Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024


 

Ở NHÀ MỘT MÌNH

( Không giống phim ở nhà một mình của cậu bé 7 tuổi mà là bà già 70 tuổi ở nhà một mình để tránh virus Covid 19)

 

CHƯƠNG 1

Giãn cách tại thành phố kéo dài gần một tháng, càng ngày tình hình càng gay gắt hơn, dịch cúm covid 19 tràn lan, chẳng ai biết con virus này khi nào xâm chiếm vào mình nên thông báo ở nhà.

Bà già ở nhà một mình tự xoay sở cuộc sống. May mà còn một ít tiền để dành nên tạm để qua một bên chuyện tài chánh.

Mỗi ngày con gái đang học ở Đức gọi điện về hỏi thăm, nhưng không thể giúp đở gì khi thông báo người già trên 60 tuổi phải hạn chế hay gần như bắt buộc không ra đường đi lung tung.

Bà già từ trước đến nay được khen là người có nghị lực, tự tạo sự nghiệp, tự nuôi con .... nhưng điều này không có nghĩa lý gì khi chung quanh còn khối bà mẹ nuôi đàn con và tự tạo sự nghiệp... Chuyện nhỏ mà.

Nhưng, bị bắt buộc ở nhà một mình là một nghị lực lớn khi đã thất thập.

Phải có nghị lực lắm khi mỗi buổi sáng phải thức dậy đúng giờ, lủi thủi tự vệ sinh cho chính mình và nhà cửa sạch sẽ theo đúng câu Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm. Không để cho tâm trạng buồn phiền, sống mất vệ sinh

Phải có nghị lực lắm mới vẫy tay 1000 cái theo Dịch cân kinh. Đã học bao nhiêu động tác thể dục như Thái cực quyền, Pháp luân công rồi mà quên trước quên sau, nên tập dịch cân kinh cho dễ. Cũng như thà đến hồ bơi nhảy ùm xuống nước tự động phải bơi, hoặc đi bộ vòng vòng trong công viên thì ít cần nghị lực hơn ở nhà tự tập cho máu huyết lưu thông, nếu không thì già cả cứng tay cứng chân khi mỗi ngày chỉ chuyển từ bàn viết, xem phim, đến giường để đọc sách, loay hoay trong căn phòng 40 m2.

Hoạt động một mình trong nhà đối với người già phải có một nghị lực ghê gớm.

Ăn uống là cả một vấn đề. Vì ít hoạt động nên ăn gì cũng không thấy ngon. Tự nhiên kén ăn. Phải đổi món sáng, trưa, chiều tối và ăn vặt, chè, trái cây, bánh,... Không thể ăn cơm hay thức ăn dư. Khổ quá, không thể nấu một lần một chén cơm (ăn cơm tiệm thì được), cũng không thể nấu một lần một chén canh, một dĩa xào nhỏ, hay chỉ kho một khứa cá. Nấu nhiều thì không ăn thức ăn cũ được. Khốn khổ cũng vì thế.

Ngày hôm qua thèm ăn bánh xèo bèn xách xe đến Đinh Công Tráng mua

Đóng cửa. Lái xe chạy lung tung từ quận 1 đến quận 3 chạy tới quận 5. Kể cho con gái nghe nó la chói lói bảo phải ở nhà, có gì kêu qua Đức nó đặt thức ăn cho grab mang đến nhà không được đi lung tung.

Vì không thể ăn nhiều nên mua gì cũng ít ít và do đó từ trước đều mua thức ăn ngoài đường. Muốn ăn khoai lang (cứu khoai thì phải mua từ 5 ký trở lên) chỉ ăn được 2 củ là hết thèm, làm sao mà mua cả ký vể luộc; thèm bắp nấu, chuối nướng,... chạy xe vòng vòng kiếm mua, nhưng không có ai bán. Sáng chúa nhật thèm ăn chôm chôm, vải thiều, ổi, ...đến chợ Tân Định, qua chợ Đakao,... không ai bán.

Về mặt tinh thần, đã mua nguyên bộ Lịch sử Văn Minh Thế Giới của Will Durant, dự tính đọc để bổ túc kiến thức đầy đủ hơn về sự chuyển biến lịch sử văn minh Châu Âu, nhưng càng đọc, càng cảm thấy điên vì không có ai tranh luận, kể lễ, nhận định,...vì ở nhà một mình bất đắc dĩ phải TỊNH KHẨU. Sách tiểu thuyết, nghiên cứu tôn giáo cũng chỉ đọc nửa quyển rồi bỏ nửa chừng vì hết... đam mê.

Xem phim trên Netflit, hết Hàn, Mỹ qua Nhật,... chưa dám đụng phim VN vì sẽ chán hơn nữa...

Bà già nghĩ rằng, may mắn là còn đầu óc tương đối minh mẫn để thu xếp những việc hàng ngày khi ở nhà một mình. Chỉ tiếc là không đi đó đi đây được, vì bà nhớ rằng những bài viết, những đề tài của bà đều sáng tác trong các quán khi nhâm nhi ly cafe một mình hay trong những cuộc thảo luận nẩy lữa mới bật ra được những ý kiến những sáng tạo mới.

Nếu bắt buộc ở nhà một mình mục đích tập luyện để tâm thanh tịnh, điều khí, tịnh khẩu,...thì sau những ngày giãn cách này có thể có những người Đắc Đạo hay có sự sáng ư, bà già chợt nghĩ. Còn lâu. Thiền có thể làm cho con người không bị nhiễm virus không? Đó chỉ là một thời gian để quên sự đời, chạy trốn hiện thực xã hội, như con đà điễu vùi đầu xuống cát.

Thôi thì, đôi khi cũng phải chạy trốn trong nhà để yên thân. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.


CHƯƠNG 2

ẨM THỰC

Thật ra bà già không muốn viết chương này chút nào vì giữa lúc những người nghèo đang thiếu cơm, thiếu gạo mà nói về ăn uống thì không... đẹp lắm.

Cũng như hình ảnh những người trẻ tình nguyện giúp đở những người bệnh, ăn uống không được no, không có thời gian ngủ nghỉ, đã làm bà nhớ cái thời trẻ của bà cũng rất hăng hái làm công tác xã hội, việc khoe chuyện ăn uống thì thật chướng.

Nhưng bà nhớ vào khoảng giữa tháng 5, lúc đó chưa chặt chẻ về việc giãn cách xã hội, số người nhiễm bệnh ở SG chỉ trong khoảng vài trăm, bà đến trường ĐH dự buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của một người quen, cô lao công trường thấy bà bèn kêu: cô ơi, cô ở nhà đi, cô nhiễm bệnh là khổ lắm. Cô ở nhà ăn no ngủ kỹ là chúng cháu mừng. Ý cô này bảo bà chỉ cần lo chăm sóc cho bà đừng làm vướng bận người trẻ là họ vui rồi.

