Tình cờ nói chuyện với Cô trong buổi tổng kết năm học khiến tôi ưu tư và cảm thương cho các thầy cô giáo dạy Văn, dù rằng trong câu chuyện cô không hề đề cập đến môn học mà cô đang dạy.
Thành thật mà nói, khi con gái tôi học với cô, con bé kể cho tôi nghe những buổi học Văn của nó, vừa kể vừa cười thú vị, không phải cách cô giảng mà vì những ứng xử của cô với các học trò. Trong mắt nó cô là người trẻ trung ( dù là đã có con trai tốt nghiệp đại học ), dễ hoà đồng, cảm thông với học trò, với sự linh động, hoạt bát và nhạy bén của ngôn ngữ ...cô trị được hết những phản kháng, bốc đồng, nói chung là tâm lý “tùm lum” của những học sinh ở lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới từ 14 đến 18 đang đòi tự do vô điều kiện...
Cô hướng dẫn các học sinh của cô để nó thương cô và thường luôn môn Văn của cô ( hay ít nhất cũng không ngủ trong giờ Văn), vì có thương môn Văn mới có thể hào hứng học...
Thật là khó cho các thầy cô dạy Văn, khi phải dạy cho các học sinh nhận định, phê phán, khen tặng,...các áng văn cổ, kim theo đúng chuẩn đề cương của Bộ. Thật là khó cho các thầy cô dạy văn khi phải chấm bài theo một thang điểm ...
Khi chọn môn Văn, các thầy cô giáo phải yêu thích văn học, cũng có một tâm hồn lãng đãng thơ ca....một tâm hồn muốn thoát khỏi một khuôn phép nào đó...Nhưng, bây giờ hàng ngày lên lớp, bài văn A phải viết bao nhiêu nội dung, chính biện như thế,...không dạy phản biện lung tung được, dù rắng có thể tận thâm tâm thầy cô giáo cũng muốn phản biện lắm. Thế là tự thầy cô phải gò tư tưởng của mình vào một khuôn và bắt học sinh mình cùng vào khuôn đó, để bảo đảm chắc chắn khi đi thi...
Tôi không thấy cô dạy Văn theo mẫu,( đó là điều quá tiến bộ ), nhưng vẫn phải gò học trò vào nội dung 5 ý hay 7 ý cho một đề tài .
Khổ tâm cho các thầy cô dạy văn.
Đáng lý các thầy cô phải được giảng theo ý mình về những thơ văn của các tác giả văn học VN, nhưng không được, phải giảng theo sách, vì nếu thầy cô giảng theo ý riêng, các học trò cũng viết theo ý riêng...thế là kết quả thi Văn chấm theo thang điểm sẽ đánh rớt hết, và cả thầy trò đều bị loại.
Tôi rất quý môn Văn. Đây là môn học của người Việt, mục đích của môn học này là dạy cho trẻ con biết viết tiếng Việt, biết diễn tả những suy nghĩ của mình bằng tiếng Việt, biết đọc, nhận xét phê phán các tác phẩm văn học Việt Nam để làm phong phú hơn những vốn từ của mình.
Nhưng, môn Văn tại các cấp ...đã bị lệch hướng. Xã hội, báo chí, các nhà giáo dục đã kêu từ lâu rồi, nhưng, kêu dùm cho các thầy cô giáo dạy Văn thì chưa.Khổ quá, nghe cô nói, tôi vừa thích, vừa buồn. Một người nhạy bén ngôn ngữ, ứng phó linh hoạt như cô ...làm thế nào chịu được khuôn khổ áp đặt...Cô đã chọn nghề và đeo mang nghiệp... Không chế giễu, nhưng cô biến giờ học Văn thành những giờ tâm lý, phải đùa bởn với học trò để giải toả...khuôn mẫu Văn, để bớt stress.
Tôi đang dạy một môn thuộc KHXH tại một trường đại học,có nghĩa là khi tôi đứng trên bục giảng, tôi có quyền nói với sinh viên tôi, giáo trình hay sách này tôi đồng ý hay không đồng ý quan điểm của tác giả đó dù là GS hay TS...Nhưng, như thế tôi còn bức xúc...Các thầy cô dạy Văn còn bức xúc nhiều hơn tôi.
Thú thật, 7 năm, con gái tôi học phổ thông, tôi không dám đụng vào môn Văn của nó. Có lần tôi thử hướng dẫn nó làm một đề văn tự do, viết khác ý với văn mẫu...nó được 9 điểm; điều này khiến tôi hiểu các thầy cô dạy Văn lúc nào cũng muốn học trò mình vượt rào một chút về suy nghĩ, nhận định, nhưng, lúc đi thi thì không dám...
Đấy là nỗi buồn mà khi nói chuyện với cô, tôi cảm nhận được. Cô là người vui tính, trẻ trung, hoạt bát, tâm lý,...và hơi giễu cợt về môn dạy của mình; nếu không như thế, với tâm hồn nhạy cảm thích cái đẹp ( vì văn là đẹp kia mà ), cô sẽ không chấp nhận được hiện tượng học Văn ngày nay.Cứ tưởng tượng giải Nobel Văn học được chấm rập theo một khuôn khổ nào đó thì...buồn quá phải không cô.!!!