Nguyễn Hồng Cúc
Tóm tắt: Gia Định Báo được các
nhà nghiên cứu đánh giá cao vì là tờ báo sử dụng quốc ngữ Latinh đầu tiên tại
Việt Nam. Thành phần độc giả của báo chí trong giai đoạn này cũng cần được tìm
hiểu để có thể giải thích sự hấp dẫn của báo chí đã lan truyền từ giai cấp trí
thức bậc cao lúc ban đầu đến các tầng lớp nhân dân sau này. Từ đó, báo chí đã
gây nên một phong trào mọi người biết chữ là đọc báo, gánh vác vai trò lớn
trong lịch sử là vừa phát triển quốc ngữ vừa nâng cao trình độ dân trí cho người
Việt.
Thời điểm lịch sử khi Gia Định báo
thành lập
Từ khi Tự Đức lên ngôi (1848-1883),
Việt Nam đã trải qua rất nhiều biến cố trên các mặt quân sự, chính trị, văn
hóa, giáo dục, xã hội. Về quân sự, triều đình phải đối đầu với quân lực Pháp, sau
đó năm 1862 và những năm kế tiếp đã phải nhường Nam kỳ (Gia Định, Biên Hòa, Định
Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) cho Pháp. Biến cố này đã gây sự xúc động
vô cùng mãnh liệt trong lòng dân Việt. Tất cả dân Việt, nhất là giới sĩ phu đều
căm phẩn người Pháp, coi bước chân của người Pháp là sự hỗn xược và là nỗi nhục
nhã của một quốc gia có nguồn gốc và lịch sử kiêu hùng trong chống ngoại xâm.
Ở Nam Kỳ các sĩ phu tự tổ chức đứng
lên khởi nghĩa chống Pháp ngay từ những ngày đầu đất nước bị xâm lược. Một số
cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp quan trọng như:
1.Trương Định: Năm 1859 Ông tổ chức
nghĩa quân chống Pháp ở Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười, được
nhân dân suy tôn là Bình Tây Đại Nguyên Soái. Ngày 20/8/1864 ông bị thương
nặng, đã rút gươm tự sát tại Gò Công, bảo toàn khí tiết. Con ông là Trương
Quyền rút về Châu Đốc cầm cự thêm được 6 năm.
2.Võ Duy Dương cùng thời khởi nghĩa của
trương Định, đánh Pháp trên cả một vùng rộng lớn từ Hà Tiên, Rạch Giá đến Đồng
Tháp, gây cho đối phương nhiều tổn thất. Cuộc khởi nghĩa thất bại khi ông mất
năm 1866.
3.Trần Tấn Kiều (Đốc Binh Kiều) đem
quân về hợp tác với Võ Duy Dương và giữ chức phó tướng. Ông trấn giữ đường vào
Đồng Tháp Mười từ Cai Lậy, Cái Bè. Bị trúng đạn tại Gò Tháp ông mất năm 1866.
4. Năm 1863 Nguyễn Hữu Huân khởi nghĩa
ở Bình Cách (Tân An). Năm sau (1864), ông cùng Võ Duy Dương chiêu mộ nghĩa binh
để khởi nghĩa lần thứ hai, vùng Thất Sơn, An Giang. Bị bắt giam tù 5 năm, ra tù
lại khởi nghĩa lần 3. Đầu năm 1875, thất trận ở Bình Cách, ông lại bị bắt,
khước từ Pháp chiêu hàng và bị hành quyết ngày 19/5/1875.
5.Nguyễn Trung Trực nổi dậy ở Tân An
chỉ huy nghĩa quân đốt cháy tàu Espérance của Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông
(12/1861) và lập căn cứ chống Pháp vùng Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc. Năm 1886
Ông bị Pháp bắt và đưa đi hành hình.
