Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TẠI MIỀN NAM VIỆT NAM QUA TÀI LIỆU LƯU TRỮ CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA

Nguyễn Thị Hồng Cúc

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II hiện đang bảo quản các ngun tài liu quan trng của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Nguồn tài liệu này được xếp trong các Phông Lưu trữ, như: Phông Ph Tng thng Đ nht Cng hòa (PTTĐICH); Phông Ph Th tướng Quc gia Vit Nam (PTTQGVN); Phông Ph Th tướng VNCH (PTTVNCH); Phông Hi đng Quân nhân Cách mng (HĐQNCM); Phông Cơ quan Vin tr quc tế Hoa Kỳ (CQVTQTHK), Phông Ph Tng thng Đ nh Cng hòa (PTTĐIICH). Bài viết sau đây được lấy trong những tài liệu của các Phông Lưu trữ này. Hy vọng rằng các nhà nghiên cứu khi cần tìm hiểu các hoạt động của miền Nam Việt Nam (giai đoạn 1954 - 1975) sẽ khai thác các tài liệu lịch sử quan trọng tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II cũng như các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia khác của Việt Nam.

I. Các đại học công và tư tại miền Nam VN giai đoạn 1954 - 1975
Giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam chỉ bắt đầu từ cuối năm 1946 như một chi nhánh của Đại học Đông Dương Hà Nội. Nền đại học này đã trải qua một giai đoạn chuyển tiếp trong những năm đầu của thập niên 50, và sau đó dần dần phát triển, gồm có  Ðại học Quốc gia, Ðại học Cộng đồng Ðịa phương, và 16 trường đại học tư lớn nhỏ [1].
Ðại học cấp quốc gia gồm có: 
- Viện Đại học Sài Gòn có 9 đại học thành viên là Đại học Y khoa, Đại học Nha khoa, Đại học Dược khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học: gồm có 15 ban, Đại học Văn khoa có các ban Việt văn, Việt Hán, Triết học, Sử Địa, Nhân chủng học, Pháp văn, Anh văn, Đại học Luật, Đại học Kiến Trúc [2], Hải học viện Nha Trang.
- Viện đại học Huế gồm có 5 phân khoa là đại học Khoa học, đại  học Luật khoa, đại học Văn khoa, đại học Sư phạm và đại học Y khoa.
- Viện Đại học Cần Thơ gồm 5 phân khoa: Văn khoa, Luật khoa và Khoa học xã hội, Sư phạm, Khoa học và Canh nông.
- Học viện Quốc gia Hành chánh trực thuộc Phủ Thủ tướng.
- Trường Võ bị Quốc gia Ðà Lạt trực thuộc Bộ Quốc phòng.
            - Viện đại học Bách khoa Thủ Đức gồm có 7 đại học thành viên là Đại học Kỹ thuật (tiền thân là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ), Đại học Nông nghiệp (tiền thân là Trung tâm Quốc gia Nông – Lâm – Súc), Đại học Giáo dục (tiền thân là Trung tâm Huấn luyện Sư phạm Kỹ thuật), Đại học Kinh Thương, đại học Khoa học Cơ bản,  đại học Thiết kế Thị Thôn, đại học Cao cấp (tiếng Anh: College of Graduate Studies), điều phối các chương trình đào tạo bậc cao học  tiến sĩ [3].
            Ðại học Cộng đồng địa phương như Viện Đại học Cộng đồng Quảng Ðà [4] , Đại học Cộng đồng Nha Trang hay Viện Đại học Cộng đồng Duyên hải, Viện Đại học Cộng đồng Tiền Giang Mỹ Tho[5] Ðại học Cộng đồng Long Hồ-Vĩnh Long, Ðại học Cộng đồng Ban Mê Thuột.
            Những đại học tư như Viện Đại học Đà Lạt [6], Viện Đại học Vạn Hạnh [7], Viện Đại học Cao Đài, Viện Đại học Minh Đức [8], Viện Đại học Hòa Hảo [9], Đại học Dân Trí [10], Viện đại học Bảo Lộc tại Saigon [11], Viện Đại học Phương Nam [12], Học viện Cộng đồng Régina Pacis tại Saigon [13], Viện Đại học Cửu Long [14], Học viện Tri Hành [15], Viện Đại học Canh Tân [16],Viện Đại học Kỹ thuật Đồng Nai tại tỉnh Bình Dương [17], Đại học Sư phạm Thành Nhân, Học viện Lasan, Học viện Minh Trí [18].