Những người chung quanh khi thấy bà ung dung tự đi mua thức ăn, lúc đó chưa đóng các cửa tiệm, còn bán mang về nhà ăn, cũng đã kêu oai oái.

Con gái gọi về làu bàu, bà lý luận: thế những shipper họ đi mua được, sao mẹ lại không đi mua được, mình tránh cái chết để người khác chết thay à.

Lúc đó vẫn chưa có khái niệm dự trữ lương thực, để các tiệm dự trữ giùm. Bánh mì thịt Bảy Hổ kế bên nhà. Bánh cuốn Tây Hồ cách 50m. Cháo cá Huỳnh Ký nổi tiếng chỉ bước qua đường, hủ tiếu nam vang, mì hoành thánh, mì xào giòn, bò kho, mì quảng, cơm chiên gói lá sen, bánh, xôi, ... tùm lum thứ vẫn mua mang về, ăn đổi bửa, không thiếu món nào, kể cả trà sữa Tocotoco kế bên...Kể cả tiệm vàng, mua bán dollar cũng chung quanh đó. Chỉ thị 15 không có ép phê gì với bà già về thói quen ăn uống. Chỉ không được ngồi quán tán dóc thôi.

Đến chỉ thị 16, chợ Đakao đóng cửa, còn cửa hàng Satrafood cũng gần đó. Bà đặt 2 con gà, mua 2 hộp trứng gà, khoai tây để chiên, chả giò, nem, xôi khúc, bánh xếp, những thức ăn chơi, mà người khác không thu gom mua...Khi vào Satra food, bà ngạc nhiên sao người ta kệ nệ xách 2 , 3 bịt to mang ra, trong khi bà chỉ mua một chai dầu ăn, để chiên khoai tây, vài cọng cải xanh, cải salach, vài trái cà chua, và dụng cụ rửa chén cùng với một hộp chewingum ăn cho không hôi miệng. Lúc này còn mua tự do, chưa sắp hàng.

Chị bạn gửi 5 trái dưa lưới và mua thêm 3 trái ổi, 5 trái táo, 2 ký chôm chôm. Tự nhủ không biết làm sao ăn hết.

7/7 lại thấy người ta ùn ùn mua lương thực.

Các bạn của con gái hỏi, bác ơi, bác mua gì không con đặt qua grab. Lúng túng, không biết mua gì.

Thèm xôi, mua 1kg nếp và 1/2 kg đậu xanh, chỉ nấu một lon nếp và ít đậu xanh thôi, ăn 2 ngày, hoảng kinh.

Thấy trên facebook quảng cáo nem lụi, chỉ đặt mua 1/2 ký mà ăn 3 ngày. Ngán quá.

Ăn 2 trái dưa lưới liên tục trong 2 tuần. Bèn mang 2 trái tặng người giữ xe trong chung cư. Dưa lưới thiệt ngon cũng đành chịu, có thể sang năm mới thèm lại.

Đọc trên facebook thấy nhà nhiều người bạn bị giăng dây, không mua lương thực được bà cũng lo lo.

May là vào đầu tháng 5 đã mua 4 tháng thuốc uống cho những bệnh nền của tuổi già. Nhìn bịch thuốc to đùng chưa từng thấy trong nhà, phát hoảng. Trời, bà sẽ uống ngần ấy thuốc sao? Trước kia chỉ mua chừng 10 ngày rồi mua tiếp, không dự trữ để nhà thuốc giữ giùm. Với lại cái thú đi lang thang, cần có mục đích để ra đường như mua một tờ báo, một ổ bánh mì, một vĩ thuốc cho vui. Nay không còn nữa, ngao ngán nhìn đống thuốc. Thiệt là đổi đời rồi.

ÔI! LỐI SỐNG TỐI GIẢN BỊ PHÁ SẢN.

Bởi lẽ cứ nghĩ, giả sử tự nhiên sáng ngày nhà hàng xóm có người nhiễm bệnh, nhà bà bị giăng dây, nội bất xuất, ngoại bất nhập, có người gọi là ở tù, có người cho là bị đày lảnh cung; chỉ được cung cấp hàng thiết yếu, bao nhiêu nhu cầu bị dừng lại, thì kinh quá.

Nên phải dự trữ lương thực để không phiền người khác.

Các tổ dân phố bắt đầu phát phiếu đi chợ và Satrafood gần nhà lúc nào cũng có người sắp hàng dù 12 giờ trưa.

Những bài viết về biến chủng Delta, những người bị nhiễm tự cách ly ở nhà, hàng ngàn người trong trại cách ly được về nhà,...định nghĩa lại người nhiễm bệnh.

THÔI, Ở NHÀ.

Đặt mua một thùng rau củ quả 20 loại, 10 kg, tức 1 loại khoảng 1/2 kg.

Đặt mua cá, thịt, gà, tép, .. cho có chất đạm.

Bà già ngồi nhìn phát ngán.

Suy nghĩ phải có kế hoạch nấu ăn trong một tháng.

- 1kg gạo ngon organic ăn mỗi tuần 1 lon, một tháng hết 1kg gạo. Như thế trong tuần sẽ có vài buổi ăn cơm. Nấu một lon gạo, sau đó phân ra làm 4 chén cơm, để trong tủ lạnh ăn 4 lần trong tuần (nhớ có lần bà hỏi cụ Trần Văn Khê làm sao có thời gian vừa nấu ăn vừa đọc viết sách, cụ Khê nói nấu cơm một lần ăn một tuần. Cơm cho vào từng chén, để trong tủ lạnh, khi nào ăn cho vào microwave hâm lại. Cụ sống như thế thời trẻ tại Pháp và đọc hết kho sách âm nhạc trong thư viện. Phương pháp học theo 3 chiều, chiều sâu, chiều ngang, chiều dọc,...học phải có so sánh đối chiếu. Ha ha, muốn được như vậy thì phải nấu cơm một lần ăn cả tuần mới có thời gian đọc và ghi chép). Bà cũng sẽ làm như vậy, nhưng việc đọc và viết sách tính sau.

