Nguyễn Hồng Cúc
Theo Wikipedia
Encyclopedia (Bách khoa từ điển Wikipedia ), huyền thoại được dịch từ chữ myth bắt nguồn từ “mythos” trong tiếng Hy
Lạp có nghĩa là một “câu chuyện”, một “ tác phẩm tự sự”. “Đó là những câu
chuyện mà một nền văn hoá nhất định tin là thực, những câu chuyện này sử dụng tâm
thức siêu nhiên để giải thích những hiện tượng tự nhiên, bản chất của vũ trụ và con người”.
Lịch sử Việt Nam có rất nhiều huyền thoại, từ huyền thoại Con
Rồng Cháu Tiên của thời tiền sử, lập quốc đến những huyền thoại thần thánh địa
linh nhân kiệt vẫn còn tồn tại đến
tận ngày nay.Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam ý niệm về sự linh
thiêng, huyền bí thường được đặt vào nơi núi rừng hiểm trở. Núi Yên Tử ở cực bắc
và Núi Cấm một trong những ngọn núi của Thất Sơn) của cực nam đã trở thành những
biểu tượng văn hóa tâm linh trong đời sống của người Việt.
Từ huyền thoại về Yên Tử
Một
trong những bộ sử đầu tiên ở nước ta còn lại đến ngày naylà An Nam chí lược của
Lê Tắc đã ghi chép khá rõ về Yên Tử: “Núi
Yên Tử gọi là Yên Sơn hoặc Tượng Sơn, bề cao lên quá tầng mây.Đầu niên hiệu
Hoàng Hựu, nhà Tống (1049-1053), triều đình lại ban tên Tử Y Đông Uyên. Đại sư
là Lý Tự Thông có dâng lên vua hải nhạc danh sơn đồ và vịnh thơ tán: Phúc Địa
thứ tư tại Giao Châu là Yên Tử sơn.
Tân kỳ chóp núi nêu vài nụ,
Yểu điệu hình khe trổ một ngành.
Tiên cỡi loan qua ngồi cảnh Tịnh,
Người xem rồng xuống giỡn đầm xanh”.
Như
vậy, đã có một sự xác định về mặt tâm linh nào đó tồn tại dưới thời Lý, thời Trần
về bốn ngọn núi ở Bắc Bộ mà Yên Tử là phúc địa thứ tư trong bốn vùng đất được
coi là “phúc địa của Giao Châu”.Yên Tử là ngọn núi thiêng, chốn tu hành tuyệt đỉnh
của những người mộ đạo
Sừng
sửng giữa những cánh rừng trùng điệp của khu Đông Bắc mênh mông, Yên Tử cao
1.068 mét, vút lên chon von như một vọng gác. Tên xa xưa của Yên Tử là núi Voi,
bởi dáng núi giống hình con voi quay đầu về phía biển. Yên Tử còn có tên là Bạch
Vân Sơn(núi mây trắng) bởi quanh năm đỉnh núi chìm trong mây trắng.
Truyền
thuyết cho rằng có một người nước Tề là An Kỳ Sinh đến yên Tử vừa tu đạo, vừa
luyện thuốc trường sinh, lập chùa Ông Yên còn gọi là Yên tự về sau gọi chệch
thành Yên Tử như ngày nay. Từ đó, những am nhỏ, chùa lớn được xây dựng nơi đây,
nổi tiếng như chùa Phù Vân. Theo sách Thiền Uyển tập anh, Thông Thiền cư sĩ, đệ
tử của Ngài Thường Chiếu thuộc thế hệ thứ
XIII của dòng Thiền Vô Ngôn Thông đã tu ở chùa này vào cuối đời Lý.
Hệ
thống chùa, am, tháp ở Yên Tử tập trung trên sườn phía Nam của ngọn núi, phía
Tây giáp với suối Vàng và phía Đông giáp với thác Tử. Suối Vàng , thác Tử đều
xuất phát từ độ cao 700mét, cạnh chùa Vân Tiêu, chảy quang co xuống chân núi, rồi
hợp dòng với nhau dưới gốc cây sung cổ thụ và đổ vào suối Giải Oan. Trong hành
trình lên núi Yên Tử, người ta sẽ đi qua hệ thống kiến trúc phân bố theo quan
niệm đạo Phật như sao:
Giải
Oan – Vân yên – Vân tiêu – Bia Phật
Trần gian – Lưng Trời – Cung Trời –
Ngoài trời
Mỗi
thắng cành đều có kèm những huyền thoại những truyền tích nhuộm màu huyền bí.
Đó là huyền thoại về hang Tiền, hang Gạo, là dấu chân Phật, bàn cờ tiên, phía
xa kia là câu chuyện cảm động về Vũng Chị, Vũng Em, núi Hàm Rồng, Giếng Cần…
Theo nhiều tài liệu, chùa Am Vãi được xây dựng từ thời Lý nằm trong hệ thống
các chùa tháp theo sườn tây Yên Tử. Tương truyền vào thời Trần có sư nữ (Công
chúa nhà Trần) tu hành ở đó. Bởi vậy, chùa mới có tên là Am Vãi (Vãi có nghĩa
là nữ tu hành). Ở đây có Hang Tiền và Hang Gạo. Truyền thuyết kể: Mỗi ngày hai
hang chỉ chảy ra một lượng tiền và gạo đủ cho vị sư này dùng mà không chảy hơn.
Đến một ngày vị sư nọ có khách, liền khơi cho hang tiền và gạo chảy ra đủ hai
người dùng. Từ đó tiền và gạo ở hai hang này không bao giờ chảy ra nữa… Ngoài
ra, gần khu vực chùa còn có hai giếng nước quanh năm không cạn, hai bên có hai
cụm đá lớn in dấu bàn chân Phật gắn cùng những câu chuyện tâm linh.
Không
phải vô cớ khi chính các vua đầu đời Trần lại chọn Yên Tử làm nơi tu tập của
mình, bởi vì các vị đó không thể không biết đó là phúc địa(đất phúc). Trong
sách Văn thơ Ngô Thời Nhiệm có ghi: “Người ta thấy Điều Ngự đệ Nhất tổ đến Chùa
Hoa Yêm thì bảo là Ngài xuất gia, ta (tức Ngô Thời Nhiệm) biết rằng đức Ngài
lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công,
trong nước vô sự, nhưng ở phía bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an
tâm. Các ý ấy không nên nói rõ, sợ người dao động. Cho nên nhằm được ngọn núi
Yên Tử, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh Cao Bằng, Lạng
Sơn, dựng lên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa mối
lo nước ngoài xâm phạm, thật là một vị Vô lượng đại thế chí Bồ tát”
Thật thế, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có đường
biên giới cả trên bộ và trên biển với Trung Hoa. Sách “Đại Nam nhất thống chí”
(quyển XVIII, trang 13) đã xác định vị trí địa chính trị của tỉnh Quảng Ninh
như sau : “Đất nhân thế núi mà làm thành, dựa chỗ cao mà giữ hiểm, có núi để dựa,
có biển vòng quanh, địa thế xa lánh mà xung yếu, trong thì giữ vững cương vực,
ngoài thì khống chế đất Thanh”.Vị
trí địa chính trị quan trọng của Quảng Ninh có tính chiến lược được xác lập qua
hàng ngàn năm tồn tại và phát triển đất nước, một pháo đài then chốt ở vùng
đông bắc, với địa hình núi non hiểm trở, biển đảo quanh co như một lá chắn sừng
sửng, thuận lợi khi phòng thủ cũng như lúc tấn công. Và Yên Tử một ngọn núi cao
của Quảng Ninh với đầy huyền thoại mà tổ thứ nhất của phái Trúc lâm, Điều Ngự
Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã từng có 19 năm tu rất khắc nghiệt. Di tích chùa Cầm
là để tưởng nhớ tới việc ngài chỉ uống nước cầm hơi, không ăn uống gì vừa để chứng
tỏ nơi này vừa là địa linh để tu đắc đạo vừa để giữ nước.
Nước Đại Việt mở rộng về phương Nam, cuối biên giới Việt
Nam lại sừng sửng bảy ngọn núi hùng vĩ, một Thất sơn huyền bí với hàng trăm câu
chuyện thần bí trong đó Núi Cấm tồn tại nhiều huyền thoại linh thiêng.
Đến
huyền thoại về Núi Cấm
Giữa
đồng bằng Nam Bộ, Núi Cấm ở Tịnh Biên (An Giang) là ngọn núi cao nhứt, cao 716
mét, chu vi gần 30 ngàn mét. Núi còn được dân gian gọi là núi Ông Cấm, Thiên Cẩm
Sơn (đẹp như gấm trời), Bạch Hổ Sơn (hổ bị mây phủ trắng). Tên chữ Khmer là
Pnom Ta peil hay Pnom Popiel (núi có màu sắc sặc sỡ)
Sách “Đại Nam nhất thống
chí” được biên soạn vào cuối thế kỷ 19 miêu tả về núi Cấm: ...Thế núi cao ngất,
cây cối tươi tốt, là một trong Bảy Núi. Vì núi cao nên ít người lên đến chót. Cấm
Sơn hay Núi Cấm là tên gọi chính thức bằng văn tự đầu tiên xuất hiện trong sách
này.
Núi Cấm có nhiều vồ (hoặc
non). Theo Nguyễn Văn Hầu năm
non trên núi Cấm bao gồm:
“ - Vồ Bồ Hong: cao 705 m, cao nhất. Tương
truyền, vì khi xưa có nhiều côn trùng gọi là bồ hong đến đây sinh sống nên có
tên này. Ở trên vồ, có tượng thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, được nhiều người đến tham quan và lễ bái.
-
Vồ Đầu: đỉnh cao đầu tiên của Núi Cấm tính từ phía Bắc, cao 584
m.
-
Vồ Bà: cao 579 m, có điện thờ Bà Chúa Xứ.
-
Vồ Ông Bướm: (hay Ông Voi) cao 480 m tương truyền xưa kia có hai
người Khmer lưu lạc tên ông Bướm và ông Vôi đến
cư trú, nên mới có tên như thế.
-
Vồ Thiên Tuế: cao 541 m, nơi đây trước kia là rừng cây thiên
tuế.
Thực tế, núi Cấm còn
có nhiều vồ hơn nữa, như Vồ Chư Thần, Vồ Cây Quế, Vồ Mồ Côi, Vồ Đá
Dựng, Vồ Pháo Binh, Vồ Bạch Tượng v.v... Nhưng người ta thường chỉ
nói năm non, bảy núi. Những con số bất dịch này, chắc do sự tác
động của những quan niệm thần bí, siêu nhiên trong dân gian...”
Dọc
theo những lối mòn từ chân núi lên tới đỉnh có nhiều nơi dừng chân tuyệt đẹp:
suối Thanh Long, suối Tiên, điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh
Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, động Thủy Liêm. Những địa
điểm này đều có những huyền thoại ly kỳ được truyền tụng từ xưa đến nay.
Những
giai thoại truyền thuyết từ núi Cấm qua thời gian, dân gian đã xem núi Cấm là
nơi hội tụ những gì linh thiêng huyền bí mà người đời truyền tụng mà đỉnh điểm
cho rằng núi Cấm là địa linh, là nơi phát xuất, khai hội Long Hoa lập đời mới.
Những câu chuyện huyền bí trong núi như: các ông Đạo quy ẩn tu thành Tiên, bác
vật Lưu văn Lang, một người tinh thông địa lý ở Nam kỳ bị cấm khẩu khi khám phá
hang động, câu chuyện về thần Bạch Hổ hiển linh, câu chuyện về nhà sư trị rắn cắn
bằng ngải, những lời nguyền về núi Cấm …Câu chuyện về Đức phật thầy Tây An đã cấm
các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương lên núi cất nhà hoặc chùa am vì sợ có người ăn ở tất
sẽ gây ô uế núi non, một nơi địa linh mà Phật Thầy nhận thấy cần gìn giữ cho
trong sạch.
Núi
Cấm trở thành trung tâm của sự linh thiêng, huyền bi từ tâm thức người dân Nam
bộ mà Thất sơn, trong đó có Núi Cấm đã hình thành nên đạo Bữu Sơn Kỳ Hương và
các tôn giáo nội sinh sau này như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa hảo.
Núi Cấm rộng lớn và có nhiều điều kỳ thú mà hiện
nay là một trong những điểm du lịch nổi tiếng . Đây là điểm hành hương đặc sắc ở huyện Tịnh Biên, vào tháng
giêng rất đông khách đến viếng. Khu “cao nguyên núi Cấm” là khu “lòng chảo”
bằng phẳng, nằm ở độ cao khoảng 600 mét ở trung tâm núi; hồ Thủy Liêm, một cái
hồ bất chợt hiện ra giữa khung cảnh núi rừng đại ngàn, là hồ nước nhân tạo rộng
lớn, vừa cung cấp nước cho người dân trên núi, vừa tạo cảnh quan phục vụ du
lịch..… tất cả dường như làm tôn lên vẻ đẹp huyền ảo của ngọn núi này.
Tượng Phật Di Lặc cao 33,6 mét vững
chãi trên diện tích hơn 2 ha đã được công nhận là tượng Phật trên núi lớn nhứt
Châu Á vào năm 2013. Là một công trình nghệ thuật tôn giáo độc đáo và đồ sộ, tượng
khắc họa tinh tế gương mặt an nhiên và nụ cười từ bi của Phật, sống động và hài
hòa. Bên trái tượng Phật Di Lặc là chùa Phật Lớn được ông Bảy Do - một nhân sĩ
yêu nước lập vào đầu thế kỷ XIX với tên gọi là Nam Cực Đường, vừa là nơi tu
hành, vừa là trụ sở bí mật của Hội Kín chống Pháp. Trong Chùa có bức tượng tạc
dáng Phật ngồi kiết già rất đẹp và phúc hậu, cao 1,8 mét. Trong thời gian trước
tượng này lớn hơn tượng ở các chùa xung quanh nên người dân gọi là chùa Phật
Lớn.
Đối diện chùa Phật Lớn là chùa Vạn
Linh, nằm bên phải tượng Phật Di Lặc. Gần chùa Vạn Linh có một con đường lên vồ
Bồ Hong (đỉnh núi). Mặc dù đường khá dốc, nhưng nơi đây luôn điểm mà du khách
thường không bỏ qua khi đến núi Cấm. Trên đỉnh có điện thờ Cửu Huyền, điện thờ
Phật Mẫu và điện thờ Ngọc Hoàng lúc nào cũng khói hương nghi ngút.
Khí
hậu trên núi Cấm chịu ảnh hưởng nhiệt đới gió mùa, vào mùa xuân, cây cối xanh
tươi sản vật dồi dào, khí hậu mát mẻ trong lành.Từ trên các đỉnh cao có thể phóng
tầm mắt nhìn toàn cảnh đồng lúa mênh mông đến tận vùng biển Hà Tiên và biên giới
tây nam.
Với
đường biên giới giáp Campuchia dài gần 100 km, mà Tịnh Biên là miền biên giới tây
nam của đất nước cũng là vùng đất mới trong tiến trình mở cõi về phương Nam của
cha ông ta. Tại núi Cấm, tín ngưỡng và văn hóa dân gian phát triển đa dạng, các
tông phái Phật giáo và tôn giáo địa phương ra đời, nhiều truyền thuyết huyền
thoại nặng yếu tố tâm linh huyền bí, đặc biệt lồng ghép với các phong trào và
các cuộc khởi nghĩa yêu nước chống xâm lược. Những cuộc kháng chiến chống Pháp do Quản cơ
Trần Văn Thành kiên cường trên vùng tây nam của tổ quốc, cuộc khởi nghĩa của
Ngô Lợi, trong kháng chiến chống Mỹ núi Cấm là nơi trú quân của lực lượng Giải
phóng là bàn đạp bảo vệ Bảy Núi và nối thông tuyến biên giới Campuchia.
Nhà thơ Kiên giang Hà Huy Hà trong bài
“Lúa sạ miền Nam” đã viết:
Bằng tay thép với đôi chân tượng đá
Những người xưa khai phá địa đàng xanh
Sừng sững Thất Sơn một dãy trường thành
Chim mõi cánh vẫn bay vào bóng mát
Ghi công đức Thoại Ngọc Hầu thuở trước
Người xưa bảo: đây là vùng đất Phước
Đất oai hùng toàn nhân kiệt, địa linh …
Đặc tính chung của huyền
thoại Yên Tử và huyền thoại Núi Cấm
Trong
nhiều thế kỷ qua, không ai có thể phủ nhận những nhân tố tích cực mà tín ngưỡng,
tôn giáo đã mang lại cho đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc. Đóng góp của
tín ngưỡng tôn giáo đối với đời sống xã hội thể hiện trong nhiều lĩnh vực. Những
giá trị đạo đức tôn giáo không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cho từng cá
nhân, tín đồ mà quan trọng hơn là góp phần ổn định xã hội.
Thế
kỷ thứ XIII, dân tộc ta đã đứng trước những thử thách vô cùng to lớn, tưởng chừng
như không thể vượt qua được. Song, bằng tài năng đức độ của mình, các vua Trần
đã động viên sự đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp của
toàn dân tộc để đánh bại kẻ thù, đem lại sự bình yên cho dân tộc. Tư tưởng yêu
nước thân dân đã trở thành nền tảng cho sự ổn định xã hội, xây dựng vương triều
và phát huy nội lực để ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên-Mông. Sự kết hợp giữa
tư tưởng Phật giáo và tư tưởng nho giáo trong chính sách nội trị đã tạo nên sự
đoàn kết dân tộc, vừa thực hiện mục đích giải thoát về mặt tâm linh, tăng cường
sức mạnh cho dân Việt thời bấy giờ.
Đầu
thế kỷ XIX, cuộc Nam tiến của người Việt dừng lại nơi Tịnh Biên. Bên cạnh hình
thức khai hoang do chính quyền tổ chức hay do người dân tự tiến hành thì những
cuộc khẩn hoang do tín đồ tôn giáo Bửu sơn Kỳ hương là đáng chú ý hơn cả, nó
góp phần tích cực tạo nên những yếu tố riêng biệt, đa dạng thêm cho vùng đất được
gọi là địa linh này.
Cả
hai vùng đất được gọi là linh thiêng đều xuất hiện hai vị Phật Việt Nam tạo nên
hai môn phái Phật giáo là Phật giáo Thiền tông Trúc lâm Yên Tử mà vị giáo chủ
là đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, và tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, với Đức Giáo
chủ là Phật Thầy Đoàn Minh Huyên. Huyền thoại về sự đắc đạo của hai vị này tại
núi Yên Tử và Thất Sơn đã biến hai ngọn núi của hai tuyến đầu bắc, nam Việt Nam
thành nơi Thánh Địa.
Sự
phát triển của Phật giáo thời Trần đã tạo nên sắc thái riêng của nền văn hóa thời
kỳ này: một đội ngũ thiền sư xuất thế để nhập thế. Cũng như thế từ vùng đất Thất
Sơn huyền bí, vùng đất mà Lê văn Siêu đã viết:
“Trên
mảnh đất
gần như
tiền định
này trong việc
nhào nặn và tổng hợp
mọi trào lưu tư
tưởng và mọi đạo
giáo, đã có sự
pha trộn dòng máu của người Hồ
Tôn, người Chăm, người Phù Nam, người Thủy
Chân Lạp, người Khmer, người Chà Và, người Tàu, người Việt
(ở các vùng biển và đồng bằng),
người Ấn
Độ…Khoảng
1849 lại có Phật Thầy
Tây An xuất
thế sáng lập ra dòng tu Bửu
Sơn Kỳ Hương với
cái mộng khai hội Long Hoa báo hiệu một
thời Thượng Ngươn cho loài người.
“Cũng
truyền thống
thần bí ấy
đã xuất hiện
những giáo phái khác nữa, lúc bình thường thì tu hành, lúc gặp biến
thì chuyển thành lực lượng chính trị
võ trang.
“Cái
biết thần
bí, nhất là ở
miền Nam như vậy
quả đã là một nhận
thức quan đặc biệt
của dân tộc…”
An Giang là một tỉnh cực nam của Việt Nam có đường biên giới
chung với Campuchia. Quảng Ninh cũng là một tuyến đầu của vùng cực bắc giáp với
Trung Hoa. Núi Yên Tử và Núi Cấm là hai ngọn núi cao nhất tại hai tỉnh thành
này. Vị trí địa lý của hai ngọn núi có thể là những chốt chặn để bảo vệ biên giới.
Điều đặc biệt là các nhà lãnh đạo từ xưa đến nay kể cả tầng
lớp nhân dân đều dùng tín ngưỡng, tôn giáo để bảo vệ các nơi hiểm trở đó. Phật
giáo thiền tông thời Trần ở Yên Tử có thái độ xuất xử của những người tu học
(điển hình là vua Trần Nhân Tông) là thời bình thì an nhàn, tu tịnh, khi có họa
xâm lăng sẳn sàng bỏ áo cà sa để ra chiến trận. Cuộc khởi nghĩa của Trần Văn
Thành, một lãnh tụ của Bửu sơn Kỳ hương cũng thế, cũng đã thể hiện thái độ xuất
xử của người tu học theo Phật giáo Việt Nam. Thánh nhân và anh hùng, triết lý
đó hòa quyện trong mỗi người dân Việt Nam tùy thời thế cơ mà ứng xử.
Yên Tử và Núi Cấm theo huyền thoại đều là những nơi địa
linh, mà địa linh thì sinh anh kiệt. Anh kiệt để bảo vệ đất nước và Thánh nhân
để xây dựng một nền văn hóa tâm linh trường cữu.
Miền
bắc Việt Nam có Yên Tử, miền nam Việt Nam có Núi Cấm (một trong Thất Sơn) với
những huyền thoại bàng bạc trong lịch sử tại hai vùng này để khẳng định Việt
Nam cũng có Thánh linh, có những tôn giáo thuần thành từ bản sắc văn hóa Việt
Nam, bản sắc văn hóa tổng hợp biết xuất xử tùy thời, tùy cơ để bảo vệ quyền độc
lập, tự chủ cho đất nước.
Điểm giống nhau cuối cùng của Núi Yên Tử và Núi Cấm là
trong thời bình, hàng ngàn, hàng vạn người dân Việt mỗi năm đều hành hương đến
hai vùng đất này để chiêm bái các di tích linh thiêng mà trong tâm thức nguời
Việt, còn lưu dấu một quan niệm về sự tồn tại của một thế giới siêu
nhiên, làm mẫu mực cho cuộc đời này huớng tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
2.
Choi
Byung Wook (2011), Vùng đất Nam bộ dưới triều Minh Mạng (Southern Vietnam under
the Reign of Minh Mạng), dịch: Hoàng Anh Tuấn,… Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính, nxb
Thế Giới, H.
3. Hà Tân Dân (1971), Tứ Ân Hiếu
Nghĩa, tủ sách sưu khảo sử liệu, Phật giáo Bữu Sơn Kỳ Hương,
4.
Đại
Nam Nhất thống chí(1959) dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo, Lục tỉnh Nam Việt, tập
Thượng.
5.
Đinh
văn Hạnh (1996), Bửu Sơn Kỳ Hương với cuộc kháng chiến chống Pháp- luận văn Tiến
sĩ, viện KHXH TPHCM.
6.
Nguyễn
văn Hầu (1955), Thất sơn mầu nhiệm, nxb Liên Chính. S.
7.
Vương Kim và Đào Hưng , Đức Phật
Thầy
Tây An, nxb Long Hoa, S. in lần hai.
8.
Léopold
Pallu de la Barrière(1888), Histoire de l`Expédition de Cochinchine en 1861, ,
nxb Berger-Levrault,Paris, Nancy.
9.
Sơn
Nam(1992), Cá tính miền Nam,nxb Văn Hóa, H
10.
Lê văn Siêu (1964), Văn Minh Việt Nam, nxb Nam
Chi Tùng Thư. S.
Lê
văn Siêu (1964), Văn Minh Việt Nam, nxb Nam Chi Tùng Thư. S.trang 67, 68