II. Đào tạo đại học tại miền Nam Việt Nam qua tài liệu lưu trữ của Viêt Nam Cộng Hòa (VNCH)
Việc chuyển giao quyền quản trị đại học từ người Pháp sang người Việt đánh dấu một khúc quanh quan trọng trên đường phát triển đại học Việt Nam. Từ đó đại học được thay đổi để mang đặc tính Việt Nam. Nhằm đạt mục đích này các nhà giáo dục miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ phải đối diện với hai vấn đề cấp bách là: chuyển từ Pháp ngữ sang Việt ngữ hệ thống giáo dục Việt Nam và thành lập một chương trình học có tính chất Việt Nam.
Vì ảnh hưởng văn hoá Pháp còn quá nặng, việc chuyển ngữ ở đại học tại miền Nam Việt Nam tiến hành chậm và gặp khó khăn. “Việt ngữ được dùng lần đầu tiên từ năm 1951 tại các lớp đệ thất (lớp 6 Trung học cơ sở hiện nay). Năm 1952 đại học Văn Khoa đã có ý định dùng Việt ngữ làm chuyển ngữ. Năm 1956 chương trình học Việt ngữ đầu tiên được thực hiện tại Đại học Luật khoa. Năm 1957, Việt ngữ được dùng làm chuyển ngữ tại Viện Đại học Huế. Tuy nhiên, tại Sài Gòn, Pháp ngữ vẫn còn được các giáo sư đại học dùng để giảng dạy cho đến năm 1966” [19].
Trong văn bản của Hội đồng Văn hóa Giáo dục [20] có ghi “Triết lý giáo dục của miền nam VN giai đoạn 1954 - 1975 là Nhân Bản, Dân tộc, Khai phóng.
- Nhân bản: lấy con người làm cứu cánh, tôn trọng những giá trị thiêng liêng của con người, chủ trương sự phát triển quân bình và toàn diện của mỗi người và mọi người.
- Dân tộc: biểu hiện và phát huy tinh thần dân tộc, các truyền thồng tốt đẹp và các giá trị đặc thù của dân tộc nhằm bảo đảm sự đoàn kết trường tồn của dân tộc, cũng như sự phát triển điều hòa và toàn diện của quốc gia.
- Khai phóng: luôn hướng tới sự tiến bộ, tôn trọng tinh thần khoa học, rộng rãi đón nhận những tinh hoa văn hóa thế giới, tích cực đóng góp vào sự cảm thông và hợp tác của các dân tộc cũng như sự thăng tiến nhân loại trong hòa bình và tự do”.
Cũng trong văn bản này, xác định chính sách giáo dục là đại chúng hóa giáo dục và thực dụng hóa giáo dục, đề nghị một ngân khoản giáo dục tối thiểu là 20% ngân sách quốc gia.
Trong khi đó, bài phỏng vấn của Việt Tấn Xã vào ngày 28/8/1974 [21] với Viện trưởng viện đại học Bách Khoa Thủ Đức cho rằng: “Tiền sinh viên đóng cho trường đều đi vào ngân khố. Chúng tôi không thể tự tiện lấy ra rồi tự tiện tổ chức này nọ. Hiện chỉ có 6% tổng số ngân sách quốc gia dành cho giáo dục nên chúng tôi không thể nào phát triển mau lẹ như ý muốn”.
Như thế, về tài chánh và phương tiện giáo dục là ngân sách chi cho giáo dục quá ít (6% ngân sách quốc gia) và cơ sở vật chất trường đại học quá nhỏ, thiếu phương tiện giảng dạy cần thiết của một nền giáo dục hiện đại nên ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian này.
Các Viện đại học miền Nam Việt Nam trước 1975 hoạt động trong qui định của hiến pháp năm 1956 và hiến pháp ngày 1/04/1967. Hai hiến pháp của chánh quyền miền Nam Việt Nam đều xác định: công nhận quyền tự do giáo dục, giáo dục cơ bản cưỡng bách và miễn phí, giáo dục Đại học được tự trị, phụ huynh có quyền chọn trường cho con em, các đoàn thể và tư nhân có quyền mở trường theo điều kiện luật định.
Theo phiếu trình v/v quy chế Đại học, ngày 18-12-1968 [22] :
 “Quy chế được Viện đại học Sài Gòn áp dụng từ 1954 đến 1968 là quy chế của Viện đại học Hà Nội cũ. Quy chế này được soạn thảo theo các văn bản pháp lý: Hiệp định Pháp Việt ngày 8-3-1949, thoả ước văn hoá ngày 30-12-1949, thoả ước ngày 30-05-1949”.