- 2 trái mướp và rau ngót sẽ nấu 2 lần trong 2 tuần với cánh và xương gà (thú thật từ 50 năm nay bà mới thấy loại rau ngót mà trước kia má bà nấu canh mướp với rau này cùng với tép. Rau ngót ăn nhẫn nhẫn, nham nhám, khó gọi là ngon. Ở nông thôn người ta trồng rất dễ, để nấu chung các loại rau khác gọi là canh tập tàng). Khi bắt đầu tự đi chợ bà chưa bao giờ mua loại rau này, hôm nay thấy trong thùng rau mà người ta giao cho, bà ngồi ngắm nó nhớ má bà, nhưng phân vân khôhg biết có nên nấu không vì khá khó ăn, nhất là già rồi, hơi kén ăn một chút.

- Một tuần phải có một ngày ăn spaghetty, với thịt hoặc trứng hoặc gà và rau củ.

- Một tuần phải có một ngày ăn bún gạo xào với rau củ

- Một tuần phải có một ngày ăn bún với cá thu nấu ngót

- Một tuần phải có một ngày ăn cháo gà

- Một tuần phải có 2 ngày ăn cơm với canh và tép ram hoặc cá thu sốt cà

- Mỗi ngày phải uống một ly chanh và 1 viên sủi C.

- Ăn bánh và trái cây lai rai trong tuần, còn mấy hủ yaourt nữa

- Bún chả giò

- Khoai tây chiên

- 3/4 kg nếp và đậu xanh

- khoai lang

- ....

Mỗi thứ chút chút ăn trong một tháng.

Vì ở nhà một mình với cái tủ lạnh tích trữ thức ăn, nên phải lên kế hoạch nấu ăn trong tháng.

Mệt mỏi quá.

Trước kia, đúng giờ ăn, xách xe chạy đến restaurant My mother's là xong, sau đó trực chỉ đến thư viện đọc sách. Khỏi tính toán nhũng não, phá hoại bao nhiêu nơron thần kinh.

À, mà còn 2 trái cà tím và một trái su hào cùng một trái bí rợ nữa. Làm gì đây?

Không có mục nấu phở, bún mộc, cơm tấm bì, mì vịt tiềm,...trong tháng này. Ráng mà ăn cho hết đồ dự trữ.

Không biết sẽ giữ sức khỏe tốt hay sẽ bệnh thêm vì ăn nhiều quá.

CHƯƠNG 3

SẼ SỐNG VỚI AI?

Hôm nay, Linda hỏi một câu làm bà ngần ngừ suy nghĩ. Cô ấy lo lắng cho bà khi ở nhà một mình, không ai chăm sóc.

Điều này làm bà suy nghĩ.

Từ trước đến nay chỉ nghĩ đến kế hoạch làm việc gì trong tương lai chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ sống chung với ai trong tương lai, dù rằng cũng cố gắng kết hôn và có một con gái để nghĩ về.

Luôn lập kế hoạch phải làm gì khi ở một mình, về sự nghiệp và về tài chính  chưa bao giờ nghĩ phải nuôi thêm một người nữa.

Lúc trước vẫn đùa là sẽ vào một ngôi chùa nào đó mà sống. Nhưng bây giờ thì sợ rồi, sợ cách ăn, cách nghĩ của những người tu hành gò bó tự do. Bây giờ không thể không ăn ngon, không thể ngủ nghỉ không tự do, không thể chịu đựng một kỷ luật nào đó, không thể giao tiếp với người bà không thích,...

Người ấy chưa lập cho bà kế hoạch sống chung với ai. Chỉ dạy phải có kế hoạch cho sự nghiệp thôi, coi như việc lập kế hoạch sống chung với ai là chuyện không đáng quan tâm...

Hôm nay một người Mỹ đặt vấn đề này với bà làm bà suy nghĩ.

Phải trả lời cô này thế nào? Ừm, bà chờ quyết định của con gái sau khi nó học xong những gì nó thích. Cứ tạm trả lời như thế đi, chứ ngó qua ngó lại nhà không rộng để ở với người lạ, tiền không nhiều để nuôi thêm một người...

Có thể sống đến 10 năm nữa không? Nếu chết trước đó thì tốt hơn, đừng kéo dài quá.

Chợt nghĩ rất nhiều người sợ sự cô đơn. Bà không sợ sự cô đơn nhưng những lời của người khác làm mình e ngại tuy rằng bà đang sống đàng hoàng  vui khỏe.

Hãy xem như câu hỏi của cô người Mỹ kia giống như vâu hỏi của nhiều người hỏi một cô gái chừng nào lập gia đình vậy. Một câu hỏi vừa chứng tỏ sự quan tâm vừa rất đời thường.


CHƯƠNG 4

TRẦM TƯ TRONG NHỮNG NGÀY GIÃN CÁCH

 

1.

130 ngày chịu giãn cách xã hội, không buồn vì thiếu ăn, thiếu mặc, nhà dột, cột xiêu. Không gặp người quen, buồn một chút. Nghe tin thời sự lo một chút. Giữ sức khỏe bản thân, cố gắng một chút...Không sao cả. Nhưng cứ ái náy trong lòng, mỗi buổi sáng thức dậy không biết hôm nay làm được gì, ngoài việc ăn, ngủ, xem phim, lướt web. Không thể suy nghĩ được gì, viết được gì, đọc dang dở quyển sách này đến sách khác. Những ngày đầu còn xem hết cả bộ phim dài nhưng sau đó không còn định tâm để cày phim nữa. Chỉ tự hỏi, tại sao phải mất thời gian lẫn thẩn mấy cốt truyện ngôn tình...Đọc sách triết học cảm thấy những giải thích trên mây...Đọc sách lịch sử thì không rút được một kinh nghiệm nào hay cho thế giới hiện tại...Đọc kinh Phật, Chúa thì thấy ngu ngơ...

Vấn đề là chổ đó, tất cả vì cảm thấy không bình an tâm hồn. Kéo dài những ngày tịnh thất, tịnh khẩu này sẽ bị trầm cảm mất.

Than thở cũng không xong vì vẫn còn sống tốt hơn nhiều người khác

Càu nhàu cũng chẳng được vì ai cũng đang giống mình

Buồn phiền cũng chẳng được gì vì cả nhân loại đều phải chịu đựng như thế

Than không được, buồn không xong, vui trong thời điểm này trở thành bất nhân.

Làm thơ tình, viết tiểu thuyết sex, nghiên cứu xã hội, chống phân biệt chủng tộc, đòi bình đẳng giới, lập thuyết chính trị,...rất khôi hài trong giai đoạn này

Một giai đoạn sống lắt lư

Quo vadis? Đến khi nào đây hởi Chúa?

P/s: chiều nay đang thèm ăn chuối nướng. Còn thèm là còn yêu đời, ham sống. Hết ham muốn gì thì hoặc là đắc đạo hoặc đang là thây ma biết thở.