6. Cuộc khởi nghĩa của Quản Cơ Trần văn
Thành tại Láng Linh vào năm 1867 và bị thất bại vào năm 1873. Báo Le Courrier
de Saigon ra ngày 5 tháng 4 năm 1873 tường thuật: “Tại Hưng Trung, Trần Văn
Thành vẫn bình tĩnh đứng sau chiến lũy làm bằng những tấm ván và những bao gạo
chồng lên nhau, để đốc thúc nghĩa binh chiến đấu. Nghĩa quân trong các chiến
lũy thổi tù và, đánh trống và reo hò để tăng uy thế. Bên cạnh ông còn có con
trai ông hỗ trợ cho ông bắn"...
Như thế các phong trào kháng Pháp tại
Nam Kỳ đã bị tan rã vào những năm Pháp áp dụng chính sách dài hạn để làm thay đổi
hoàn toàn xã hội Việt Nam trên phương diện văn hóa và giáo dục.
Chữ Quốc Ngữ giai đoạn này
Dựa
vào các tài liệu nghiên cứu về chữ quốc ngữ, một loại chữ đã xuất hiện tại Việt
Nam vào đầu thế kỷ thứ 17 do các giáo sĩ người Pháp sử dụng, dùng tiếng Latinh
để phiên âm tiếng Việt. Trong tiến trình của chữ quốc ngữ từ giai đoạn không dấu
đến hoàn thiện có năm dấu, khoảng năm 1645 đến 1838, từ Alexandre de Rhodes
trong Tự điển Việt-Bồ-La đến Taberd với quyển Dictionarium Annammiticum
Latinum, tuy nhiên, chữ quốc ngữ không được truyền bá nhiều trong dân chúng, mà
còn bị ngăn cấm. Đến khi người Pháp sang Việt Nam chiếm được Nam kỳ và bắt đầu
đặt nền cai trị vào năm 1862, chữ quốc ngữ lại ở một tình trạng trì trệ là loại
chữ này không được dùng trong các lãnh vực nào khác ngoài việc truyền giáo của
các giáo sĩ Tây phương. Nên khi người Pháp dùng báo chí trong việc thông tin và
dùng chữ quốc ngữ trong Gia định báo đã gây một hiện tượng đáng ngạc nhiên với
dân chúng thời bấy giờ. Chữ quốc ngữ đã vượt ra ngoài phạm vi quen thuộc của
các giáo sĩ, để được phổ biến rộng rãi từ thành thị đến những thôn ấp xa xôi.
Đây cũng là thời gian đánh dấu cho sự trở mình chữ quốc ngữ bắt đầu phát triển.
Gia định báo được xem là tờ báo quốc ngữ đầu tiên, đồng thời mang lại cho nền
văn học nước nhà một nền gió mới làm thay đổi những nề nếp cũ có quá nhiều ảnh
hưởng Trung Hoa, cũng như tạo cho người dân Việt Nam một cách sống mới, hiểu biết,
tham gia vào chính sự.
Ai đọc được chữ quốc ngữ giai đoạn
này
Sau
khi Pháp chiếm trọn vẹn 6 tỉnh Nam Kỳ, bắt đầu thực hiện các chính sách cai trị
Nam Kỳ trong đó có chính sách về giáo dục, người Pháp thành lập ngay một trường
dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn để đào tạo người bản xứ làm phiên dịch. Từ đây, nền
giáo dục Nam Kỳ được đặt trong sự cai quản của các Thống đốc quân sự Pháp. Bên
cạnh nền giáo dục mới đang manh nha, Nho học vẫn duy trì trong tình hình ngày
càng suy tàn. Đây là thời kì song hành hai nền giáo dục: cựu học (Nho học) và
tân học (Tây học).
Lúc này, hệ thống trường học công lập
tại Nam Kỳ được đặt dưới quyền chỉ đạo của Nha Giám đốc Nội vụ thuộc quyền Thống
đốc Nam Kỳ. Sau đó, một số cơ quan giáo dục được thành lập để quản trị, chỉ đạo
và điều hành như:
-
Hội đồng tư vấn học chính (Conseil Consultatif de l’Instruction Publique) được
thành lập năm 1868 để giúp ý kiến cho chính quyền về các vấn đề giáo dục.