Điểm nổi bật trong bản quy chế này là tính cách hỗn hợp Pháp Việt, viện trưởng do Chính phủ Pháp chỉ định trong các giáo sư người Pháp với sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam và do Chính phủ Việt Nam bổ nhiệm trong thời hạn 3 năm. Phó Viện trưởng do Chính phủ Việt Nam chỉ định và bổ nhiệm. Khoa trưởng và Phó khoa trưởng do Hội đồng khoa bầu. Nhân viên giảng huấn có 6 hạng: giáo sư thực thụ (professeur titulaire), giáo sư thạc sĩ (professeur agrégé), giáo sư uỷ nhiệm (professeur sans chaire), giảng sư (chargé de cours), giảng viên (chargé d’enseignement) và phụ khảo (chargé de travaux).
Như vậy viện trưởng sẽ chỉ định một khoa trưởng hoặc giáo sư thay thế khi vắng mặt ở Việt Nam, nhưng trong thực tế vào năm 1968 thì Tổng trưởng bộ Quốc gia Giáo dục thường cử người xử lý thường vụ Viện đại học mỗi khi Viện trưởng vắng mặt.
Trong báo cáo “Hiện trạng của Giáo dục và vấn đề căn  bản pháp lý” của Ủy ban soạn thảo Dự luật Giáo dục Đại học vào ngày 11-11-1972 [23], đã ghi:
“Cho đến nay, các viện Đại học Quốc gia hiện hữu vẫn áp dụng qui chế đại học cũ của chính phủ Pháp để lại, gọi là “Qui chế đại học hỗn hợp”. Về phương diện quản trị nhân viên đại học bị chi phối bởi “qui chế chung Công chức” ấn định bởi dụ số 9 ngày 14-07-1950, mặc dù sắc lệnh số 139-SL/Th.T./CV ngày 22-09-1972 có cải thiện được đôi chút về quyền lợi cho nhân viên giảng huấn đại học…”.
Để tiến đến việc ban hành sắc luật đại học, từ năm 1954 đến năm 1973, có tất cả 5 dự thảo về giáo dục đại học: Dự thảo của viện Đại học Sài Gòn, năm 1957, về qui chế lương bổng giáo chức đại học; Dự thảo của viện Đại học Sài Gòn, năm 1969, về qui chế tự trị của các viện đại học Quốc gia; Dự thảo của trường Đại học Luật khoa Sài Gòn, năm 1969, về qui chế của các viện đại học Quốc gia; Dự thảo của bộ luật Giáo dục năm 1970, về tổ chức các viện đại học Quốc gia và nền tự trị của đại học; Dự thảo luật của Hạ Nghị Viện 1970 về qui chế của các Viện đại học Quốc gia [24].
Từ những dự thảo luật này vào tháng 3 năm 1973, Tổng Thống VNCH ban hành “Qui định chế độ Giáo dục đại học Quốc Gia”, trong đó xác định: Giáo dục Đại học đặt dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Quốc gia phát triển Giáo dục Đại học. Thành phần Hội đồng Quốc gia phát triển Giáo dục Đại học được ấn định: Thủ tướng (Chủ tịch),Tổng trưởng Bộ Giáo dục (Tổng thư ký), và 9 hội viên là: Tổng trưởng bộ Kế hoạch và Phát triển Quốc gia, Tổng trưởng bộ Tài Chánh, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Giáo dục &Thanh Niên Thượng Nghị Viện, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Giáo dục & Thanh niên Hạ Nghị Viện, đại diện Hội đồng Văn hoá Giáo dục, đại diện Hội đồng Kinh tế Xã hội, một Viện trưởng đại diện Viện đại học công, một Viện trưởng đại diện Viện đại học Cộng đồng, một Viện trưởng đại diện Viện đại học tư.
Hội đồng này có nhiệm vụ: hoạch định chính sách phát triển giáo dục đại học và ấn định sự tài trợ hàng năm cho các viện đại học. Như thế Hội đồng Quốc gia phát triển Giáo dục Đại học không có trách nhiệm trong việc tuyển sinh, chương trình đào tạo, tuyển dụng nhân sự của các viện đại học.Tuy nhiên, từ tháng 3 năm 1973 đến tháng 4 năm 1975 vì tình hình chính trị và quân sự tại miền Nam Việt Nam không ổn định nên chưa có những qui định cụ thể hơn về hội đồng này.
Về phân cấp bổ nhiệm các cấp quản lý [25]:
- Tổng Thống bổ nhiệm Viện trưởng các viện đại học công.
- Tổng trưởng bộ Giáo dục bổ nhiệm các khoa trưởng các đại học theo đề nghị của Viện trưởng
- Các trường đại học và các trung tâm cơ hữu của viện sẽ được thiết lập bằng sắc lệnh của Thủ tướng.