 

 

2.

Ta muốn gì? Ta muốn cuộc đời ta như thế nào? Nếu trả lời được câu hỏi này thì sẽ có nghị lực để mỗi sáng bước xuống giường tươi tỉnh và hăng hái

Hình ảnh ta ước mơ là tự tin bước lên bục giảng với mái tóc bạc phơ nói về những điều mà ta tâm đắc, hay một bà già khỏe mạnh xách máy ảnh đi lang thang ghi lại những gì chung quanh, hoa, lá, con người.

Vì phải ở phải nên chẳng thực hiện được ước mơ nên ...buồn quá.

3.

Giải thích tâm lý đám đông thành thị như thế nào khi ùn ùn mua sắm dự trữ trước những thông tin sẽ bị giãn cách. Không phải chỉ ở VN, mà hầu hết dân chúng các nước trên thế giới.

Dân ở các vùng nông thôn không có tình trạng này.

Người nghèo thành thị không có tiền mua dự trữ.

Nhóm dân cư trung lưu thành phố sẽ có tâm lý sợ có tiền mà không có thức ăn sẽ ...chết, hoặc sợ giá của các mặt hàng sẽ tăng cao.

Những người buôn bán lẽ vơ vét hàng để bán tăng giá.

Họ không tin những lời hứa của chính quyền.

Chưa có một bài báo phân tích hiện tượng đám đông này để ngăn ngừa trong tương lai.

May mắn bà chưa bao giờ chen chút đi chợ tết (nếu có chỉ đi ngắm người người mua sắm), và không đi chợ hay siêu thị trong những ngày trước thông báo Saigon áp dụng chỉ thị 15 hay 16.

Việc chỉ thị cấm bán thức ăn mang về làm bà nhớ đến lịch sử ẩm thực Saigon có đề cập đến việc "ăn cơm tháng", "nấu cơm tháng" của người Saigon. Có những người độc thân, ở nhà thuê mướn, những người công nhân, thợ thuyền,... thường đặt cơm tháng nên có những gia đình chuyên nấu cơm tháng mà làm giàu. Không phải họ lười, nhưng vì nhà chật chội, nhỏ, nấu tốn thời gian khi họ phải làm quần quật 8 tiếng trong ngày, với lại khi ăn cơm tháng dễ tính chi phí cho một tháng (đôi khi còn được ăn thiếu trả tiền sau),...

Bà đã dự định viết một bài về hoạt động đặc thù của người Saigon từ thời Pháp thuộc đến nay, thể hiện qua những quán cơm bình dân mọc đầy trong các khu phố, hang cùn ngỏ hẻm Saigon.

Do đó, khi đọc thông báo về việc đóng cửa các tiệm ăn, không cho cả việc bán mang đi của chính quyền, thì ...vừa buồn, vừa cười. Sáng nay lại thấy thông báo bán thức ăn chế biến sẳn trong siêu thị, một loại thức ăn lạnh ngắt.

Một thay đổi lớn trong đời sống những người lao động tại Saigon. Thôi ráng chịu cho"qua cái con trăng " này.

Bà không biết là “con trăng” này sáng lâu quá.

Sài Gòn cứ nhặng lên vì những di dân từ các tỉnh khác vào đây. Tết thì ùn ùn mua vé máy bay, vé xe lửa, xe đò để về quê, gây những cảnh hỗn loạn.
Vấn đề mua giấy xét nghiệm ồn ào, chen chút nhau giữa nạn dịch Covid, gây lây nhiễm cũng do những người nhập cư.
Không thể hiểu được, giống như tình trạng chiến tranh vậy... ùn ùn chạy giặc.

Cảm giác hôm nay là dân thành phố đang trút hết tiền mua hàng hóa. Bất cứ thứ gì. Từ bia, nước ngọt  nước suối, các mặt hàng không phải là nhu yếu phẩm như cafe, bánh snack, bánh ngọt,… Họ có sợ đói không? Nhưng hình như họ hoảng loạn vì sợ bị không ra khỏi nhà, không mua lương thực được. Một nỗi sợ buồn cười

Hôm nay thấy một người mua 3 thùng nước suối lớn,  để làm gì?  Nấu nước để uống không được ư? Giống như ùng ùng mua giấy vệ sinh vậy... Như một cơn bão mua sắm từ khi Thành phố có lệnh giãn cách theo chỉ thị 16.

 

Bây giờ mới hiểu tại sao người ta ùn ùn đi mua lương thực bởi vì chỉ một đêm sáng ngày bất cứ khu vực nào cũng có thể bị giăng dây, thế là nội bất xuất, ngoại bất nhập, có gì ăn đó, gọi mua online cũng không chắc đã có người mang đến... Người lớn còn nhịn được, trẻ con thì sao, người già cũng cần ăn như bình thường mới có sức khỏe để qua " được con trăng nầy ".

Thật khó vạn nan cho cả dân lẫn người cầm quyền. Có ai muốn như thế này đâu?

P/s: ôi nhớ xôi vò với bánh mì thịt, trà sữa quá.

 


4.

Sáng thức giấc sau một cơn mơ lạ. Thấy gặp một giảng viên của khoa Nhân học và đề nghị hướng dẫn bà làm luận án về Nhân học. Trong mơ có vẽ tha thiết lắm và người giảng viên này cũng ân cần lắm.
Chợt nhớ ước mơ học thêm một bằng tiến sĩ khác và chợt nghĩ bà phải hoàn thành một văn bằng ngoại ngữ.
Giấc mơ thúc đẩy phải lập một kế hoạch nghiên cứu mới. Vấn đề học khoa Nhân học bà đã nghĩ đến từ năm 2011 rồi mà.

5.

Đã đến lúc đọc 1/2 quyển sách, xem 1/2 phim, ăn 1/2 bụng, ngủ 1/2 giấc, viết 1/2 bài.  Trầm cảm thật rồi.

Suy nghĩ không thể hiểu được người đàn bà lúc 35 tuổi tự nguyện không ra khỏi bức tường bao quanh nhà đến khi mất là 92 tuổi. 57 năm chỉ loanh quanh ở trong khuôn viên nhà. Như chết rồi. Phải lệ thuộc người chăm sóc nên phong thần thánh cho họ để giữ chân họ trong vòng kềm tỏa vị này. Rất điêu luyện và nghệ thuật để giữ một khu vực biệt lập trong đời sống xã hội xô bồ đầy tham vọng quyền lực và tiền bạc. Tạo dựng một nhóm người tuân phục để hầu hạ hàng ngày, để cung phụng thức ăn, với ý nguyện có một đời sau tốt đẹp hơn.