-
Sở Học chính công (Service de l’Instruction Publique) được thành lập năm 1879, đưa
ra chương trình giáo dục Pháp – Việt nhằm loại bỏ dần nền Hán học ở Nam Kỳ.
-
Nha học chính Đông Dương (Direction de l'Instruction Publique de l'Indochine)
được thành lập vào năm 1905 để nghiên cứu, sửa đổi chương trình giáo dục, do một
Giám đốc người Pháp đứng đầu, chỉ đạo trực tiếp 5 Sở Giáo dục cho người bản xứ
(Service de L'Enseignement Local) của Liên bang Đông Dương. Tại Nam Kỳ, Sở Giáo
dục do một Chánh sở (Chef de Service) người Pháp đứng đầu.
-
Hội đồng Hoàn thiện nền giáo dục bản xứ (Conseil de Perfectionnement de
l’Enseignement indigène) được thành lập ngày 3-3-1906 để nghiên cứu các vấn đề
có liên quan đến việc thiết lập hoặc cải tổ lại nền giáo dục đối với người Việt
Nam, đưa môn tiếng Pháp và khoa học sơ đẳng vào chương trình học, duyệt các
sách giáo khoa, từ điển. Tháng 4-1913 Hội đồng này đã quyết định bãi bỏ hẳn việc
học chữ Hán trong các trường Pháp – Việt ở hệ cấp I và cấp bổ túc.
Từ đây, chính quyền Nam Kỳ với các
Thống đốc dân sự đã thực hiện liên tục và mạnh mẽ việc thiết lập một hệ thống
giáo dục 3 cấp trên toàn Nam Kỳ theo mô hình trường học của Pháp.
Như thế kể từ năm 1865, những trẻ em
Nam kỳ và sau đó ở khắp Việt Nam, nếu muốn đi học đều phải học chương trình
Pháp-Việt. Điều này đã hình thành nên những người trí thức mới theo lối Tây học,
đó cũng là những độc giả đầu tiên của Gia Định báo và các báo tiếng Việt sau
này
Các báo tiếng Pháp và tiếng Việt cuối
thế kỷ XIX
Hậu bán thế kỷ XIX, trong hoàn cảnh
quốc phá gia vong, báo chí Việt Nam ra đời và gắn chặt với những diễn biến của
lịch sử nước nhà.
Năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định.
Hai năm sau, ngày 29-9-1861, tờ Le Bulletin Officiel de l’Expédition
de la Cochinchine (Nam Kỳ viễn chinh công báo) được xem là phương tiện để
truyền đạt những luật lệ của “mẫu quốc” đến người dân Sài Gòn – Gia Định.
Năm1862, Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, và cũng trong năm này, tờ báo thứ
hai, Le Bulletin des Communes (Làng xã công báo), được ấn hành. Tờ báo
này được in bằng tiếng Hán để có thể phổ biến trong giới quan lại người Việt vốn
chưa thông thạo tiếng Pháp. Năm 1964, tờ báo tiếng Pháp Le Courrier
de Saigon (Thư tín Sài Gòn) được xuất bản.
Nhưng tiếng Pháp vẫn
còn là một cách biệt lớn giữa chính quyền Pháp và dân chúng, vì vậy mà tờ báo
tiếng Việt ra đời. Nó vừa là công cụ để chính quyền phổ biến thông tin, vừa là
tài liệu để các viên thông ngôn, học trò trong các trường dùng để thực tập chữ
quốc ngữ. Chính quyền Pháp đã cho ra báo in bằng chữ
Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, tờ Gia Định báo ra đời giữa hai lần Pháp xâm chiếm
ba tỉnh miền Đông (1962) và ba tỉnh miền Tây (1867). Gia Định báo được
tài trợ bởi Thống Súy Phủ nên được phát miễn phí cho các làng, xã và trường học.