- Các ngành chuyên khoa thuộc các trường đại học được thiết lập bằng nghị định của Tổng trưởng bộ Giáo dục.
Theo “Qui định chế độ Giáo dục đại học quốc gia” nói trên, Tự trị đại học được quy định vào việc quản trị giáo dục đại học, về phương diện tổ chức, điều hành, tài chánh, học vụ và nhân viên, trong phạm vi luật pháp quốc gia. Mỗi viện đại học hay cơ sở giáo dục công lập tương đương có tư cách pháp nhân, và đặt dưới sự quản trị của một Hội đồng Quản trị Đại học có nhiệm vụ: ấn định chương trình phát triển, lệ phí và học phí, tìm và thu nhận các nguồn tài nguyên, kiểm soát việc quản trị tài sản, dự thảo ngân sách và kiểm soát việc thi hành,  ban hành quy chế và nội quy của viện đại học, đề nghị bổ nhiệm các chức vụ Phó Viện trưởng, Phụ tá Viện trưởng và Khoa trưởng.
Như thế, hệ thống đào tạo đại học ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975, được tự trị về học vụ chuyên môn. Ngân sách của đại học công lập thuộc ngân sách Bộ Giáo dục do Quốc hội duyệt hàng năm; nhân viên và giáo sư đại học trực thuộc Tổng ủy Công vụ. 
Năm 1957, theo một nghị định của Tổng Thống VNCH [26] về việc thành lập một trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ thuộc quyền của bộ Quốc gia giáo dục, có một lớp dự bị để thi vào năm I trường này, chỉ đào tạo 3 năm, nếu trường mở thêm năm thứ tư thì nhóm sinh viên này sẽ được chứng nhận là tốt nghiệp trường Quốc gia Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ, do một giám đốc (được bộ Quốc gia giáo dục bổ nhiệm) ký. Những sinh viên tốt nghiệp sau 4 năm, được cấp bằng “Kỹ sư Công nghệ” do bộ trưởng bộ QGGD ký, những sinh viên không đủ điều kiện để cấp văn bằng sẽ được cấp “Chứng chỉ cựu sinh viên trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ” do Giám đốc trường ký. Như thế đại học này có hai loại văn bằng khi ra trường.
Về việc ghi danh học tại các đại học thuộc viện đại học Sài Gòn [27]do tổng trưởng bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên ký, đã qui định:
- Mỗi niên khóa, Khoa trưởng các đại học thành viên sẽ ấn định số sinh viên ghi danh vào năm dự bị tùy theo khả năng thu nhận của trường.
- Thí sinh ghi danh phải hội các điều kiện: đậu Tú tài II ban A hoặc B, Tú tài Kỹ thuật, các văn bằng ngoại quốc được công nhận tương đương.
- Điểm trung bình của hai môn liên hệ quan trọng nhất trong kỳ thi Tú tài II phải đủ cao (tối thiểu 10/20) để chứng tỏ khả năng của sinh viên phù hợp với chứng chỉ liên hệ (thí dụ điểm trung bình 2 môn Lý Hóa, Vạn vật cho chứng chỉ Lý Hóa, Vạn vật; điểm trung bình 2 môn Toán và Lý Hóa cho chứng chỉ Toán Lý Hóa).
- Việc ghi danh thiệt thọ các sinh viên sẽ được xét theo thứ tự ưu tiên về điểm trung bình hai môn quan trọng liên hệ trong kỳ thi Tú tài II.
- Đối với các sinh viên sắc tộc thiểu số, cựu quân nhân, quân nhân tại ngũ và cô nhi tử sĩ được đặc biệt cứu xét trong tinh thần nâng đỡ.
- Sinh viên chỉ được ghi danh học chứng chỉ dự bị tối đa là 2 năm. Chỉ được ghi danh tạm một chứng chỉ dự bị.
 Viện đại học Bách khoa Thủ Đức chỉ chấp nhận đơn đăng ký dự tuyển vào trường thí sinh phải đậu hạng bình thứ (nghĩa là tổng số điểm các môn thi chia cho tổng hệ số phải trên 7 điểm). Vào năm 1974, tổng số học sinh đậu tú tài hạng bình thứ trên toàn miền Nam khoảng 300 - 400 người. Sau đó qua một đợt thi tuyển viện đại học Bách khoa Thủ Đức chọn 40 người (!). Viện được tự do tuyển sinh theo cách của viện, Bộ Giáo dục không có ý kiến.