So với những người tu Phật giáo hiện tại có khác gì. Cúng dường để được phước. Tạo nên một huyền thoại xung quanh cho đến chết. Có nhiều mục đích : 1/ để có của cúng dường mà sống; 2/ để có một ảo tưởng cứu thế mà sống;

Một trí tưởng tượng siêu phàm về một cỏi trời nào đó như truyện Phong Thần kết hợp với trí tuệ của Đông Chu liệt quốc...và thành công theo một nghĩa nào đó.

TRỞ THÀNH MỘT THIÊN TÀI HAY MỘT THÁNH NHÂN. CUỐI ĐỜI NGƯỜI NÀY CÓ ĐẮC ĐẠO HAY KHÔNG?

6.

Cảm thấy bà sẽ thay đổi tính tình nếu ở nhà không giao tiếp với ai.

Hôm nay mua trà sửa, cô bé bán hàng dùng giẻ lau bếp lau ly trà sửa làm bà nổi giận. Tôi sẽ không dùng ly này vì em cứ tưởng tượng khi tôi uống tôi nhớ đến cái giẻ bẩn đó thì làm sao uống ngon được. Họ phải làm cho bà ly mới. Suy nghĩ, không biết hành động như thế có đúng không? Hay già cả rồi lẩm cẩm.

Chuyện thứ hai, không giữ được bình tỉnh khi không tìm được trong máy tính bảng bài học mình tải về. Chưa bao giờ chửi thề  nhưng may là chỉ chửi thề trong óc chưa thốt ra bằng lời. Điều này chứng tỏ tâm không bình an.

Chuyện thứ ba đang nằm nghỉ sau khi học online pháp văn  có điện thoại, giọng lãnh lót của một cô gái gọi giới thiệu bất động sản, hét to, dẹp đi, rồi tắt máy. Đúng là cô này làm việc cũng vì tiền, bà không cảm thông nói nhẹ nhàng mà còn hét vào mặt người khác nữa.

Đã bắt đầu không giữ bình tỉnh lịch sự khi giao tiếp rồi.

9.

Tập thể dục tại nhà. PHẢI KHEN NGỢI TRONG GẦN 3 THÁNG NAY, NGƯỜI NÀO CÒN GIỮ ĐƯỢC KỶ LUẬT, LÀM VIỆC, VIẾT LÁCH, ĐỌC SÁCH, PHÂN BỐ THỨC ĂN HẰNG NGÀY ĐỂ KHỎI TĂNG CÂN, GIỮ ĐƯỢC TÂM AN, TRÍ HUỆ VÀ NHẤT LÀ TẬP THỂ DỤC KIÊN TRÌ THÌ PHẢI KHEN LÀ GIỎI.

Chợt nhớ những người tu núi cách xa xã hội phức tạp, tự luyện thân tâm trí; nhớ một người phụ nữ tự nguyện ở trong một khuôn viên một am nhỏ từ năm 1952 đến khi mất năm 2010, rất đáng cảm phục các nghị lực này. Không đề cập đến họ có sự sáng thật sự không, nhưng nghị lực tự kềm chế như thế rất đáng nể. Tự mình cho mình tù chung thân. (chị Bùi Trân Phượng dùng từ ở tù khi chung cư chị ấy bị giăng dây cấm ra khỏi nhà). Tôi có muốn như vậy không ? Không, vì còn ao ước sẽ được nhìn ngắm năm châu bốn bể.

10.

VIẾT TRONG NGÀY SINH NHẬT 70 TUỔI MỤ, 69 TUỔI TRÊN GIẤY KHAI SANH

TÔI LÀ AI?
Tôi không biết
Tôi chỉ biết hình như tôi không chịu được một kỷ luật nào đó của xã hội.
Khi còn nhỏ tôi là đứa trẻ trong nhà chịu đòn nhiều nhất. Có thể sau khi sanh tôi thì ba tôi có người vợ thứ hai ở Đà Lạt và khi tôi 2 tuổi thì tôi có một người em cùng cha khác mẹ. Má tôi mong tôi là con trai, nhưng tôi lại là loại "con trai thời nay", theo lời của bà đở đẻ ở nhà bảo sanh, nên má tôi khá thất vọng. Năm đó lại là năm Nhâm Thìn, con gái tuổi Nhâm là ngược giới. Má tôi bệnh suyển nên sanh tôi khá khó và bà mụ đề nghị không nên có thai nữa. Lúc đó má tôi mới 28 tuổi, còn nhiều sinh lực nhưng ba tôi không ngó ngàng đến, do đó bà bị trầm cảm và tất cả giận hờn của bà trút lên tôi, một đứa con gái nhưng tính nết nam giới, không thích vào một kỷ luật nào. Tôi nhớ anh và hai chị tôi luôn lẫm bẫm không hiểu tại sao tôi không chịu vào khuôn khổ theo ý má tôi như thế.
Tôi không được dạy sự dịu dàng và nết na giống như những bạn gái của tôi.
Khi đi học tôi không được các thầy cô giáo thương vì không giống ai, dù tôi học khá giỏi. Tôi luôn phản kháng kỷ luật. Tôi phê bình hết thầy này đến cô nọ, thậm chí cả đến hiệu trưởng. Nhớ có những buổi phát thưởng tổ chức tại một rạp hát, tôi là một trong 10 học sinh giỏi được phép tham gia, ngồi bên dưới tôi ong óng phê bình ông hiệu trưởng phát biểu không đúng sự thật. Những người chung quanh tôi phê bình tôi là con nít không lễ phép.
Những bà con bên ngoại tôi có lần tổ chức một chuyến về thăm quê. Tôi con nít, nhà nghèo nên không được đối xử bằng với những con của người giàu  nên tôi phản ứng. Cũng chỉ nói cho đám con nít nghe thôi, nào ngờ có đứa con dì Năm, ba nó người Pháp, nhà giàu, mách lại. Về nhà tôi bị má tôi đánh một trận. Từ đó tôi không thích lắm nhóm bà con này vì họ nhìn tôi như một kẻ được ban ơn.
Thế đấy, từ nhỏ tôi là đứa trẻ luôn không đồng ý với sự bất công rồi.
Khi lớn chắc chắn tôi không nhìn những bất công xã hội một cách bình thường được. Tràn ngập bất mãn.
Tôi vượt qua những bất công trong nhà trường bằng cách học giỏi, học thật giỏi, để không bị đối xử bất công với những đứa nhà giàu. Gần như tôi khá kiêu căng để không chơi với nhiều bạn trong lớp. Lúc học trung học tôi chỉ chơi với nhóm bạn thích tôi. Lớp đệ nhị, đệ nhất tôi hoàn toàn không có bạn vì các bạn ấy không hiểu tại sao tôi không yểu điệu, chưng diện, và ngó... nam giới một chút. Đúng là tôi chẳng thích ngó ai cả.
Thần tượng của tôi là những người hùng trong sách.
Năm Mậu Thân 1968, lần đầu tiên tôi tham gia công tác xã hội giúp những gia đình bị pháo kích tại Sài Gòn. Tôi mở lòng hơn, chịu vào khuôn kỷ luật hơn, gặp những người giỏi hơn, có tâm từ thiện hơn, biết hy sinh hơn. Nhưng, tôi lại vấp phải khuyết điểm là ngây thơ trong giao tiếp. Những môn học giao tiếp của tôi chỉ trong tiểu thuyết và tôi áp dụng trật lất trong xã hội. Ví dụ như tôi hỏi một người Mỹ tình nguyện lái xe đưa những đứa học trò như tôi đến những nơi bị pháo kích cháy nhà, là: ông nghĩ thế nào về con gái Sài Gòn.
Trời, đang làm việc xã hội mà hỏi câu đó làm gì? Hoặc nói lung tung về những chuyện nam nữ, mà trong bối cảnh đó rất đại kỵ. Đôi khi tôi lại nhiệt tình một cách vô ý thức.
Trong tình yêu, tôi lại càng vượt qua thứ kỷ luật của xã hội đặt ra. Tôi yêu một người mà đối với luật pháp thì tự do, nghĩa là họ không có gia đình, nhưng với định kiến xã hội thì người này không tự do. Tôi vượt qua định kiến xã hội và chúng tôi yêu nhau. Chúng tôi đối đầu với kỷ luật và tự do.
Nhưng nhờ tình yêu này tôi không còn trẻ con nói năng lung tung nữa, tôi biến thành một người giữ kẻ từ lời ăn, tiếng nói, suy nghĩ,...hết hồn nhiên, mà người khác nhìn vào sẽ phê phán tôi là MỘT NGƯỜI TÍNH TOÁN, MỘT NGƯỜI CHÍNH TRỊ, KHÓ HIỂU.
Cho đến hôm nay hình ảnh của tôi trong mắt mọi người như thế. 