Nó đã được sự ái mộ của dân chúng, rất nhiều học trò chỉ mong đợi cho tới kỳ
phát báo để lấy báo đem về nhà đọc, có khi họ còn đọc to lên để cho người không
biết chữ cùng nghe.
Đến năm 1897, Gia Định báo chấm dứt
hoạt động sau 32 năm(?). Tuy nhiên, trong buổi Hội thảo khoa học kỷ niệm 140
năm ngày thành lập Gia Định Báo - tờ báo Việt ngữ đầu tiên của Việt Nam nhà
nghiên cứu Lê Nguyễn lại cho rằng Gia Định báo tồn tại đến ngày 31.12.1909 (tức
là 44 năm), chỉ chính thức đình bản vào 01.01.1910 (?)[1].
Sau Gia Định báo, nhà
cầm quyền Pháp cũng cho phép phát hành một số báo tư nhân khác ở Nam Kỳ thuộc địa
như Phan Yên báo (1898-1899) do Diệp văn Cương biên tập; Nhựt trình Nam kỳ (1883)
(Le Journal de Cochinchine),Sàigòn, tuần báo ra ngày thứ bảy (bằng tiếng Pháp
và tiếng Việt); Thông loại Khoá trình(1888-1889),Miscellanées ou lectures
instructives pour les élèves des écoles primaires, commulales et cantonales par
P.J.B. Trương vĩnh Ký; Đại nam Đồng văn Nhật báo (1892); Nông Cổ Mín Đàm(1901-1924),Causeries
sur l’agriculture et le commerce, xuất bản tại Sàigòn, chủ nhiệm là Canavaggio,
chủ bút là Lương khắc Ninh tự Dũ-Thúc; Đại nam Đồng văn Nhật báo, Đông cổ Tùng
báo (1893); Đại việt Tân báo(1905), Nhật báo Tỉnh (1905) Le
Moniteur des Provinces- Sàigòn, viết bằng tiếngViệt; Lục tỉnh Tân văn (1907-1943)…
Như thế người Pháp đã nghĩ đến sự
quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền và thực hiện những ý đố chính trị
ngay từ lúc họ còn “chân ướt chân ráo” đến Nam kỳ (điều này đã thấy rõ qua 3 tờ
báo đầu tiên). Tuy nhiên, người Pháp đã không thấy với những nội dung mới mẻ của
báo chí cũng đã góp phần đưa những tri thức, tư tưởng mới vào xã hội Việt Nam
thời bấy giờ, đồng thời tạo ra một lực lượng trí thức mới ở nước ta. Do đó, phải
nói không ngoa rằng người dân Nam kỳ, người dân Việt Nam lúc nào cũng cầu tiến,
ham học hỏi, không bao giờ từ chối các thông tin của báo chí, những ưu việt của
nền văn minh Phương Tây vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Nhưng, thực tế Gia Định báo lúc đó
quá đắt so với sự thu nhập của người dân.
Giá tiền của Gia định báo
Trong khảo luận “Tìm hiểu Gia định
báo” của Nguyễn Hải Lộc đã ghi:
Từ số 5/1865 đến số đề ngày 2/6/1900
tất cả 7 lần thay đổi giá tiền.
-Số 5, năm thứ nhất, ngày 15/8/1965
dưới manchette có ghi: “tờ báo này mỗi tháng Tây cứ ngày rằm in ra một lần, ai
muốn mua cả năm phải trả 6 góc tư”
-Giá biểu thứ hai ghi rõ giá mua báo
dài hạn bằng đồng quan Pháp: trót năm thì giá 20 france, mua 6 tháng thì 10
france, mua 3 tháng thì 5 france (số thứ 1, năm thứ 18 ngày 11/1/1882) Giá biểu
này từ số 13 năm thứ 16 ngày 15/6/1880 đã được áp dụng.
-Đến số 21 năm thứ 18 ngày 21/6/1882
, giá báo được tính bằng đồng bạc Việt Nam: mua trót năm thì giá 4 đồng bạc,
mua 6 tháng thì giá 2 đồng bạc, mua 3 tháng thì giá 1 đồng bạc.
