Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

VIẾT VỀ MỘT CHUYẾN BAY BỊ TRỂ


Chị gọi điện cho tôi bảo : Em đến chở chị về nhà em đi.
Vội vã thu xếp vệ sinh trong nhà vì hai mẹ con chuyên đi chơi, không chịu ở nhà để quét dọn. Cũng vừa từ phi trường về. Ông anh quên xem ngày về nên đáng lẽ về Mỹ ngày hôm qua mà ông tưởng hôm nay nên phải chờ đến khuya mới có máy bay. Trể máy bay vì không chịu xem ngày tháng. Thế là bà chị dâu giận. Con trai về Saigon cưới vợ. Cả nhà đều về VN để dự đám cưới. hai cặp vợ chồng, anh cả và em gái đã đi rồi. Chỉ còn ông bà và 2 vợ chồng thằng con vừa mới cưới.
Lỗi tại ông không xem kỷ ngày về nên bà vợ càu nhào quá, vừa tốn tiền , vừa trể nải công việc ở nhà bên Mỹ, trể ngày đi làm, thất hẹn với con gái (vừa ở VN về, vợ chồng con gái phải đi công tác  nên nhờ bố coi sóc hai cháu, chỉ đưa cháu đi học thôi vì bố đã nghỉ hưu). Thế là ông anh mình chịu trận, không biết phải xin lỗi ai …”lỗi tại tôi mọi đàng…”
Bà chị dâu không ngồi được phía sau xe máy. Chiếc xe máy cà tàng. Gởi tại trường đang làm việc để đi taxi về với bà ấy. Ngồi kể lể đại ý :
Vì là người của hai miến khác nhau, bà ấy người Huế với những bà con, họ hàng vọng tộc nên trên dưới theo tôn ti, không dám bỏ kỷ cương, gọi tất cả mọi người là anh, là chị, là cậu, là mợ,…lịch sự tối đa; còn ông anh mình người miền Nam ai cũng thằng, cũng con…dù rằng không có ác ý gì, nhưng, với gia tộc của họ nghe chói tai…
Chị ấy lúc nào cũng làu bàu về việc này nên ông ấy muốn bỏ nhà đi, chỉ muốn ở trong chùa tu hành. Bà chị không hiểu ý, phản đối, ông anh càng chán thứ kỷ cương đó nên phản ứng mạnh hơn.
Từ đó chị ấy phán quyết cho các con không được lấy người ở giai cấp thấp hơn ( ngồi nghe mà buồn cười, chị ấy đang nói chuyện với em chồng, nhưng cũng chẳng nói gì vì mình cũng chán ngấy…họ hang đây)
Chị ấy đã từng khóc sướt mướt trên xe cả đoạn đường trên 200km mà ông anh cũng không lay chuyển gì. Dứt khoác không sửa đổi quan điểm, cách sống (trời, sống không hạnh phúc thế thì sống làm gì. Già rồi phải tự tạo hạnh phúc chứ)
Có nghĩa là chị ấy càng mạ lỵ gia đình chồng thì anh ấy càng tỏ ra chai lỳ, sơ cứng, càng muốn vào chùa tu, càng muốn sống khác với chị ấy…
Đó là về quan điểm sống
Về con cái, chị ấy là người làm khổ con trai vì “môn đăng hộ đối”, thằng con (về VN cưới vợ hôm nay), đã 40 tuổi, chán nản mẹ mình, sống riêng ở một tiểu bang khác, lập nhà riêng, sống cho thoải mái…
Có lẽ sự xung đột của 2 vợ chồng ông anh làm chúng nó cũng chán. Về VN chúng nó cùng đi chơi với nhau, không rủ bố mẹ cùng đi.
Về việc em trai của chị ấy được chị ấy bảo lãnh qua Mỹ, ông anh không đồng ý> Đuổi ngay lập tức sau khi cho ở chung 3 tháng (chẳng biết ông ấy nghĩ gì !!!), nhưng có một lý do là nhà của ông ấy chưa trả nợ xong, ông ấy đòi người này cho mượn tiền, nhưng chị dâu không đồng ý, thế là theo kiểu Mỹ…đuổi đi. (chán ông anh này thật)
Gia đình người em này cũng có thời gian sống khổ, nhưng sau 5 năm đã có cuộc sống ổn định, con cái học hành cũng được, chỉ cần vài năm nữa , đời sống sẽ khá hơn…
Chi dâu than vản về sự đối xử không lịch sự của ông anh. Ngồi nghe buồn cười. Hỏi;
THẾ NGÀY TRƯỚC, CHỊ CŨNG BIẾT GIA ĐÌNH ANH ẤY NHƯ THẾ, TẠI SAO CHỊ YÊU VÀ CHÍNH GIA ĐÌNH CHỊ THÚC GIỤC BÊN ĐÂY CƯỚI KIA MÀ !!!
