Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2010

DÂN THƯỜNG

Nhớ vào năm 1968, tết Mậu Thân, chỉ vừa 16 tuổi. Chiều mồng một cùng với người bạn hàng xóm đi rong chơi phố phường, ngang dinh Độc Lập (dinh Tổng Thống cũ) , đường phố vắng ngắt... có một hiện tượng bất thường nào đó , vì còn nhỏ nên tôi không biết nhưng thấy nhiều lính gác có vẽ căn thẳng lắm. Sáng mồng một tết, súng bom tưng bừng tại Saigon. Chiến tranh đến tận nơi rồi.
Mồng 5 Tết, anh Hai lúc đó là sinh viên Đại học Khoa học tham gia phong trào cứu trợ do đoàn Thanh niên của trường anh ấy phát động. Thông báo HSSV được nghỉ học không thời hạn. Đến số 4 Duy Tân ( nay là Phạm Ngọc Thạch) ghi danh tham gia phong trào SVHS cứu trợ.
Những ngày bắt đầu sáng 6 giờ ra khỏi nhà đến mãi tối mịt mới về...Dọn dẹp những khu nhà cháy, chăm sóc trẻ em, hướng dẫn những người tị nạn, nhà bị pháo kích cháy,...
Ý thức về chiến tranh. Ý thức về công tác xã hội, nhưng chưa ý thức về ý thức hệ, phe này hay phe kia, chỉ thấy chiến tranh tàn ác quá.
Nơi đây đã từng gặp Nguyễn Thanh Công, Huỳnh tấn Mẫm, Nguyễn thị Thắng, Cao thị Quế Hương, Lê văn Nuôi ( tham gia trong tổ của tôi ), Hoàng Đôn Nhật Tân,...và những người khác... Thuấn, Đạt, Hạnh, Loan,...
Sinh viên, Học sinh các trường tham gia với những người đại diện. Hạnh của trường Huỳnh Khương Ninh nỗi bật, một đại diện cho trường Gia Long, khiêm tốn, được đề nghị lãnh đạo khối học sinh...Nhớ cô bạn này,vóc nhỏ bé, nhà ở tận trong một con hẻm đầy ngõ ngách của đường Lê văn Duyệt ( bây giờ là đường Cách Mạng tháng 8 ). Cửa trước, cửa sau đều thông qua những con hẽm.Chữ viết rất đẹp. Có lẽ có nhiều kinh nghiệm về việc làm đại diện học sinh của trường Gia long lắm nên đã từng viết trong nhật ký : “ tôi mà đại diện cho tiếng nói của ai. Tôi đại diện tôi chưa xong. Những phát biểu của tôi là ý kiến của tôi, của các bạn hay của Ban giám hiệu trường...” . Người này tham gia những ngày đầu rồi... mất tích. “Hạnh đen” của trường Huỳnh khương Ninh, nhiệt tình, cũng chuyển hướng.Lúc đó Lê văn Nuôi chưa được ai biết tiếng, e dè trước những đàn anh, đàn chị năng nỗ, nhiệt tình... Rồi những đàn anh, đàn chị đó... chợt biến mất... Phong trào vẫn không xẹp, các đàn em lên lãnh đạo...
Tết Mậu thân...trận đánh vào Saigon tháng 5,...Lúc này tôi ý thức được thế nào là hai chiến tuyến. Tôi không biết nhiều lắm về các việc phía sau, phía trong, phía trên, phía dưới... của phong trào này...Tôi chỉ là quần chúng tham gia những công tác xã hội vì lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, hay nói một cách lớn lao hơn vì ...yêu hòa bình. Chỉ biết mỗi sáng đến trụ sở Tổng Hội Sinh viên Học sinh, họp tổ, lên xe, được đưa đến những nơi có các gia đình tản cư vì chiến tranh, giúp đở họ bằng nhiều hình thức. Phát quà ( cũng không cần biết quà ở đâu đưa đến), dọn dẹp những đống gạch vụn, lượm lại những vật dụng đã cháy đen...Có những người ngoại quốc tham gia phong trào này, một vài người Mỹ phản chiến.
Sau này học lịch sử, khi đến năm 1968, tết Mậu Thân, PGS.TS Võ văn Sen ( lúc đó chỉ là một cử nhân), đã nói đến trận đánh này mức độ thành công thấp hơn sự thất bại ...