-Năm 1891 giá mua trọn năm lên 5 đồng,
6 tháng thì 2 đồng rưởi, 3 tháng thì 1 đồng 1 quan 2 tiền rưởi (số 1 năm thứ 27
ngày 6/2/1891).
-Từ số 33 năm thứ 33 ngày 17/8/1897
giá bán 1 năm là 6 đồng 67, 6 tháng là 4 đồng, 3 tháng là 2 đồng và mỗi số báo
là 0,17 đ.
- Đến số 39 năm thứ 33 ngày
17/8/1897, Gia định báo có giá 1 năm 6, 67 đồng, 6 tháng 3,33 đồng, 3 tháng
1,67 đ, mỗi số 0,17 đ.
- Số báo đề ngày 2/6/1900 là 8 đồng một
năm [2].
Một đặc điểm khác là giá tiền của mỗi
số Gia định báo vẫn giữ nguyên, không lên xuống theo số trang. Thí dụ với số tiền
0,17 đồng, người đọc có thể mua một số báo 4 trang, nhưng lần khác với số tiền này đọc giả mua được số báo 16
trang.
Sau đây là đoạn trích trong số 1 năm
thứ 27 ngày 6/1/1891 cho biết giá biểu và nơi mua bán: GIÁ MUA NHỰT TRÌNH, Ai
muốn mua thì tới dinh Quan Hiệp Lý Nam kỳ, phòng thông ngôn cho người ta biên
tên, mua trót năm thì giá 5 đồng bạc, mua 6 tháng thì 2 đồng rưởi, mà mua 3
tháng thì 1 đồng 1 quan 3 tiền rưởi.[3]
Như thế giá bán một tờ Gia định báo
so với giá thời bấy giờ là quá cao. Theo
quảng cáo trên Gia định báo số
ra ngày 12 janvier 1881:“Có một
khoảnh đất
thổ cư
tại Saigon ở tại
đường Espagne góc đường Mac Mahon, giá bán mỗi thước tây là một
quan năm. Như
ai muốn mua thì cứ hỏi
ông thông phán Bollon ở
Saigon mà mua” (Espagne - Mac Mahon là ngã tư
Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi
Nghĩa ngày nay). Như thế mua bốn tờ báo bằng mua một mét vuông đất ở vùng “đất
bạch kim” trong hiện tại.
Độc giả thời Gia định báo
Mặc dù không đưa ra được tài liệu cụ
thể, ta có thể phỏng đoán rằng đa số độc giả của Gia định báo và các báo tiếng
Việt cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là tầng lớp trí thức có cộng tác với Pháp hoặc
không cộng tác với Pháp nhưng được đào tạo theo nền giáo dục phương Tây.Tầng lớp
trí thức Tây học này càng ngày càng nhiều, càng lớn mạnh, tăng theo số trường,
số lớp hàng năm mà người Pháp quyết tâm thiết lập nền giáo dục thuộc địa.
Sự thất bại của các cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ nói riêng và
Việt Nam nói chung đã làm thức tỉnh các giới sĩ phu Hán học, xuất hiện một xu
hướng cải cách. Việc tiếp nhận cái mới của những sĩ phu có tinh thần cải cách,
họ muốn tiếp xúc trực tiếp với văn hóa và văn minh kỹ thuật hiện đại của phương
Tây, họ không bảo thủ để từ bỏ việc học chữ quốc ngữ, đó cũng là một trong những
độc giả của Gia định báo. Đọc báo để biết thời sự, tin tức mà đối phó với những
bức nhiểu của các quan tham trong làng xã.
