi anh em! Hãy cùng cả thế giới lên án những hành vi trơ trẽn, ngang ngược, bất chấp pháp luật quốc tế mà chính phủ Trung Quốc đang tiến hành. Hãy để cho Trung Quốc hiểu rằng chủ quyền của mỗi quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”.
Ngay sau đó cuộc tuần hành ôn hòa gần 2 tiếng trên đường phố Nhật bắt đầu, với mục đích rõ ràng nhằm phản đối hoạt động phi pháp, xâm lược lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc, vi phạm trắng trợn các thỏa thuận và công ước quốc tế mà Trung Quốc đã phê duyệt như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố các bên về ứng xử trên biển Đông năm 2002; phản đối các hoạt động vũ lực, vô nhân đạo của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp, đặc biệt là hành vi bắt ngư dân, đòi tiền chuộc; phản đối các hành vi cản trở các hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác của Việt Nam trên vùng lãnh hải Việt Nam cũng như trên các vùng biển đang có tranh chấp; phản đối những tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc về chủ quyền trên biển Đông, phản đối tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc về chủ quyền đối với các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cuộc biểu tình được xem là hoàn toàn hợp pháp theo pháp luật Nhật Bản, được sự chấp thuận của chính quyền địa phương và cảnh sát Tokyo. Thành phần tham gia hơn 80% là sinh viên, lưu học sinh Việt Nam tại Nhật, những người còn lại là các gia đình Việt Kiều và người Việt đang làm việc tại Tokyo và các vùng lân cận. Đặc biệt cuộc biểu tình có sự tham gia của nhiều người Nhật, chia sẻ và ủng hộ quan điểm về biển Đông của Việt Nam. Các biểu ngữ được chuẩn bị hết sức chu đáo, tập trung xoay quanh các chủ đề: “Trung Quốc không được xâm phạm lãnh hải Việt Nam”, “Trung Quốc không được bắn giết ngư dân Việt Nam”, “Trung Quốc phải chấm dứt gây rối trên biển Đông”… bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh, Nhật, cùng nhiều tấm bản đồ, tranh biếm họa phản đối và chế giễu quan điểm “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Tất cả mọi thành viên tham gia đều gắn cờ đỏ sao vàng trên áo, kể cả các em bé. Cuộc biểu tình diễn ra hết sức ôn hòa, trật tự, nghiêm túc, không có bất kỳ một sự cố gây rối hoặc “lợi dụng” nào. Ngoài việc hô khẩu hiệu bằng ba thứ tiếng, đoàn liên tục hát Quốc ca, Lên Đàng, Dậy mà đi… Đoàn dừng chân tại công viên công viên Ebisu vào lúc 3 giờ chiều cùng ngày. Mạnh mẽ, nhiệt huyết, hiệu quả, cuộc biểu tình được đánh giá thành công. 
Trong bối cảnh tháng 6 “rất nóng” về tình hình biển Đông, cuộc biểu tình của sinh viên Việt Nam tại Nhật là sự tiếp nối rất kịp thời và hoàn hảo chuỗi các cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh, Việt kiều ở nhiều nước trên thế giới để phản đối Trung Quốc về hành động vi phạm nghiêm trọng lãnh hải Việt Nam. Cuộc biểu tình sớm nhất của các sinh viên Việt Nam trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc (Melbourne) diễn ra vào ngày 4-6-2011. Tuy số lượng sinh viên tham gia ít hơn dự tính ban đầu và không có tuần hành, nhưng sự nhanh nhạy (tổ chức sớm hơn đợt biểu tình trong nước 1 ngày) và cách thức ôn hòa, văn minh của cuộc biểu tình cho thấy ý thức trách nhiệm và “tư thế” của những trí thức trẻ Việt Nam rất đáng trân trọng. Ngày 24-6-2011, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp đã tổ chức cuộc biểu tình ở Quảng trường Trocadero tại thủ đô Paris với hàng trăm sinh viên, Việt kiều Pháp trong tinh thần “biến nguy cơ do Trung Quốc gây ra thành cơ hội đoàn kết toàn dân, bảo vệ và phát triển đất nước”. Trước đó, tại San Francisco (Hoa Kỳ), một cuộc biểu tình chống Trung Quốc do sinh viên Việt Nam tổ chức trước tòa Lãnh sự Trung Quốc cũng được ghi nhận. Các cuộc biểu tình của sinh viên Việt Nam phản đối Trung Quốc ở Anh, Đức, Cộng Hòa Séc cũng được giới truyền thông đề cập. Làn sóng phản đối hành động xâm lăng của Trung Quốc trên biển Đông đang ngày càng tỏ ra mạnh mẽ, quyết liệt, biểu hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết của người Việt trên toàn thế giới./.