 

11.

Sáng nay quân đội mang súng vào Sài Gòn. Sáng đầu tiên thiết quân luật. xôi vò và cam vắt, ăn nhín nhín, sẽ còn nhiều ngày dài cô lập.

Còn báo giấy đọc là tốt rồi. Dù cầm tờ báo chỉ lướt qua titre, ít đọc hết nội dung. Ngạc nhiên vì báo Thanh Niên không ra báo giấy nữa. Mấy tháng nay đăng ký mua báo giấy để mỗi sáng còn có mục đích xuống chỗ giữ xe để lấy báo. Tuy nhiên, đọc tin có một nhà ở biệt thự kín cổng cao tường đều nhiễm bệnh chết hai người vì thả chó đi rông nhiễm bệnh về lây cho cả nhà. BÀ GIÀ Ở NHÀ MỘT MÌNH hổm rày không dám đi đâu, dù ngứa chân lắm, mua báo ủng hộ, nay nhìn tờ báo giấy tự nhiên lo lo, không biết virus có nằm trong tờ báo không? Đúng là một đời sống "nhìn nhau xa lạ, nhìn nhau bất an" (nhái nhạc Trinh)

Cách thức đi chợ này là lý do người dân ùn ùn chết sống cũng phải ra đường mua thức ăn

CHƯƠNG 5

TỰ NHIÊN NHỚ MÁ

TỰ NHIÊN NHỚ MÁ

Mấy tháng nay, bị rester à chez moi, nên phải tự nấu ăn, không còn mỗi ngày đến nhà hàng hoặc mua thức ăn nấu sẳn mang về nhà.

Vào bếp.

Bà tự biết là bà cũng biết nấu ăn. Bà đã từng sống trong gia đình người ấy với má ruột của người ấy và một thời gian ở chung với bà má nuôi. Toàn các bà vừa giỏi làm ra tiền vừa nấu ăn cực kỳ trác tuyệt với quan điểm không cần cầu kỳ nhưng phải ngon và...đẹp.

Làm thế nào mà bà không biết nấu ăn? Nhưng, mệt rồi, đến nhà hàng ăn để người khác phục vụ cho khỏe thân ...già.

Bây giờ phải vào bếp, tự phục vụ và tự nhiên bà nhớ má.

Má bà, khi kê khai trong lý lịch về nghề nghiệp rất ung dung viết: nội trợ. Không biết bây giờ có còn khái niệm nội trợ không, chứ lúc trước thì nhiều bà thuần túy nội trợ lắm. Cuộc cách mạng đòi quyền bình đẳng nam nữ đã khiến cho các chị các cô phủ nhận việc làm nội trợ của họ, dù vẫn phải nấu ăn phục vụ chồng con mỗi ngày; để ghi họ là người buôn bán, giáo viên, công chức, cán bộ, thư ký,... Nhận trên vai hai trách nhiệm một lúc, họ hễ hả và chê trách những người được...chồng nuôi.

Má chị là một người nội trợ thuần túy trong cuộc sống đô thị.

Má bà có một thời khóa biểu cho một ngày làm nội trợ. Một thời khóa biểu của những món ăn làm sao cho cân bằng giữa sức khỏe và tài chánh.

Khi nhìn bó rau bù ngót bà nhớ má bà đã từng nấu cho bà ăn loại rau này. Tô canh rau bù ngót với mướp khía tôm khô, ngọt tự nhiên, không chút đường, bột ngọt. Má bà không dùng mướp hương mà dùng mướp khía vì bà cho rằng mướp hương ăn độc, người nào yếu trong người sẽ bị trúng thực, khó tiêu. Bà nhớ ngôn ngữ “trúng” này quá. Tiếng nói của người miền Nam, trúng thực, trúng gió,...Phân tích chẳng hiểu trúng là gì? Chợt cười. Trúng có một nội hàm tích cực nhất trong chữ trúng số.

Khi nhìn đến trái bí đao, bà nhớ má bà nói ăn bí đao “hiền” hơn ăn canh bầu. Trái bí đao cắt làm ba hoặc làm tư theo chiều dọc và sau đó cắt thành hình tam giác, không được cắt nhỏ kiểu ... heo ăn. Chẳng biết từ kiến thức khoa học nào mà má bà nói thế. Thức ăn mà hiền? Có lẽ là bí đao ít làm cho người già nhức xương cốt ư? Hoàn toàn do kinh nghiệm. Giống như khi má bà nấu canh cải xanh thường đập dập ít gừng bỏ vào. Hỏi tại sao? Bà ngoại dặn thế. Sau này nghiên cứu ẩm thực bà mới biết cải xanh tính hàn cho vào chút gừng tính ôn cho cân bằng âm dương trong thức ăn.