Một số người thuộc giai cấp tư sản
cũng là những độc giả của báo chí thời bấy giờ. Trong những trang quảng cáo,lời
rao của Gia Định báo có những bài đề nghị đăng quảng cáo, lời rao cho các nhà
buôn, nơi sản xuất của những người Việt Nam. Ví dụ như: Trạng-sư
TRẦN-NGUYÊN-HANH cho nhơn dân hay, tôi đã khai toà làm thầy-kiện
ở tại
NHÀ KHÁNH HỔ
(công -xi a-phiến
củ) sẵn
lòng mà lo tất
tính những việc
ai nấy xin giúp, hoặc kiện
cáo, hoặc chỉ
phép, hoặc làm đơn tuỳ theo mỗi việc.Có
ở nhà từ chiều
đứng bóng cho tới giờ
thứ sáu”(trích Gia Định Báo số 31 đến
37/1882)
Hoặc lời rao: Chợ Lớn,
ngày mồng 6 septembere 1882. Lời xin ai nấy đặng
hay, thằng con tôi là kỳ Phải, học
hành thì ít, hoang dâm cờ
bạc thì nhiều, như
có vay muợn
bạc tiền
của ai, thì đòi lấy nó, chớ vợ
chồng tôi không biết tới,
xin ai nấy thương vợ
chồng tôi già cả, thì đừng cho nó vay mượn sự
gì hết, thì tôi lấy làm cám-ơn. HÀ-MINH-CHÂU ký (tríchGia Định Báo số 32/1882)
Dù
không phải là một lực lượng lớn thời bấy giờ, nhưng giới kỹ nghệ gia, thầu
khoán, kỹ sư và đại điền chủ vẫn là một giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản phát
triển đặc biệt ở Nam kỳ có mức sống khá cao so với mức sống công nhân và nông
dân, nên mới có thể đăng quảng cáo trên báo và do đó có thể là số độc giả trung
thành hàng năm của báo.
Tầng lớp trí thức tập trung ở thành
thị, gồm sinh viên, giáo sư, luật sư, y sĩ, đã chịu ảnh hưởng tư tưởng tiến bộ
của nước Pháp. Họ chiếm đa số độc giả thuở ấy và mãi đến ngày nay.
Ngoài ra, Gia định báo cũng là nơi
đào tạo các ký giả đầu tiên của báo chí Việt Nam. Hầu hết những người viết, đưa
tin cho Gia định báo (hay những độc giả trung thành với nó), là
những người có tên trên báo dưới danh nghĩa "người viết
báo". Trong nhiều số báo ở mục lời rao có hướng dẫn cụ thể về việc các cộng
tác viên muốn viết gửi tin bài cho báo phải viết phần nội dung ghi rõ ngày
tháng, nơi xảy ra sự kiện, tường trình đầu cuối như thế nào và ý kiến…Điều này
chứng tỏ Gia định báo không chỉ có các độc giả đọc tin tức mà còn có các độc giả
muốn làm báo nữa.
Trong bức thư của thống đốc G.Roze gửi
cho Bộ trưởng bộ thuộc địa Pháp, đề ngày 29/5/1865 có đoạn viết: “những viên
thanh tra đặc trách về những công việc của người dân bản xứ đã cho tôi biết rằng
tờ Gia định báo đã được dân chúng ủng hộ một cách nhiệt liệt và ở nhiều địa
phương những em bé biết đọc chữ quốc ngữ đã đọc báo cho cha mẹ chúng nghe…” [4]
Dù báo được phân phối bằng cách gửi
trực tiếp từ trung ương đến địa phương và chỉ giới hạn trong guồng máy chính
quyền và một số tầng lớp nhà giàu và trí thức, nhưng có lẽ độc giả biết chữ quốc
ngữ cũng tìm đến các cơ quan công quyền để đọc ké cho biết. Ngoài phần chính là mục công vụ, tạp
vụ, Gia Định báo còn có các mục thứ
vụ, quảng
cáo. Nội dung các mục này là những lời
cáo dưới dạng
thông báo, nhắn
tin, bố cáo, cáo phó ... và những lời
rao vặt như
trên các báo Pháp thời
đó. Phần công vụ là phần chuyên về chính trị, pháp lý và công quyền. Phần
này có nhiệm
vụ đăng tải các sắc lệnh,
nghị định,
thông tư, đạo
lệnh, chỉ dụ....