Chị không nghĩ, khi ở VN anh ấy cũng có chức phận, tự nhiên qua mỹ, rửa chén làm công nhân, nên bị mặc cảm, không hài lòng bản thân, ở tại nhà em anh ấy đã chép miệng: qua Mỹ chi chho lỡ thầy lỡ thợ…Tâm lý là như thế, chị phải cảm thong, cái kiểu anh ấy thích “vun tay” để người khác khen tặng. ( chị dâu bảo có lần anh ấy tình nguyện cúng chùa 500USD trong khi con gái không có tiền đóng tiền học, chỉ để được khen) Anh ấy đòi đổi xe, mu axe trang bị giống như một căn nhà để đi đây đi đó cho vui.
Anh ấy sống và nói với các em các cháu của anh ấy cũng thế. Cũng cộc lốc, thô tục, cũng con này, thằng kia,…chớ có hơn gì ai. Chúng tôi cùng đi với anh chị để người ngoài không nhìn vào thấy gia đình chia rẻ, chớ trong lòng cũng không vui, nhưng anh ấy là anh cả kia mà…Dù chán thế nào cũng ráng chịu đựng. Nếu anh ấy về VN chúng tôi không thăm hỏi thì anh ấy sẽ cho là chúng tôi không hiểu biết, không có tình thân an hem. Nếu chúng tôi thăm hỏi thì bảo chúng tôi muốn lợi dụng gì đó, chán lắm. Anh ấy cũng thích mắng tưới tát vào mặt chúng tôi, mặc dù tôi cũng có địa vị trong xã hội. Thế đấy, tại tính nết anh ấy thế. Để tôi kể cho chị nghe một câu chuyện mà tôi nhớ mãi. Hồi anh ấy còn đi học, có một ngày, hình như anh ấy mời các bạn của anh ấy đải tiệc gì đó tại nhà. Mẹ tôi đã bỏ cả ngày để làm thức ăn cho các bạn của anh ấy, đến khi tiệc tàn, những bạn của anh ấy đòi chào má tôi trước khi về, anh ấy xua tay bảo thôi khỏi. bà má khóc ngất lên : nó khinh tao không đáng làm má nó !!!
Thế đấy. bạn bè tôi, bạn bè các chị tôi đến nhà, chào anh ấy, anh ấy không thèm chào lại…Từ xưa anh ấy đã như thế rồi…Bây giờ về quê, anh ấy thích chào ai thì chào, không thì thôi, chẳng cần lịch sự , xã giao gì hết. Mặc người khác nghĩ gì cũng được…Anh ấy tự sống, không lịch sự ngoài mặt cũng như trong lòng…
Nói gì, giận gì cho mệt mỏi.
Bây giờ có ba thái độ: hoặc chị về ly dị sống như tôi cho khỏe. Hoặc chị sống ly thân như kiểu ở chung cư. Hoặc chị chấp nhận anh ấy, cảm thông với anh ấy để hạnh phúc cuối đời. thế thôi. Đừng càu nhào nhau. Đừng quát mắng giận hờn nhau…Hãy để anh ấy muốn làm gì thì làm…Tự do. Chị cũng lo cho chị thoải mái đầu óc, không buồn phiền…
Hãy coi việc trể chuyến bay này như một chuyện vui. Nếu không, làm gì có việc chị ngồi thoải mái nói chuyện như thế này. Trút ra hết để đở ấm ức trong lòng. Cảm thông nhau hơn hay không ? Không biết. Nhưng giải tỏa ấm ức trong lòng.
Một đôi khi tôi cũng thích sống tự do một mình. Anh ấy cũng thế. Anh ấy cũng thích sống tự do một mình, một đôi khi

Khộng biết cuộc trò chuyện này tác dụng như thế nào, nhưng ông Anh hai năm nay không thèm hỏi thăm các em gái ở VN. Kể cả việc cúng giổ ông Bố. Thôi kệ, có lẽ bà chị dâu nhân đó đay nghiến ông ấy nhiều hơn nếu bà ấy hiểu lệch lạc những lời khuyên.

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

CŨNG LÀ MẸ...


Tôi có một bà mẹ chồng. Bà Tư. Tôi gọi như vậy vì chồng tôi cũng gọi bà là bà Tư. Tôi không biết chồng tôi đã gọi người sanh ra anh ấy là bà Tư từ lúc nào, chỉ biết khi tôi quen anh ấy, thì được giới thiệu “ bà Tư là mẹ ruột của anh !”