Lúc nhỏ, bà cực kỳ thích ăn cà tím nướng, nhưng má bà ít làm vì cho rằng cà tím ăn nhiều nhức mình lắm. Ngồi nhìn hai trái cà tím trong thùng rau mà cửa hàng giao cho, bà nhớ món cà tím nướng, cà tím chưng tương với bún tàu, nấm mèo, cá chim và cả những cọng ngò tây, mấy lát ớt trên mặt... Bây giờ nhà không đủ gia vị để làm các món này, hành lá, ngò tây coi như là của hiếm.

Má của bà quanh năm ăn cá đồng như cá lóc, cá trê,...không thường ăn cá biển vì cho rằng cá đồng hiền, cá biển hay những gì thuộc về biển ăn nhiều nhức mình, dễ bị bệnh sau này.

Thành thật mà nói, bà cũng chẳng hiểu tại sao má của bà lại biết như thế; sau này đọc các toa bác sĩ trị bệnh gút đều dặn là tránh ăn thức ăn của biển.

Má bà thích bún gạo xào hơn hủ tiếu xào, phở xào, vì bún gạo ăn hiền (có lẽ bún gạo ít hàn the hơn). Thực đơn thức ăn hiền của má bà kéo dài ra là ăn thịt heo hiền hơn thịt bò, thịt gà hiền hơn thịt vịt nhất là thịt vịt xiêm, khoai mỡ hiền hơn khoai môn (khoai môn ăn dễ bị dị ứng), đậu ô hoe hiền hơn đậu đủa, chuối xứ hiền hơn chuối già,...

Hình như đó cũng là thói quen của bà. Nếu đi ăn một mình bà cũng chỉ ăn được cá lóc, cá trê,...chỉ khi nào đi chơi với bạn, họ gọi món nào bà ăn món đó.

Già rồi, bị bắt buộc phải vào bếp trở lại, tự nhiên bà nhớ má.

 

CHƯƠNG 6

GIÃN CÁCH LÀM PHÂN CÔNG XÃ HỘI BỊ ĐẢO LỘN

 

1.    

Từ tháng 5 đến nay các dịch vụ như cắt, uốn tóc, spa, gym, thể dục thẩm mỹ,... cho đến chợ đầu mối, tiệm ăn,...đều đóng cửa hết. Tạo nên một tình trạng khá đảo lộn trong gia đình hiện tại (ngoài chuyện kinh tế và tài chính ).

Mỗi nhà nếu có nam giới bây giờ đều sắm một tondeuse để tự cắt tóc ở nhà, cũng không thể mượn hàng xóm. Mặt hàng bán tondeuse đắt như tôm tươi. Các bà vợ, bà mẹ tự biến thành những người thợ cắt tóc chuyên nghiệp, lo cho quý nam giới trong nhà từ móng chân lên đến đầu; không như lúc trước mấy ông tự ra tiệm cắt, uốn, gội, nhuộm, massage mặt với các cô thanh nữ được đào tạo chuyên nghiệp hơn.

Các bà tự phải học nấu ăn, làm bánh, kể cả làm bánh mì (giống như các bà nông dân ở các vùng quê trong các phim châu Âu tự làm bánh mì mỗi ngày vậy). Không chỉ lo học nấu các món, kể cả cơm tấm bì chả, bún mộc, phở,... để thay đổi hàng ngày cho chồng con sống khỏi bị trầm cảm và có sức khỏe chống lại dịch bệnh đang lỡn vỡn chung quanh. Hệ thống tiệm quán được phân công xã hội rất chuyên nghiệp nay bị đóng cửa (vào buổi chiều cuối ngày 8/7, bánh mì Bảy Hổ tự nhiên bán ào ào vì người mua biết là sẽ không ăn được bánh mì thịt ngon như thế này trong một thời gian chưa biết bao lâu). Đố các bà nội trợ làm được ổ bánh mì pate, thịt, chả, ngon như bánh mì Bảy Hổ hay làm bánh cuốn ngon như bánh cuốn Tây Hồ lừng danh chuyên nghiệp, ...Ôi còn gà KFC, bánh Tous les jours, McDonald's...

Hệ thống người giúp việc giờ bị đình trệ, vì ai cũng sợ đưa người lạ vào nhà. Thế thì mọi người trong nhà tự phục vụ có thể sẽ thành chuyên nghiệp, kể cả các nữ văn, thi sĩ chỉ biết mần thơ, bây giờ cũng phải quét nhà, lau nhà,...

Phân công xã hội bị đảo lộn. Tất cả những nghề được đào tạo chuyên nghiệp nay dồn về gia đình. Nhiều bà vợ sẽ thành chuyên gia nấu ăn, thợ cắt tóc, thợ giặt ủi, và sửa chữa nhà cửa ....

Một đôi khi giãn cách cũng có mặt tốt.

Thế giới đang trở thành một bức tranh lập thể hay một phòng trà thiền học?

2.

Cuối tuần, cuối tháng. Xem như đã ở nhà 4 tháng rồi. Trước kia tuyên bố, ở nhà 3 ngày là bệnh. Nay, ở nhà và không dám bệnh, không để cho bệnh, phải tự lo mọi thứ, phải tự phục vụ mọi thứ.

Trước kia muốn ăn cơm tấm chỉ chạy xe đến nhà hàng. Kêu một ly cam vắt, ngồi viết linh tinh trong khi chờ đợi. Thế là cơm nóng, sườn ngon, chả, bì, nước mắm đầy dủ dọn ra sau 10 phút. Bây giờ muốn có một dĩa cơm ngon và đẹp mắt như thế phải tốn gần 2 giờ.

Vo tấm, nấu bằng nồi điện.

Ướp thịt

Trộn bì thín sau khi đã rã đông bì.

Băm tỏi để làm nước mắm và trộn vào bì cho ngon.

Hành xắt nhỏ làm dầu hành

Xay thịt và bằm nhỏ bún tàu nấm mèo trộn chung và trứng. Hấp.

Canh lửa nướng thịt.

Xắt carotte nhỏ để làm đồ chua.

Xắt dưa leo, cà chua mỏng để trong dĩa cho đẹp

Muốn có một ly nước cam tốn thêm 10 phút.