của chính quyền Pháp và triều đình Nguyễn; những
tin về cấp
bằng, thuyên chuyển công tác, thăng chức, hạ
chức, bãi chức, biên bản các cuộc họp
của Hội
đồng Quản
hạt, hoạt
động quân sự. Phần
tạp vụ
đề cập
nhiều đến
kinh tế, tôn giáo, văn hoá, xã hội... Về sau phần tạp vụ mở rộng
thêm, và nhanh chóng trở
thành phần có giá trị
và sức cuốn
hút nhất của Gia Định
báo. Đây là phần
khảo cứu,
nghị luận
về văn hóa, đạo đức,
phong tục, lễ
nghi, thơ văn, tư tưởng, lịch
sử .v.v... Truyền bá khoa học thực
nghiệm - từ
y tế, vệ
sinh, kỹ thuật
đến vật
lý, hóa học,
tự nhiên học; từ
tư tưởng, triết
học, đạo
đức, lịch
sử đến
tôn giáo, thần
học, chiêm tinh; những sáng tác, sưu tầm,
khảo cứu,
dịch thuật từ
tiếng Hán, Pháp, Anh; những chuyên luận, bình giảng thơ
văn cổ, tìm hiểu chữ
Nôm, truyền
thuyết, tục
ngữ, ca dao, cổ tích, ngụ ngôn...
Nếu
nội dung như thế
thì đọc giả
của Gia Định báo phải nhằm
vào đa số độc
giả quần
chúng chớ không phải chỉ
là tầng lớp
quan lại, trí thức theo Pháp (vì giới này chỉ cần đọc
báo Pháp là có các thông tin đó)
Gia Định báo được xem như là một sự
cần thiết để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của độc giả, nên được dân chúng đón nhận
một cách đặc biệt là chuyện tự nhiên. Hơn nữa tờ báo càng gần gủi với dân chúng
hơn là nhờ ở chữ quốc ngữ, là một loại chữ dễ học, vì viết theo âm vận của tiếng
nói, vã lại người Pháp mở trường dạy ở tận làng xã và cưởng bách việc học, nên
mọi người đều có cơ hội hiểu biết thứ chữ mới này.
Riêng về giá trị của Gia Định báo,
Vũ Ngọc Phan đã viết: "Gia Định Báo đã mở đường cho báo chí ở trong miền
Nam nói riêng và trên toàn quốc nói chung. Vì so với miền Bắc thì miền Nam được
biết báo chí bằng quốc ngữ sớm hơn 40 năm. Ở miền Bắc, năm 1892 chỉ mới có tờ Đại
nam Đồng văn Nhật báo viết bằng chữ Hán và phải chờ đến năm 1905 mới có tờ báo
đầu tiên bằng quốc ngữ bên cạnh những bài bằng chữ Hán là tờ Đại việt Tân báo"[5].
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đánh
giá cao Gia Định Báo vì nó "giúp ta hiểu được khúc quanh lịch sử của đất nước
ta: từ phong kiến Á Đông chuyển sang thuộc địa nửa phong kiến, bắt đầu sử dụng
quốc ngữ Latinh đồng thời học tập theo khoa học thực nghiệm tây phương"[6].
Trong khi Pháp ngữ là ngôn ngữ chính
thức của chính quyền lúc bấy giờ, thì quốc ngữ lại phát triển và trở thành ngôn
ngữ của xã hội, của người dân. Nhờ các sách dịch và các báo quốc ngữ, quốc ngữ
trở thành ngôn ngữ chính trong xã hội và được đại đa số nhân dân sử dụng. Các
trí thức yêu nước cũng tích cực phổ biến quốc ngữ như một phương tiện vận động
canh tân đất nước, mở mang dân trí và chống lại sự đô hộ của người Pháp.