Tôi không nghiên cứu kỹ lắm. Bởi lẽ thành công hay thất bại gì cũng đã là lịch sử, nghĩa là quá khứ rồi... Chỉ biết rằng lúc đó người Saigon nếm mùi chiến tranh tại chỗ.
Những người tham gia phong trào này,nhất là những chỉ huy ,tổ trưởng, nhóm trưởng, một phần bị bắt đi quân dịch, những người học giỏi như anh Ngọc ( lúc đó là SV năm dự bị của ĐH Khoa học)được đưa đi du học ở Mỹ, còn những người biến mất vào khu, hoặc xuất hiện tên trên mặt báo vì bị nhà cầm quyền Saigon bắt.
Từ những nhóm cứu trợ này, trở thành các nhóm biểu tình phản đối chiến tranh hăng hái.
Chỉ biết rằng có một người hàng xóm bắt gặp tôi đi biểu tình ủng hộ các sinh viên học sinh bị bắt thì hỏi : Ba má ở nhà có biết không ? Có xin phép không ?
Trời ! Đi biểu tình mà phải xin phép ư ? chẳng ai trong nhà tôi biết được tôi đi đâu, làm gì? Chỉ biết rằng, tôi vẫn học giỏi, không lê la chơi bời là... được. Mà làm sao chơi bời được...chỉ có con nhà giàu mới đi chơi bời chứ. Còn tôi là... dân nghèo thành thị mà.
Đa phần Học sinh, Sinh viên tham gia phong trào đều là dân nghèo. Những đứa con nhà giàu,... tham gia một vài ngày rồi thôi, có thể vì công việc mệt quá , có thể bị ... ba mẹ cấm.
Nhớ, có lần Lê văn Nuôi gởi thơ về tận nhà tôi, nhắc lại lần đầu Nuôi vào nhóm, lúc đó tôi làm nhóm phó, và cuối cùng cũng có một bài thơ tả những buổi chúng tôi ngồi trên xe để đến những vùng bị nạn, tôi nhớ đâu loáng thoáng câu :
Mình ngó nhau cười mà quên mất đường xa ...
Các bức thơ, các văn bản, các phù hiệu, các kỷ vật về phong trào này, tôi giữ đến sau 1975... và một ngày đẹp trời, thu dọn, đốt sạch... không phải vì cái gì,... chỉ là ... giữ làm gì những thứ này,...nó có đáng gì đâu ?
Sau này, có lần đi Thái Lan theo một khóa học do Bộ GD&ĐT tổ chức, trường tôi cử tôi và một cô đảng viên trẻ. Cô này thấy tôi bất mãn ông Hiệu trưởng đang tại chức, nói : em không đồng ý cô nói xấu người có chức vị trong trường.
Tôi buộc miệng : Trời , khi tôi còn trẻ, đi biểu tình, lưởi lê, súng ống của cảnh sát dí vào người chưa sợ... bây giờ em bảo tôi sợ cái... ông hiệu trưởng sai quấy kinh khủng kia à...
Tôi giận cô ấy, không thèm nhìn mặt. Không phải vì cô ấy xấu với tôi, mà tôi chán... những người trẻ tuổi hèn nhát... thấy cái xấu không dám phản ứng.
Cho đến hôm nay, dù có nhiều người can ngăn, có người đề nghị đuổi tôi ra khỏi trường vì việc này... nhưng tôi cũng khó có cảm tình với cô ấy.
Tôi chán những người tuổi trẻ hèn nhát... mà tự hào rằng mình biết sống, lên lớp, dạy tôi thế này, thế nọ ... để cho không thiệt hại đến bản thân.
Nếu lúc đó, khi đi biểu tình, tôi chết ngất vì lựu đạn cay, hay chết vì một phát súng thị uy, cầu âu nào đó của những tay lính giải tán biểu tình thì tôi...sẽ thành một Trần văn Ơn,... để khỏi sống đến gần 60 tuổi như hôm nay... được dạy cho phải nhẫn nhịn, thức thời và... biết sống. Điều này đã khiến mọi người diễu cợt tôi cho rằng tại tôi nên lúc nào tôi cũng chỉ là DÂN THƯỜNG
Thôi thì, viết lại những “ câu chuyện đầu tuần ” của báo Hoa học trò số 839, thứ bảy 9-01-2010