 

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Thư gửi một nhà báo tương lai

19/06/2011 1:08 
http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110619/Thu-gui-mot-nha-bao-tuong-lai.aspx
Cậu thân mến!
Tớ rất vui mừng khi biết cậu muốn thi vào khoa báo chí của trường đại học trong kỳ thi sắp tới.
Như cậu cũng biết, niềm vui trong cuộc sống hiện nay không nhiều, và đây quả là một dịp rất tuyệt vời để tớ cảm thấy hạnh phúc. Tớ công nhận mình quá may mắn và vinh dự nếu có cơ hội để làm quen với một nhà báo, dù hy vọng đó còn đang ở tương lai.
Cậu ơi!
Xã hội không phải thiếu các “nhà”. Nào nhà văn, nhà thơ, nhà tạo mẫu, nhà triết học và nhà thầu. Nhưng nhà báo vẫn có một giá trị riêng.
Bởi báo chí, như nhiều người có uy tín đã khẳng định, đóng một vai trò rất lớn trong cuộc sống. Được coi là lương tâm, là quyền lực thứ tư của xã hội, báo chí từ lâu đã mang một giá trị cao quý và quan trọng đến mức có thể nói câu “cho tôi đọc báo của bạn, tôi sẽ cho bạn biết xã hội bạn đang sống là xã hội như thế nào”.
Bởi làm báo chân chính khó vô cùng. Nhiều kẻ tán dương báo chí là tấm gương của xã hội, tớ cực lực phản đối điều này. Bởi tấm gương chỉ phản chiếu nguyên xi, trong khi báo chí đích thực phải phản chiếu qua lăng kính của người viết. Nghĩa là trước mỗi vấn đề, mỗi hiện tượng, nhà báo đều phải đưa ra thái độ, cách nhìn của mình, kể cả khi thái độ và cách nhìn đó khác hẳn đám đông.
Cậu thân mến!
Nhà báo không đơn thuần chỉ là một kẻ ghi chép, sao chụp, vồ lấy sự kiện rồi ném lên mặt giấy một cách ngổn ngang. Những gì mà một cái máy ghi âm, một cái máy ảnh làm được, có khi nhà báo không làm.
Nhà báo tầm thường săn lùng sự kiện. Nhà báo tử tế nhìn những sự kiện đó rút ra các kết luận mới mẻ. Nhà báo đúng nghĩa thì sau khi kết luận sẽ suy đoán ra các sự kiện tiếp theo. Còn nhà báo chân chính thì từ cách suy luận, đưa ra các biện pháp để khiến các sự kiện tiếp theo ấy nếu còn xảy ra thì xảy ra theo nghĩa tốt.
Nếu xã hội là một cơ thể sống thì nhà báo phải vừa là thầy bói, vừa là bác sĩ, vừa tìm cách sản xuất thuốc cho cơ thể đó. Kẻ nào chỉ ra bệnh mà không đưa ra phương pháp chữa trị (nhiều khi không phải do dốt mà do sợ hãi) kẻ đó không khi nào là một nhà báo thực sự cả.