Mười bảy tuổi tôi quen anh. Anh lớn hơn tôi mười tuổi, có sự nghiệp, không lớn lắm, nhưng đó là người đàn ông từng trãi, có vị trí trong xã hội. Lúc đó, về gia đình anh ấy, tôi biết một cách lơ mơ. Không chú ý nhiều, vì tôi còn trẻ quá, chỉ biết yêu anh; và cũng vì anh tự lập quá, không lệ thuộc gia đình.Sống tự do. Chỉ nhớ rằng, vài lần tôi đến thăm anh, có một bà lớn tuổi, vóc người nhỏ nhắn, hoạt bát, nhanh nhẹn, đi tới lui thu dọn phòng cuả anh ấy, mang thật nhiều trái cây, quà bánh đến, vui vẽ mời tôi : “ cháu ăn cho vui !”.
Anh và tôi thản nhiên ngồi “ chén “ hết mọi thứ trên bàn, để bà làm việc.
Tôi vô tâm đến mức nhìn bà Tư giặt giũ quần áo của anh ấy; có khi bà nấu cho chúng tôi ăn. Tôi không phụ giúp gì. Anh ấy cũng không bảo tôi giúp đở bà Tư. Phần tôi thì e dè, chưa dám thú nhận tình cảm của mình với người trong gia đình anh ấy…Thế là chúng tôi cứ líu ríu nói chuyện linh tinh về văn học nghệ thuật. Vừa ăn quà của bà Tư, anh ấy vừa thuyết phục tôi về một vấn đề nào đó, khoe một bài thơ, hay một bài xã luận của anh đăng báo.
Lúc đó, bà Tư nhìn tôi như một người bạn của con trai bà. Không phân biệt nam,nữ, chỉ biết con trai bà vui vì có bạn. Bà mong con trai bà có vợ không? Hình như có. Nhưng bà không xen vào chuyện đó. Cô nào cũng được , miễn nó ưng là bà chịu liền, cho có người cột chân, cột cẳng và chăm sóc con trai bà.
Tôi không nhớ trong khoảng thời gian chúng tôi yêu nhau, tôi đã mua hay tặng bà vật gì, hay mua riêng cho bà một thức ăn nào, trái cây nào bà thích. Tôi chỉ nhớ, tôi đã ăn ké quà của bà cho con trai không kể xiết: mùa chôm chôm, có chôm chôm, mùa xoài ,bà mua xoài, nhãn, sầu riêng, mãng cầu, bánh ngọt, khoai ,…nghĩa là đủ thứ ở chợ có bán , mỗi khi bà đến thăm anh ấy. Bà mang đến, và tôi được ăn, nếu tôi có mặt, còn không, anh để dành cho tôi.
Thuở ấy, bà Tư làm nghề bán cẩm thạch. Bà mang đến khoe với anh, bà đã mua những chiếc vòng cẩm thạch giá rẻ, những chiếc nhẫn ngọc bích, những mặt dây chuyền hình trái tim, hình đức Phật … Thế là anh ấy xin, (nếu lúc đó bà có tiền), hoặc gởi lại nửa vốn (nếu bà nói hết tiền), và để dành … tặng tôi. Đôi khi bà bắt gặp tôi đeo nó, chiếc nhẫn bằng ngọc bích, chiếc vòng xinh xắn có màu xanh biếc, bà giả vờ không nhận ra. Có lẽ bà sợ tôi e ngại, nhưng tôi bắt gặp ánh mắt tinh quái của bà nhìn anh ấy cảm thông. Cứ nhớ nụ cười chúm chím của anh khi thấy ánh mắt đó, và thái độ giả lãng nói chuyện khác của anh,…lòng tôi ngập tràn vừa hạnh phúc, vừa xấu hổ.
Tôi sống ngụp lặn trong tình yêu, tình yêu của hai người, một người đàn ông và một bà mẹ tinh tế hiểu biết, cả quãng đời son trẻ của mình.
Sau ngày thống nhất, tôi xách quần áo về nhà bà Tư ở, không cưới hỏi, không tuyên hôn. Gia đình tôi phản đối, bạn bè tôi dè bỉu. Nhưng, lúc này, anh ấy nghèo rồi, bà Tư cũng nghèo rồi, và cả ba, bà Tư, anh ấy và tôi đều chỉ chuộng tấm lòng chứ không chuộng tờ khế ước mà xã hội qui định.
Hai mươi tư tuổi, tôi vẫn là trẻ con, vì được che chở trong vòng tay của anh. Anh lo cho tôi mọi thứ. Nuôi tôi đi học đại học, sắm từng món nữ trang, chăm chút cho quần áo, sách vở, cả về mặt tư tưởng… Tôi như cái bóng của anh . Anh trao vào tay tôi những ước mơ của anh, và, như thế, cả gia đình anh không ai có thể “đụng“vào tôi. Khi nhận tình yêu của anh, tôi quên mất người thân chung quanh, cả người thân của tôi lẫn người thân của anh. Tôi sống lặn hụp trong tình yêu đó, và chỉ biết anh là duy nhất trên đời.