SỢ NGÀY TA ĐI LẠC

Chỉ có trẻ con mới hay bị lạc. Vì năm tháng ở trên đời còn ít, vị trí chưa khôn, chân chưa vững bước đi. Sang đường phải nắm tay cha. Đến khu phố khác chơi phải níu tay mẹ. Lớn lên trải nghiệm ngày một dày thêm , thì chuyện lạc đường ít dần. Vài trường hợp ngoại lệ, lớn tướng rồi ra đường vẫn ngu ngơ. Người ta gọi đấy là người kém định hướng không gian.
Thời của wikimapia, của google earth, lạc đường đang thành chuyện xưa cũ rồi. Nhưng con người giờ đây vẫn đứng trước một thử thách, có vẻ muôn thuở mà không thể cậy nhờ một cái gì đó tương tự như google earth. Đấy là càng lớn lên, sống lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn, vậy mà bổng nhiên một ngày ta thấy dường như người thân hay chính ta đi lạc.
Lạc vào những tập nhiễm đục trong, để một ngày “ chợt nhận ra ở mình một thói xấu ngày xưa không có ”. Lạc vào sân khấu ranh mãnh cuộc đời để rồi giả dối tự nhiên, lâu dần quên mất đang diễn một vai có lẽ ngày xưa không mong thế. Lạc vào những mộng tưởng danh lợi, uy quyền rồi quên cả trời cao đất dày. Lạc vào ma mị động quỷ rồi quên mất đường về. Đôi khi thoát ra rồi vẫn chưa quên được thủ thuật diễn khiến người thân ngạc nhiên như đang nói chuyện với người lạ.
Lạc lối đáng sợ hơn lạc đường. Đấy là khi ta bỗng nhiên sống khác, làm khác, nói khác. Cũng là ta đi đứng đó, mà người thân nhìn ta như người xa lạ.Làm rộn sân khấu đã đời rồi mà khi hạ vai tuồng không còn biết hổ người.
Sau “ Bà tôi ” rồi “ Ông tôi” nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến vừa viết xong ca khúc “ Cụ tôi ”. Anh mở sổ tay hát vang giữa đông người. “ Rồi một ngày tôi đi rất xa. Lạc vào bao nhiêu đám đông. Lạc vào bao nhiêu thói quen. Vui à ơi. Buồn à ơi ...” Bài hát như là mẫu ký ức xa mờ của một chú bé về “ cụ tôi ”nhưng là tự vấn nghiêm túc của một chàng trai trưởng thành. Đủ để biết đường đi khắp chốn, nhưng luôn sợ một ngày mình lạc vào đám đông bầy đàn, lạc vào những thói quen lâu dần thành nuớc đọng ao tù, chẳng còn đủ để soi bóng một khoảng trời xanh. Lạc vào những a dua dễ dãi, à ơi với bất cứ chuyện vui buồn.
Hầu hết trẻ con lên máy bay, chẳng hề biết sợ, thậm chí còn nhún nhảy bi bô không chịu thắt dây an toàn. Cũng những đứa trẻ không hề biết say tàu, say xe ấy, lớn lên có người thậm chí chỉ mới nghe sắp đi đâu xa là đã nôn nao bụng dạ. Tuổi hồn nhiên lùi dần, rồi nhường chỗ cho những toan tính ,lo âu. Những giấc mơ chinh phục, vượt núi băng sông lụi dần như đóm tàn trong gió bấc. Ấy là khi những giấc mơ đi lạc. Lạc vào thói quen thủ cựu. Lẫn vào những chuyện được, mất, ăn, thua. Con người ta lớn lên nhiều khi có thể rất nhớ quê nhà, nhớ trường cũ, nhớ người yêu xưa... Nhưng không nỗi nhớ nào khiến ta da diết cho bằng nhớ về những giấc mơ tuổi thơ, chính là vì vậy.
Vì đó cũng chính là ngọn hải đăng trên biển đời, luôn giúp ta không đi lạc, nếu ta biết quay đầu nhìn lại mỗi ngày.

HÀ NHÂN



Ghi chú : nhớ có lần đến nhà của một người bạn trẻ đã từng cộng tác với HHT, thấy trên kệ sách có những bộ HHT đóng tập, được đóng bìa simily cực đẹp. Nghĩ, chỉ cần những bài như thế này cũng đủ “ đóng bìa gáy da ” rồi.

  Ở NHÀ MỘT MÌNH ( Không giống phim ở nhà một mình của cậu bé 7 tuổi mà là bà già 70 tuổi ở nhà một mình để tránh virus Covid 19)   ...