Cho nên tớ tin chắc, cậu ạ, trong bản thân mỗi nhà báo có rất nhiều nhà và không nhà nào kém ngang hàng với nhà quản lý. Chỉ có vậy, báo chí mới có sức mạnh, sức đấu tranh và sức hấp dẫn. Bởi phần lớn dân chúng đều không được đào tạo, không quen lý luận, viết lách lại quá bận bịu với nỗi lo cơm áo hằng ngày. Do đó họ chỉ trông chờ vào các tờ báo để tìm hiểu cuộc sống và trông chờ vào các nhà báo để gửi gắm những suy nghĩ của mình. Nhà báo, đôi lúc là cầu nối duy nhất giữa người dân và các công sở hoặc tư sở. Trên cây cầu đó, chân họ cảm thấy nóng hay thấy lạnh là việc của riêng cậu cũng như những người bạn báo chí của cậu.
Nói thực thì tớ hiểu việc trở thành một nhà báo cao quý rất khó khăn. Nó đòi hỏi quá nhiều thứ, kể cả những thứ cậu chưa có, không có hoặc có mà không dám hy sinh. Cậu nhiều khả năng chỉ đơn giản muốn làm báo để sống, để có tiền mua gạo, mua nước mắm hoặc mua bia.
Nếu thế thì tớ mách cho cậu một cách làm báo dễ hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Cậu chả cần nhọc công gì cả, hằng ngày cậu chỉ cần lên mạng tìm xem ca sĩ nào vừa bị mất áo, diễn viên nào vừa bị hở quần hoặc cầu thủ nào vừa mới ly dị vợ hay bị vợ đứa khác ly dị. Cậu cứ đăng những tin đó lên thật nhiều, kèm theo càng lắm ảnh minh họa càng tốt, cậu sẽ dần trở thành nhà báo, vẫn có thể được một số ngôi sao danh tiếng mời cơm.
Cao cấp hơn một tí, cậu có thể xem báo khác hoặc chính báo mình đang có vấn đề gì thì hùa vào. Hễ sân khấu đang sốt thế nào, điện ảnh đang tranh cãi loại cảnh gì thì cậu nhảy vô, khai thác một tí, xào xáo một tí, cậu vẫn có thể trở thành một kẻ “hot” và hợp thời. Cao cấp tuyệt vời là cậu phải biết nghe ngóng. Nếu cảm giác cô đào nào đang có bầu, tài tử nào đang có con riêng thì cậu phải truy bằng ra. Thay vì khái quát thì cậu moi móc, thay vì nhận định thì cậu nhặt nhạnh, thay vì xả thân thì cậu rình mò, cậu sẽ trở thành nhà báo kiêm nhà nấu canh cải, lúc nào cũng có sẵn cả nồi dành cho xã hội xơi.
Tóm lại, có rất nhiều con đường để trở thành nhà báo hoặc thợ viết báo và chọn cách nào là tùy theo trình độ, đạo đức, cách suy nghĩ và cách ăn uống của cậu.
Bản thân mình luôn hy vọng cậu trở thành một nhà báo mà nhờ cậu, mình biết phải làm gì chứ không phải biết đứa khác đã làm gì. Mong cậu hiểu và cố gắng.
Bạn của cậu.
Lê Tèo
Lê Hoàng