Dọn ra bàn

Lau bếp cho sạch

Ăn trong sự mệt mỏi, hết ngon

Còn một đống thớt, dao, nồi, chảo, chén dĩa chờ rửa.

Ôi. Nấu ăn.

Còn thời gian nào để suy nghĩ mà viết lách.

Nhất là phải tập trung trí tuệ để nêm nếm nấu, nếu không lấy lọ muối tưởng lọ đường là hỏng bét.

 

CHƯƠNG 7

TỊNH KHẨU & THẦN KINH

 

Đây là lần thứ hai bà thấy hiện tượng lạ.

8 giờ sáng mở mắt, nửa đầu bên trái nhức tưng tưng. Cố gắng massage đầu, bấm những vùng đau trên đầu nhưng vẫn không hết. Lo sợ.

Bà đã từng bị tai biến nhẹ, phải truyền 2 bịt máu, bàn tay trái phải tập vật lý trị liệu cả tháng. May mắn là hồi phục được nhưng khi CT đầu thì vẫn còn một vết nhỏ. Vào tháng 4, cũng trường hợp này bà vào bệnh viện 115, bị đưa vào chuyên khoa thần kinh. Bác sĩ kê toa 2 loại thuốc uống để đêm ngủ dễ dàng hơn, và phán rằng bà bị đau nhức là do thần kinh.

Từ tháng 5, dịch cúm bùng phát, bà đã cố gắng không để cho các triệu chứng nhức đầu trở lại.

Ở nhà một mình, đồng nghĩa là tịnh khẩu, dù rằng lâu lâu cũng gọi hỏi thăm vài người quen, con gái vẫn gọi về mỗi tối. Những cuộc nói chuyện cũng chỉ kéo dài 5, 10 phút mà thôi. Coi như là không thể thoát khí ra ngoài.

Nghe nói trong các tôn giáo có pháp môn nhập thất, tịnh khẩu để thân tâm an lạc, trí tuệ khai sáng, các vị tu sĩ phải sống trong một căn phòng riêng, hằng ngày đọc kinh, niệm chú, được cung phụng thức ăn. Không biết các vị đó thường tình nguyện nhập thất thời gian bao lâu, có hơn 3 tháng không?

Cũng nghe nói những người tù bị nhốt trong xà lim vài tuần là nổi điên vì không được nhìn nghe tiếng người.

Như vậy là bà đã ở nhà hơn 3 tháng rồi.

Sáng hôm nay chứng bệnh đau nửa đầu trở lại. Đang nằm suy nghĩ thì có điện thoại qua zalo. Bật dậy. Một đồng nghiệp tại trường đại học cũ gọi. Tíu tít nói, bên kia cũng tíu tít kể lại những chuyện như chích ngừa, con cái đi du học,... Nói chuyện 15 phút và chứng đau đầu bay mất.

Rất ngạc nhiên. Đây thuộc bệnh thần kinh rồi vì không được bavarder còn gọi thông thường là....tám.

Hôm nay là lần thứ hai xảy ra hiện tượng này.

Lần thứ nhất cũng thế.

Cách đây vài ngày, buổi trưa tự dưng nhức đầu. Lo sợ. Uống panadol cũng không hết, massage các huyệt trên đầu cũng không hết. Đành nằm chịu đựng.

Đến 5 giờ chiều. Giờ học online Pháp văn đàm thoại với một ông Tây cùng những bạn trẻ. Qua laptop, cười, nói, trả lời, hỏi bằng tiếng Tây. Khi nhập cuộc là hết nhức đầu, vui vẽ, thông thái lại ngay. Cám ơn 90 phút được nói thả giàn...mướp.

Tối kể chuyện con gái nghe: mẹ sẽ đăng ký học online vài lớp ngoại ngữ để được nói cho thoát khí và cũng hữu ích nâng cao trình độ,...cũng có thể trị bịnh THẦN KINH.

Nhớ con gái kể chuyện có một người bạn du học bị tự kỷ và trầm cảm, phải gặp bác sĩ tâm lý. Khi về Saigon, con gái bèn chở người bạn đến vùng Thủ Thiêm, lúc đó còn nhiều lau sậy nói: bây giờ mầy cứ la hét cho thỏa thích đi, nói bất cứ những gì mầy muốn nói, hát những gì mầy muốn hát,... vì ở nhà có ông bà, bố mẹ, anh chị,...không la hét được đâu!

Khi xem phim Hàn Quốc, bà không thích những nhân vật hậu đậu, nghĩ gì, nói đó, vui, buồn, giận, ghét...đều phô ra hết bên ngoài; nhưng bây giờ nghĩ lại thấy những người này ít khi nào bị bệnh thần kinh.

Bà đã từng phê bình những buổi chiều tổ chức họp mặt, nhậu nhẹt, la hét... bây giờ mới cảm thông những bộ veston trên giảng đường, những nạn nhân bị đấu đá trong công ty...cần nơi để trút những phiền muộn của họ bằng những tiếng dô dô hét thật lớn để khỏi...bị thần kinh

Những lời nói dô, dô,...vô nghĩa, hét thật to để thoát khí u uất trong cuộc đời.

Bây giờ mới cảm thông với những người câm, điếc....những người phải sống tịnh khẩu suốt đời.

Tạm hết viết vào ngày 7/7 âm lịch, ngày ngưu lang chức nữ gặp nhau

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

VIẾT CHO ĐÊM GIAO THỪA GIÁP THÌN 2024

Rồng bay không ai biết
Rồng lặn chẳng người hay
Là linh vật Thượng Đế
Hay do tưởng tượng này

Tượng trưng sự uy dũng
Tượng trưng thế quyền hay
Ngồi trên ngôi cửu ngũ
Rồng bay lượng quanh ngai

Không ai thấy rồng chết
Chẳng người gặp rồng sinh
Sinh sinh và tử tử
Mơ hồ như mây bay

Chỉ Biển Trời lồng lộng
Mới hiểu chuyển hóa này
Trong cỏi đời biến dịch
Xuất hiện vật tối linh
Như một niềm mơ ước.
Của loài người vô minh

Tôi người sanh năm rồng
Cũng muốn được thong dong
Lên non và xuống biển
Không cần ai hiểu mình
Sinh sinh và tử tử
Chỉ là sự biến dịch
Của vô thường mà thôi.

HÀ THỊ MINH ĐẠO

2024

  Ở NHÀ MỘT MÌNH ( Không giống phim ở nhà một mình của cậu bé 7 tuổi mà là bà già 70 tuổi ở nhà một mình để tránh virus Covid 19)   ...