Các đại học Y - Dược thuộc Viện Đại học Sài Gòn chỉ nhận thí sinh ghi danh sau khi đã có chứng chỉ dự bị Hóa Sinh (SPC) của Đại học Khoa học. Như thế, việc được có một chỗ ngồi trong các đại học thời VNCH cũng khá khó khăn. Một số đại học cho ghi danh (thông thường là các khoa Khoa học Xã hội), nhưng trong quá trình bốn năm học đại học thì bị sàng lọc rất kỹ, số sinh viên còn lại trong năm thứ hai chỉ khoảng 20% và khi tốt nghiệp đôi khi chỉ có khoảng 10% trên số sinh viên đã ghi danh học năm dự bị. Riêng các đại học về kỹ thuật, y dược đều phải qua một kỳ thi tuyển rất gắt gao.
Trong văn bản đề cập đến “Phương sách phát triển giáo dục của Nha kế hoạch và pháp chế học vụ” vào tháng 8/1971 [28] có đưa ra những khuyết điểm của nền giáo dục VNCH thời đó là: “tổng số sinh viên đại học, cao đẳng, kỹ thuật và chuyên nghiệp đã gia tăng, trong khoảng 1960 - 1970 từ 13424 lên 47.021 tức 250 %. Tuy nhiên tỉ số sinh viên trên dân số chỉ chiếm khoảng 0,2%, trung bình trong 1000 người dân có 2 người được vào đại học hoặc cao đẳng. Số sinh viên kỹ thuật mặc dù phát triển theo tỉ lệ 146% trong 10 năm nhưng chỉ chiếm 2,3% trong tổng số sinh viên. Số sinh viên tốt nghiệp hàng năm, số chuyên viên, số cán bộ tốt nghiệp trung cấp không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển quốc gia theo chiều hướng khoa học kỹ thuật. Số giáo sư đại học, cao đẳng dù đã phát triển đến 112% nhưng vẫn không đủ đáp ứng phần giảng dạy ở cấp bậc đại học.”
Giáo dục đại học miền Nam trong giai đoạn này phát triển rất mạnh, từ 200 sinh viên năm 1946 đến năm 1974 đã lên hơn 60.000 sinh viên. Nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam (giai đoạn 1954 - 1975) cũng có nhiều nỗ lực để phát triển về giáo dục nhưng vì chiến tranh nên ngân sách giáo dục ít, chính quyền không thể bao biện về giáo dục (toàn bộ ngân sách nhà nước thời kỳ này đều đổ vào quốc phòng). Theo các tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, những người chịu trách nhiệm về đào tạo giáo dục bậc đại học đã đưa ra những báo cáo, những đề nghị, những tiêu chí rất hay về giáo dục nhưng các giáo sư, sinh viên trong thời gian này luôn phập phồng lo sợ bị bắt theo luật tổng động viên nên không an tâm nghiên cứu học thuật, do đó khó đạt được tiêu chuẩn chất lượng đào tạo đại học đúng nghĩa.
Nhờ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, những tài liệu viết về nền giáo dục đại học của Việt Nam Cộng Hòa đã được lưu giữ đến ngày nay mà bài viết trên chỉ thể hiện được một phần quá nhỏ. Những tập hồ sơ, những tờ giấy đánh máy ố màu, vàng ngà, mỏng tanh, được sắp xếp theo trình tự thời gian, tựa đề, đã giúp cho những người nghiên cứu dễ dàng hơn khi thực hiện các đề tài của họ. Để giữ được những tài liệu lịch sử này, những người làm việc tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đã làm một công việc hết sức thầm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa cùng với niềm tự hào họ đang bảo quản một kho tài liệu nếu xếp theo một hàng ngang có thể tính bằng hàng ngàn cây số tài liệu. Một phần bí mật của Việt Nam từ thời thuộc Pháp đến bây giờ đang nằm trong kho lưu trữ này chờ các nhà nghiên cứu khám phá.