Quốc ngữ trở thành khí cụ tinh thần
của người dân bị trị, nền văn hóa dân gian trước kia chỉ truyền khẩu ngày nay
người dân đã có chữ viết. Vào những thập niên cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20,
tại ba miền Việt Nam, người trí thức và bình dân đã có chung một chữ viết, thêm
vào đó đã có một thế hệ trẻ sinh ra vào ở các thành thị mới phát triển theo nền
văn minh Tây phương. Gia định báo, ngoài việc tạo nên một luồng văn học quốc ngữ
mới, là gạch nối của các tầng lớp nhân dân, cũng đã có công lớn là tạo nên những
độc giả biết yêu báo chí, biết tầm quan trọng của thông tin. Từ một ít trí thức
lúc ban đầu, phát triển trong khắp hang cùng ngõ hẻm, người người đều đọc báo,
coi đọc báo là một nếp văn minh, một ngày không biết tin tức thời sự là trở nên
lạc hậu, lỗi thời trong xã hội. Điều này đã tạo nguồn lực và điều kiện xuất hiện
các cuộc vận động văn hóa chính trị mới vừa chống Pháp giành độc lập, thích hợp
hơn và hữu hiệu hơn, vừa mở đường cho việc tìm tòi một hướng đi mới cho dân tộc
trong thời đại mới.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn
Hải Lộc (1972), Tìm hiểu Gia định báo, tiểu luận ban cử nhân Báo chí, viện đại
học Vạn Hạnh, S.
2.Kiến
thức ngày nay số 117 ngày 20/06/1995
3.Vũ
Ngọc Phan (1942), Nhà văn hiện đại, Nxb Tân Dân, Hà Nội (tái bản năm 1994, Nxb
Văn học, Hà Nội)
4.Tài
liệu Hội thảo khoa học kỷ niệm 140 năm ngày thành lập Gia Định Báo - tờ báo Việt
ngữ đầu tiên của Việt Nam, ĐH KHXh &NV TP.HCM, ngày 23/12/2005
5.Trần
Thuận (2014),Thái độ sĩ phu Việt Nam thời tiếp xúc Đông Tây (từ thế kỷ XVII đến
đầu thế kỷ XX), nxb Tổng hợp, TPHCM.
6.Huỳnh
văn Tòng (1970), Lịch sử báo chí Việt Nam, đại học Vạn Hạnh.
[1] Đề cập đến năm đình
bản của Gia Định Báo, Lê Nguyễn cho rằng: “Trên thực tế, vào ngày 21/09/1909,
Thống đốc nam Kỳ Gourbeil mới ban hành nghị định ấn định là tờ Gia Định Báo
đình bản hẳn kể từ ngày 01/01/1910 ( Tập san hành chánh Nam Kỳ năm 1909-trang
3464)”. (Kiến thức ngày nay số 117 ngày 20/06/1995). Số báo sau cùng nhất do
Huỳnh Văn Tòng lưu giữ, trên manchette báo in: “Năm thứ 43 - Số 40,41,42. Ngày
thứ hai 11,18 và 25 Octobre 1909”. Căn cứ trên tờ báo này thì có thể thấy Gia
Định Báo tồn tại 43 năm. Tuy nhiên, đây có phải là tờ báo cuối cùng không thì
vẫn còn là một nghi vấn. Vấn đề khác được đặt ra là : tờ báo phát hành năm
1909, nếu đúng theo cách đánh thông thường phải là năm thứ 45, nhưng ở đây lại
in năm thứ 43.
[3] Nguyễn
Hải Lộc (1972), Tìm hiểu Gia định báo, tiểu luận ban cử nhân Báo chí, viện đại
học Vạn Hạnh, S.
[4]Huỳnh văn Tòng (1970), sđd
[5]
Vũ Ngọc Phan (1942), Nhà văn hiện đại,
Nxb Tân Dân, Hà Nội (tái bản năm 1994, Nxb Văn học, Hà Nội)
[6]Tài liệu Hội thảo khoa học kỷ niệm
140 năm ngày thành lập Gia Định Báo - tờ báo Việt ngữ đầu tiên của Việt Nam, ĐH
KHXh &NV TP.HCM, ngày 23/12/2005.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét