Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

MÔ HÌNH ĐẠI HỌC KHÔNG VÌ LỢI NHUẬN CỦA ĐẠI HỌC RMIT VIỆT NAM

Tọa đàm “Điều kiện cho Đại học không vì lợi nhuận tại VN” do Trung tâm Nghiên cứu xã hội và giáo dục Trí Việt, Viện nghiên cứu phát triển giáo dục phối hợp tổ chức vào sáng ngày 12/05/2016 tại Thư viện Tổng hợp Tp.HCM.
Đây là một vấn đề không mới và hình như mọi người tham dự đều đồng ý với định nghĩa ĐH không vì lợi nhuận phải đạt 2 tiêu chí: Không phân chia lợi nhuận (nếu có) và không có sở hữu là cá nhân hay một tập thể (mà chỉ có Hội đồng tín chấp). Tôi cho đó là một bước tiến vì cách đây mấy năm còn tranh cải nhau chuyện này.
Nhưng, nội dung lại xoay quanh Điều kiện nào để có thể có một ĐH không vì lợi nhuận tại VN thì có tranh cải: Một số nhà khoa học giáo dục cho là phải có quy chế trước (quy chế chấp nhận có ĐH tư không vì lợi nhuận, quy chế khuyến khích các người đầu tư vào ĐH phi lợi nhuận, sự hỗ trợ cùa Nhà nước cho các trường không vì lợi nhuận như miễn thuế, ưu tiên cho vay xây cơ sở vật chất, cấp đất,…). Vài người lại cho rằng phải có con người phi lợi nhuận mới có thể thành lập Đại học phi lợi nhuận.
Trong hội thảo có một tiếng nói, nhưng hình như ít ai để ý, đó là Tổng Giám đốc kiêm Hiệu trưởng ĐH RMITVN, khẳng định trong buổi tọa đàm là Đại học RMIT VN là đại học phi lợi nhuận.
Có lẽ có nhiều người ngạc nhiên, nhưng GS Gael McDonald, khẳng định chắc chắn như thế.
Trước nhất, Bà cho biết ĐH RMIT VN được thành lập từ nguồn vốn ban đầu là 20 triệu USD của tổ chức phi lợi nhuận Atlantic Philanthospies. Từ năm thành lập 2001 đến nay, tất cả tiền lời đều đưa vào các hoạt động giáo dục của trường và trường không có một cá nhân, hay tập thể nào làm chủ.
Phương châm hoạt động của trường là:
-         ĐH phải có khả năng sinh lời để phát triển bền vững.
-         Xem xét kỷ các chi tiêu của trường, vì ban quản trị trường toàn quyền quyết định chi tiêu nên phải rất kỷ lưỡng.
-         Tăng trưởng chất lượng để tạo sự khác biệt (như giảng dạy, cơ sở vật chất, quản trị,…)
-         ĐH không vì lợi nhuận vẫn có cạnh tranh nên RMIT tập trung vào chất lượng cung cấp.
-         Không hoạt động tách biệt riêng rẻ.
-        
Vào năm 2015 trường này đã chi 72 triệu USD cho việc xây dựng hai cơ sở ở Tp.HCM và Hà Nội.
Đã đóng thuế cho Nhà Nước Việt Nam 45 triệu USD (sic)
Có nhiều loại học bổng nhưng đặc biệt là học bổng Hiệu trưởng dành cho các sinh viên có khả năng lãnh đạo, học bổng dành cho nữ sinh viên,..Tạo điều kiện cho sinh viên mở doanh nghiệp riêng…
Đại học Việt Nam thua ngay trên sân nhà.
Tôi viết về ĐH RMIT VN để gợi lên những suy nghĩ:
-ĐH RMIT VN đã hiện diện tại VN hơn 10 năm, lúc VN chưa có khái niệm về tư thục không vì lợi nhuận, nhưng đại học này đã hoạt động với tiêu chí Bất vụ lợi không chia lời cho cá nhân hay tập thể nào đó. Như thế không cần phải có quy chế của Nhà nước mới có thể thành lập ĐH không vì lợi nhuận. Không dùng tiền lời chia cho cá nhân mà đầu tư lại vào các hoạt động giáo dục của trường, không có quy chế nào cấm, không có một chính quyền nào cấm. Đây là đại học tư mà, Hội đồng điều hành có toàn quyền quyết định. Xã hội hoan hô những người bỏ công, của vào hoạt động giáo dục bất vụ lợi.
Điều này chứng tỏ việc cần thiết đầu tiên là có CON NGƯỜI KHÔNG VÌ LỢI NHUẬN MỚI CÓ THỂ CÓ ĐẠI HỌC PHI LỢI NHUẬN.
-ĐH RMIT VN vẫn chịu đóng thuế (hơn 10 năm đóng 45 triệu USD), không đòi hỏi một ưu đải nào ngoài ưu đải cho phép dạy chương trình đã được kiểm định tại Úc. Việc này không dính dáng gì đến việc là một ĐH không vì lợi nhuận phải được miễn thuế (như đòi hỏi của GS Trần Phương của ĐH Kinh Công, Hà Nội). Hình như ĐH RMIT VN đã khá sòng phẳng trong tài chính. Trong hội thảo bà Hiệu trưởng RMIT VN chỉ mong đề nghị Chính phủ VN miễn thuế theo quy chế hoạt động của một ĐH không vì lợi nhuận tại VN theo Điều lệ Đại học cuối năm 2014 (tôi có cảm tưởng Bà chỉ mong nói câu này trong hội thảo)
-Cho đến hôm nay, nếu theo quy chế giáo dục của VN thì RMIT VN chưa được công nhận là ĐH không vì lợi nhuận, nhưng trường này cứ không chia lời hàng năm thì có làm sao (không có ai bắt bỏ tù cả).
-Dù quy chế về giáo dục tư thục còn bất cập nhưng có một ĐH hoạt động không chia lời như thế tại Việt Nam tại sao ít ai ghi nhận, trong khi đó ĐH Fulbright chưa khai giảng thì đã được nhiều người ca ngợi. Điều này chứng tỏ người VN còn rất nhiều dị ứng cho một ĐH thu học phí quá cao, mà chỉ có con, cháu một tầng lớp nào đó được vào học, và thu học phí cao thì không thể phi lợi nhuận (hic). Nhưng thu học phí cao không phải là tiêu chuẩn để đánh giá là ĐH đó không phải là một ĐH phi lợi nhuận.
Có nhiều dư luận về ĐH RMIT VN. Con gái tôi có bạn học RMIT VN nói trong thời gian RMIT VN có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất thì SV thi rớt trên 50% (vì phải đóng tiền thi lại rất nhiều). Nhưng ĐH không vì lợi nhuận không phải là một ĐH từ thiện, không thể lấy việc đóng học phí cao mà phê bình. Một phụ huynh có con học RMIT VN nói với tôi một cách hồ hởi, trường này dạy tốt và hay lắm (vì con chị ấy học giỏi được nhiều học bổng). Có nhiều bài viết về các cậu ấm, cô chiêu của sinh viên RMIT VN nhưng đó không phải là tiêu chuẩn để cho rằng ĐH RMIT VN không phi lợi nhuận.
Tôi viết về những con số được công khai trong hội thảo để thấy ĐH RMIT VN đã có một số tiền thặng dư khủng sau hơn 10 năm hoạt động để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất (những cơ sở vật chất trong mơ đối với các đại học tư cũng như công của VN). Và nhất là phương châm: tăng trưởng, chất lượng, tạo sự khác biệt để tồn tại cũng cần thiết là định hướng cho nhiều đại học tư tại VN.
Cuối cùng, theo kinh nghiệm của ĐH RMIT VN, tôi cho rằng các ĐH VN nào muốn không vì lợi nhuận thì cứ hoạt động theo phương hướng đó, chưa cần đến quy chế (vì chẳng có quy chế nào bắt phải chia lời hàng năm), chỉ có vấn đề là những người góp vốn có đồng thuận để theo chủ trương trên không? Vốn dĩ các đại học tư hiện tại bất ổn nội bộ cũng là vấn đề này.
Lúc nào những người VN có ưu tư về giáo dục cũng muốn có những nhà giáo dục chân chính làm giáo dục và không dùng đó làm phương tiện kinh doanh. Những ĐH không vì lợi nhuận, nếu có ở VN là điều đáng hoan nghênh và đáng ca ngợi. Quy chế về ĐH không vì lợi nhuận chỉ là phương tiện để hỗ trợ cho mô hình ĐH này, không phải là điều kiện cần, mà điều kiện cần là có NGUỒN NHÂN SỰ BẤT VỤ LỢI.
Nguyễn Hồng Cúc

12/05/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ở NHÀ MỘT MÌNH ( Không giống phim ở nhà một mình của cậu bé 7 tuổi mà là bà già 70 tuổi ở nhà một mình để tránh virus Covid 19)   ...