[1]  Thực trạng về hoạt động của sinh viên và nền đại học Việt Nam, tháng 10/1969, phông PTTVNCH, số29764, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
 [2]  Nghị định về tổ chức đại học Kiến trúc Sài Gòn ký ngày 22/10/1968, phông PTTĐIICH, số 5946, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[3] Sắc lệnh số 264-TT/SL thiết lập tại Thủ Đức Viện đại học Bách khoa Thủ Đức ký ngày 29/03/1973, phông PTTĐIICH, số 3985, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[4] Sắc lệnh số 641-TT/SL của Tổng Thống VNCH, ký ngày 18/07/1974 v/v thiết lập tại thị xã Đà Nẵng một Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà, phông PTTĐIICH, số 31338, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[5] Viện đại học Cộng đồng đầu tiên sẽ được thiết lập tại Bến Tranh,VTX, 12/2, phông PTTĐIICH/3834, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II
[6] Ký sự quốc nội (1965), Việt Tấn Xã (5310), 23/09, phông PTTĐIICH, số 3834, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[7] Viện đại học Vạn Hạnh khai giảng niên khoá 1972-1973 (1972),Việt Nam Thông Tấn Xã, ngày 15/11, phông PTTĐIICH, số 6579, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[8]  Nghị định số 3590/ GD/KHPC/HV ngày 22/12/1972 hợp thức hoá Viện đại học Minh Đức”, phông PTTĐIICH, số 6579, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[9]  Tài liệu về tổ chức Đại học Hòa Hảo, phông PTTĐIICH, số 6172, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[10] Văn thư số 1466/GDTN/PC ngày 8/3/1969 v/v xin mở đại học Dân Trí tại Long Xuyên, phông PTTĐIICH, số 6579, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[11] Văn thư số 3931/GDTN/PC ngày 25/05/1970, v/v xin mở viện đại học Bảo Lộc tại Sài Gòn, phông PTTĐIICH, số 6579, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[12] Viện Đại học Phương Nam tuyển sinh (1974), Điện Tín, ngày 06/11.
[13] Giấy phép tạm số 3343/ GDTN/PC ngày 3/05/1972, v/v cho mở Tư thục Học viện Phụ nữ Tư thục Cộng đồng Régina Pacis tại Sài Gòn, phông PTTĐIICH, số 3644, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[14] Giấy phép tạm cho dời Viện đại học tư thục Cửu Long về số 1 bis đường Hoàng Diệu, Phú Nhuận, phông PTTĐIICH, số 6579, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[15] Nghị định số: 2715/VHGDTN/CTPC/PC2/NĐ7 ngày 29 tháng 11 năm 1974 sửa đổi điều 2/NĐ 2437-VHGDTN/KHPC/HV/NĐ ngày 22 tháng 10 năm 1973 hợp thức hoá Học viện Tri Hành, phông PTTĐIICH, số 6579, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[16] V/V xin thành lập Viện Đại học Tư thục Canh Tân; văn thư số 10689 VHGDTN/CTPC/PC2/7 ký ngày 29/11/1974, phông PTTĐIICH, số 6579, Trung tTâm Lưu trữ Quốc gia II.
[17] Giấy phép tạm số 1578/VHGDTN/CTPC/PC2/7 ngày 04/02/1975, v/v mở viện Đại học kỹ thuật Đồng Nai tại tỉnh Bình Dương, phông PTTĐIICH, số 6579, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.  
[18]  Đoàn Viết Hoạt (1975), “Vai trò của Đại học, Tư tưởng (48).
[19]  Chỉ nam Sinh viên Đại học Sài Gòn, 1966, VĐHSG.
[20] Tường trình lý do của Hội đồng Văn Hóa Giáo dục, PTTĐICH, số 3833, Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia II.
[21] Thắc mắc về việc thi vào viện đại học Bách khoa Thủ Đức, VNTTX số 8551, 28/8/1974, phông PTTĐIICH/3834, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II.

[22] Phiếu trình của Tổng thư ký Phủ Tổng thống VNCH, số 317/PTT/TTK/LP ngày 18/12/1968, phông PTTĐIICH/3855, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II.
[23] Tường trình của uỷ ban soạn thảo dự luật Giáo dục Đại học, ký ngày 11/11/1972, phông PTTg, số 31.125, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[24] Bài thuyết trình về Dự luật Giáo dục Đại học của giáo sư Đổ Bá Khê, thứ trưởng Giáo dục, phông PTTĐICH, số 3741, Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia II.
[25] Sắc lệnh số 264-TT/SL thiết lập tại Thủ Đức Viện đại học Bách Khoa Thủ Đức, ký ngày 29/03/1973, phông PTTĐIICH, số 3985, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
 [26] Nghị định số 114-GD ngày 22/3/1957 thành lập trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, PTTĐICH, số 1145, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[27] Nghị định số 2275/VHGDTN/KHPC/HV/NĐ ngày 25/9.1973 ấn định việc tuyển chọn sinh viên ghi danh học tại Khoa học Đại học Saigon, phông PTTĐIICH, số 3985, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
[28] Phương sách phát triển giáo dục của Nha kế hoạch và pháp chế học vụ, vào tháng 8/1971, phông PTTĐIICH, số 3622, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

SAY PHỞ

Bài đăng báo Thanh Niên 22/06/2014

SAIGON CỦA TÔI

Tôi sống tại Sài Gòn. Sanh ra tại đây và đang sống già cũng tại đây. Con gái hỏi: “Mẹ không cảm thấy gì khi khu vực Nguyễn Huệ, Đồng Khởi bị thay đổi lớn như hôm nay à!” Không, tôi người SG quen với tất cả sự thay đổi từ năm 1950 đến nay, mỗi thời kỳ chính quyền cai trị nào cũng muốn thay đổi. Thay đổi suốt đến nổi dân SG chính hiệu chán quá, không muốn than vãn, thương tiếc gì nữa. Họ nắm quyền trong tay, họ muốn làm gì thì làm, bên sau tất cả những thay đổi đó là cái gì? Ai cũng biết.