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

BÁNH TAI YẾN

Bánh tai yến hay bánh tổ yến , Hạ thích gọi là bánh tai yến hơn vì chợt nghĩ đến những chim yến xinh đẹp đầy màu sắc hót líu lo có những vành tai xinh xinh. Trẻ con cầm chiếc bánh nóng hổi vừa mới lấy từ trong chảo dầu ra ,măm măm từng chút cái vành vàng rụm của nó, rồi sau đó cũng thưởng thức từng chút từng chút cái tổ phía trong,vừa xốp như như bánh bò, phồng lên chính giữa như cái trứng gà ốp la chiên giòn có tròng đỏ nỗi cộm , nhìn phát thèm .
Chở con gái đi thi dưới cái nắng trưa hè của Sàigòn, may mà chỉ qua những con đường của quận nhất, đường Mạc Đỉnh Chi rợp tán me, đường Lê Duẫn, Nguyễn Du cũng có những hàng cây cao vút che nắng, nó vẫn kêu, mẹ lái xe nhanh lên, nắng quá.Hai mẹ con suốt ngày ở trường và cơ quan nên không chịu nỗi nóng và nắng buổi trưa như thế này...con gái vào trường thi, Hạ cho xe quay về nhà tuy trong lòng muốn đi loanh quanh đâu đó. Đến góc đường Nguyễn thị Minh Khai và Pasteur chợt thấy một gánh bán bánh tai yến. Một chàng trai bán bánh tai yến , bán và chiên tại chỗ, đầy hấp dẫn , vừa nóng vừa dòn . Một loại bánh của kỷ niệm, của thời thơ ấu .
Tự hỏi tại sao những chiếc bánh dân dã ngon lành kia mất hút, mất tăm trên những ngã đường Saigon này, đôi khi chỉ xuất hiện trong các hẻm nhỏ, mà cũng thỉnh thoảng thôi vì bán ế quá nên những người bán không thể duy trì, chỉ có thể bán những loại bánh tây để lâu được, không thể bán các loại bánh vừa thổi vừa ăn như thế  Anh chàng vừa đen đủa nhưng trông sáng sủa, khá đẹp, ngồi góc đường quả là can đảm,.Không thích làm công nhân, chỉ thích làm nghề tự do, mà lại không giống như những nguời nhập cư khác bán quà đường phố lặt vặt, có ế cũng không sao, ngày mai bán tiếp.Chàng ta chọn bán loại bánh hàng rong phải vừa mới, vừa nóng, sản xuất ngay tại chỗ , ngay tại góc đường đầy những building cao vút, những của hàng sặc sở đầy màu sắc châu Âu. Mỗi bánh giá năm đồng. Giá tiền này không thể vào Tous les jours mua một loại bánh nào , vì giá bèo nhất của bánh Tous les jours là 8 ngàn, một cái bánh không lớn hơn hai ngón tay. Có khác chăng là khách của các cửa hàng bánh ở Saigon được vào một nơi có máy lạnh, được ân cần đón “ Tous les jours xin chào ”. Nhưng chắc chắn, “ Tous les jours xin chào ” không thể thêm cho khách một cái bánh nào cả.Anh chàng đen đúa, đẹp trai chủ của gánh bánh tai yến chiên tại góc đường sẳn sàng tặng thêm cho khách hàng một cái bánh tai yến nóng hổi khi khách mua bốn bánh, trị giá 20.000 đồng, nghĩa là khách được 5 cái bánh.
Khuyến mãi thế, ân cần là thế và là một trong những người giữ được nét đặc sắc của đặc sản ẩm thực Việt Nam là thế, nhưng vẫn bị các chú công an đuổi chạy le te. Hỏi em ở đâu, dạ , Đồng Tháp. Chợt nhìn qua góc đường kia, phía cây xăng Pasteur có một toà nhà cao hơn 10 tầng của một nguyên bí thư tỉnh uỷ . Buồn ơi !!!!



SAIGON BÂY GIỜ LÀ CỦA AI ? ( bài 2 )

Anh kể cho Chị nghe về những trái chuối nướng ngày thơ ấu của anh. Những trái chuối xiêm chín rục được bọc bên ngoài nếp trộn dừa. Phải là chuối xiêm chín chớ không phải loại chuối nào khác vì như thế không đúng khẩu vị của món ăn miền Nam . Nếp nấu hơi nhảo một chút trộn với dừa nạo , bọc chung quanh trái chuối và được quấn thêm bên ngoài hai lớp lá chuối, nướng trên bếp than riu riu. Than không được cháy bùng vì như thế lớp lá chuối sẽ cháy khét mà chuối bên trong chưa nóng đủ độ để tươm mật ra, lớp nếp dừa bên ngoài sẽ cháy khét. Phải đủ thi vị như thế mới có một món ăn dân dã, đặc sệt tính Nam bộ. Chuối bạt ngàn , dừa bạt ngàn, nếp đầy kho,...chỉ cần sáng tạo một chút, khéo tay một chút là có thể có một món ăn vừa thổi, vừa bùi, ăn tại chổ, ăn nóng mới ngon....Anh ví những trái chuốí nướng bọc nếp dừa dòn rụm này được bàn tay khéo léo của người nứong trở qua trở lại trên vĩ như những chú heo sữa quay ; những con heo sữa quay vàng ươm này đã từng làm anh bị đòn vì dám trộm ăn
Gia đình anh chạy loạn từ Phan Thiết vào Saigon, tá túc nhà người bác, hai anh em anh phải đi bán chuối nướng.Gánh chuối nướng nuôi sống gia đình anh, để tồn tại, để được đến trường. Thời đó không có KFC, Lotteria, Tous les jours, nên những người bán những món ăn quốc hồn quốc tuý này còn sống được. Hai anh em rong ruổi khắp đường Saigon, không biết rằng mình đang gìn giữ cho nền ẩm thực Nam bộ.
Có những người Sai gon nhớ góc Brodard, Givral,...những hiệu bánh Tây mà chỉ những đứa trẻ thượng lưu được lui tới. Anh nhớ những góc phố, những con hèm chằn chịt của Saigon với những món ăn của Saigon đang dần dần biến mất.
Saigon bây giờ là của ai ?

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

BÀ LÃO NGỒI KHÓC BÊN ĐƯỜNG

Có một bà lão ngồi khóc ở gốc cây đa đầu làng, còm cỏi, ốm yếu. Người người đi ngang qua ngạc nhiên dừng lại hỏi. Bà lão không nói, cứ khóc rấm ra rấm rít. Có một ông quan đi kiệu ngang qua, thấy lạ, bèn xuống kiệu, đến gần hỏi bà lão. Một lúc lâu, bà lão mới nói :
  • Lão khóc cho vận nước, thưa Ngài.
  • Tại sao thế, nước mình vừa có vua mới mà ?
  • Vì thế lão mới khóc...
    Ông quan ngạc nhiên hỏi mãi, hỏi mãi, ... đến khi chiều xuống, bà lão mới sụt sùi:
  • Kính thưa Ngài, lão nói những lời này khó nghe, mong Ngài lượng thứ; tuy nhiên thân già này cũng chẳng từ nan gì mà không nói thật , dù Ngài có giết lão cũng được, Từ nhỏ đến giờ , lão sống đã qua nhiều triều đại, vua cứ thay đổi mãi.Mỗi lần thay đổi vua là thay đổi luật lệ, thay đổi quan lại . Quan cũ đã tham nhũng đầy kho nhà quan rồi nên cũng thư thái cho dân; quan mới lên , kho nhà quan mới còn trống nên phải làm đầy. Mỗi lần thay đổi là dân chúng càng lầm than. Vườn ruộng nhà lão trước kia rộng lớn nay chỉ còn lại là khuôn viên một mái tranh. Lại thêm nạn thiên tai, mất mùa. Lão khóc là khóc cho vận nước lao đao...
    Ông Quan nghe xong lên kiệu đi một nước, không quay lại.
    Và, bà lão ngồi bó gối ôm mặt khóc tiếp tục ai nói gì cũng không nghe.

BUỔI SÁNG PHÙ DU

  11 giờ còn nằm trên giường Chat với người bạn phương xa Cảm giác cuộc đời của mỗi con người Như kiến bò trong chén Chén của tạo hó...