Trước kia, khi muốn mua sắm mọi người đều đổ xô vào chợ Bến Thành, sau đó thương xá Tax được dựng lên, đường Tự do chỉ có xe hơi và người đi bộ (báo chí thời đó chế giễu tự do có giới hạn), chính quyền thời đó dững dưng. Nhà hát Tây trở thành Quốc hội Hạ nghị viện (báo chí chế giễu các ông dân biểu Nhà hát lớn), chính quyền cũng dững dưng. Con đường Tự do là nơi tụ tập biểu tình phản đối chiến tranh, các chủ nhân nhà ven đường lần lượt thay đổi (báo chí chế giễu đường Tự do từ điếm già trở thành mệnh phụ ). Kể cả các tượng khỏa thân trước Nhà Hát Tây cũng được bao lại bằng xi măng để khỏi “công xúc tu sĩ”. Nếu viết lịch sử đường Tự do (nay là đường Đồng Khởi), thì những chủ nhân các ngôi nhà mặt tiền đường này thay đổi liên tục theo các chế độ (và tương lai cũng còn thay đổi nữa, tôi đồ chừng là thế).
Do những thay đổi này, tôi, người Sài Gòn không ngạc nhiên khi nhìn thấy khu vực trung tâm đô thị này thay đổi. Tôi chỉ nhớ về một quán sách ngoại văn Xuân Thu của một thời, mà tất cả các sách của nước ngoài xuất bản chỉ cần 1 tháng sau là có mặt tại VN. Có thể tôi nhớ Givral, Brodard, cửa hàng bánh ngọt của Pháp mà tôi sẽ được thưởng khi làm tốt một việc gì đó. Cái con đường Tự do ngày xưa tôi tung tăng, tôi xuống đường theo đám biểu tình thì ngày nay tôi lái xe chầm chậm ngắm nghía vào những kỳ lễ Tết trang trí hoa hòe và shopping lang thang trong những dãy cao ốc bán hàng lạnh ngắt.
Sài Gòn hôm nay, là của con gái tôi, của những thanh niên nhộn nhạo, vùn vụt lướt qua, sống không kịp thở, chưa kịp nghĩ xem không khí này thanh lành hay bụi bặm thì đã thay đổi rồi. Xây dựng. Xây dựng liên tục. Tốt hay xấu, chưa biết. Nhưng, hình như người Sài Gòn cũng dững dưng trước những thay đổi đó. Họ không bình luận gì vì họ biết rằng bên sau những thay đổi này có cái gì đó họ không cản ngăn được. Chấp nhận cho …vui.

NÊN HAY KHÔNG NÊN BỎ THI TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG TRUNG HỌC?.

I.NÊN HAY KHÔNG NÊN BỎ THI TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG TRUNG HỌC?.
Theo quan điểm riêng không nên bỏ thi tốt nghiệp phổ thông vì:
- Đây là bằng cấp xác định trình độ sau 12 năm học tập của học sinh. Một loại văn bằng chứng nhận người học có một kiến thức nhất định nào đó để vào đời, hoặc sắp bước qua một giai đoạn học tập khác hoặc có thể xin vào làm việc ở những nơi chỉ cần một số kiến thức phổ thông. Bằng cấp này cũng có thể được các cơ quan kiểm định đánh giá trình độ dân trí của một quốc gia.
- Trong quân đội, bằng tốt nghiệp phổ thông này dùng để phân cấp binh nhì, hạ sĩ, trung sĩ.
- Trong các công ty, cơ quan Nhà Nước dùng bằng cấp này để trả lương theo hệ số .
- Có thể dùng kết quả để so sánh uy tín các trường trung học phổ thông trong một tỉnh, thành phố.
- Có thể qua kết quả thi, học sinh sẽ lượng giá được khả năng của mình so với các bạn trong tỉnh, thành phố của mình.
- Có thể dùng bằng tốt nghiệp này để ghi danh, dự tuyển vào các đại học VN và thế giới.
Tuy nhiên, tại sao tại VN có rất nhiều người phản đối việc thi cử này,
(1) vì tổ chức thi tú tài không nghiêm minh nên xã hội không tin cậy. Không thể có việc thi đậu 99% được, như thế đừng tổ chức thi. Đây là vấn đề chính và là trách nhiệm của bộ.
(2) một kỳ thi tốt nghiệp mà mọi người dự thi đều biết chắc chắn sẽ đậu là một kỳ thi…dõm, do đó bằng cấp mất giá trị.
Để tránh tình trạng này, đề nghị vẫn giử kỳ thi tốt nghiệp nhưng cách ra đề, tổ chức thi, chương trình học, phải thay đổi:
- Vẫn giữ thi 6 môn . Điều này sẽ không gây áp lực tâm lý xấu cho giáo viên dạy các môn phụ, sẽ không gây sự khinh nhờn kiến thức các môn phụ trong tâm lý học sinh, lý do các môn dù là môn phụ vẫn cần thiết trong kiến thức chung của các học sinh.
- Chương trình học phải phân ban ngay từ lớp 10. Ban nào ra ban đó. Ban Toán Lý Hóa, Sinh Vật, Văn Sử Địa (không có loại ban tổng hợp). Học sinh có năng khiếu ban nào thì chọn ngay ban đó từ lớp 10. Chương trình các ban không giống nhau nhiều.
- Vẫn thi 6 môn, nhưng sẽ phân biệt theo hệ số từng ban. Thí dụ:
(1) Ban Toán Lý Hóa : Toán hệ số 4, Lý + Hóa hệ số 2, Sinh vật hệ số 1, Văn hệ số 1, Ngoại ngữ hệ số 2, Sử+Địa hệ số 1.
(2) Ban Sinh Vật: Sinh hệ số 4, Lý + Hóa hệ số 2, Toán hệ số 2, Văn hệ số 1, Ngoại ngữ hệ số 2, Sử+Địa hệ số 1.
(3) Ban Văn Sử Địa: Văn hệ số 3, Ngoại ngữ hệ số 3, Sử + Địa hệ số 2, Toán hệ số 1, Lý Hóa hệ số 1.
- Lý do phải tính hệ số để xác định khả năng của từng học sinh, để dễ hướng nghiệp vào đại học.
Vấn đề bằng tốt nghiệp Phổ thông Trung học có giá trị hay không là do các cấp lãnh đạo, các hội đồng thi ở các trường, các thầy cô giáo cho ra đề chứ không phải do các học sinh, đừng để các em học sáng, trưa, chiều, tối, trong 12 năm để được một mảnh bằng không có giá trị đối với xã hội VN, đừng nói đến có giá trị thế giới.
II. VỀ VIỆC TUYỂN SINH ĐẠI HỌC
Nên trả việc tuyển sinh đại học cho các trường Đại học Công cũng như Tư để bảo đảm quyền tự trị đại học. Một trường đại học phải đươc quyền tự trị, điều này mới bảo đảm chức năng và quyền hạn của một trường đại học đúng nghĩa.
Vấn đề các trường đại học Công cũng như Tư có những khuyết điểm làm mất uy tín giáo dục đại học, phần lớn là do Quy chế Giáo dục đại học của Bộ, Chính Phủ thực hiện chưa nghiêm minh. Các quy chế này chưa chuẩn hóa được nhân cách của các Hội đồng trường, Hội đồng quản trị trường, ban giám hiệu trường đại học. Phụ huynh và học sinh không có trách nhiệm về việc chuẩn hóa lực lượng nhân sự cao cấp này (chỉ có thể tẩy chay các trường đại học nhiều tai tiếng về chất lượng đào tạo).
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bộ GDĐT ôm đồm hết để không tạo được một nền “tự trị đại học” của VN, mà đến chuyện tuyển sinh cũng phải tổ chức tuyển sinh dùm cho các trường đại học, để phải gây ra nhiều tổn hại về tài lực và vật lực trong một mùa thi đại học (ầm ỉ cả một xã hội) và cũng từ đó xác định bằng tốt nghiệp phổ thông Trung học của mình tổ chức là vô giá trị.
Hãy trả kỳ thi đại học cho các trường đại học. Hãy để các trường đại học tự xác định uy tín của họ trong xã hội. Phụ huynh học sinh đủ sáng suốt để chọn cho con em mình vào học trường đại học nào có uy tín và tẩy chay các trường đại học không xứng đáng. Trách nhiệm của Bộ GDĐT là làm TĂNG GIÁ TRỊ CHO VĂN BẰNG TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

BUỔI SÁNG PHÙ DU

  11 giờ còn nằm trên giường Chat với người bạn phương xa Cảm giác cuộc đời của mỗi con người Như kiến bò trong chén Chén của tạo hó...