Tôi quên cả chính tôi. Mọi thứ cho anh. Tôi quên cả bà Tư, vì bà Tư cũng chỉ biết có anh ấy. Tôi chưa bao giờ nhớ rằng tôi đã nhắc nhở chồng tôi hay bản thân tôi mua một món quà nào gởi tặng bà Tư sau những chuyến đi xa, và cũng chẳng có những món quà trong dịp lễ, tết. Tôi đã từng xin tiền bà Tư, nhưng không nhớ mình đã gửi bà tiền lần nào chưa…?!!!
Tôi cứ vô tâm, chồng tôi cứ vô tâm cho đến ngày chồng tôi mất… và cho đến ngày bà Tư mất.
Tôi không nhớ bà Tư đã có bao giờ trách chúng tôi điều này, nhưng hình như bà cho rằng đó là điều tự nhiên, tự nhiên như “ nước mắt chảy xuống “. Không đòi trả ơn, hay không thèm đòi hỏi gì hơn ở những đứa con đã tự mãn khi thành đạt. Bà không đòi tôi một bổn phận, một trách nhiệm nào đối với bà. Bà chỉ muốn tôi mang niềm vui đến cho con bà.
Chỉ riêng tôi là một người dâu không được bà Tư dạy buôn bán, tuy rằng sau nầy, khi chồng tôi mất, tôi đã áp dụng rất nhiều nghệ thuật buôn bán của bà mà tôi học lóm được trong khoảng thời gian dài sống trong gia đình chồng.
        Các cô con dâu khác của bà đều phải đi theo bà buôn bán tại chợ. Bà tạo dựng cho từng người “ để nó có tiền giúp đỡ chồng nó”, bà gây vốn cho từng đứa, “ để chúng nó tự lập”. Bà thương dâu như thương con gái. Tôi cứ nghĩ như vậy vì chồng tôi không có chị em gái. Quay trước, ngó sau, bà có bốn con trai và một ông chồng. Đơn thân độc mã trong gia đình toàn đàn ông, nên bà quý các cô dâu lắm. Không biết nếu bà có con gái, bà sẽ thương nó như thế nào, nhưng bà Tư lo cho con dâu thì … trên cả tuyệt vời. Cho nó vốn, tìm cho nó việc làm. Nó thất bại, gây dựng lại cái khác. Chắt chiu, gom góp mua cho vợ chồng chú Tư căn nhà. Vợ chú Tư làm đầu thảo hui, hụi vỡ, bán nhà. Bà giúp cho mua căn nhà nhỏ hơn, lại vỡ hụi, rồi …quay về sống với bà. Căn nhà nhỏ chứa vợ chồng đứa cháu nội, con người trai cả . Bố nó mất lúc nó ba tuổi, mẹ nó lấy chồng khác, đem về cho ông bà nội nuôi…
         Tôi biết rằng mẹ chồng tôi thương tôi vì tôi thương chồng tôi. Khi chồng tôi mất, bà là người phản đối gia đình khi họ đề nghị tôi trở về nhà tôi để giành lại căn phòng của chúng tôi. Bà đã bênh tôi và là người chảy nước mắt nhìn sự đau khổ của tôi. Tôi không biết có sống được hay không, nếu không có bà sau khi chồng tôi mất.
        Tôi thật sự cô đơn. Mẹ tôi đã mất. Gia đình tôi đã không đồng ý khi tôi về nhà anh ấy, nên tôi không muốn trở lại gia đình. Chỉ có bà Tư bên cạnh. Hai người chở nhau, lang thang đi tìm thuê nhà để tôi được yên ổn sống. Hơn một năm, cuối cùng tôi phải quay về, sửa lại căn nhà được thừa tự và làm việc, gây dựng lại mọi thứ. Sống một mình trong căn nhà rộng thênh thang, tôi năn nỉ bà ở lại với tôi, nhưng, bà còn “ tụi nhỏ”; cái “ tụi nhỏ” đã sắp làm ông bà nội, bà ngoại, vẫn còn vướng víu quanh chân bà.
       Nếu mẹ tôi còn sống, mẹ cũng thương tôi, nhưng không chia xẻ hết nỗi đau của tôi. Tôi và bà Tư, hai người cùng yêu một người đàn ông, và cùng một nỗi đau xé lòng khi người đó nằm xuống. Tôi biết bà đã rất thương chồng tôi. Bà chịu đựng chồng tôi đủ mọi chuyện, những cơn bực tức, những ước muốn lập dị của anh …Chồng tôi đã trưởng thành mà vẫn còn “ nũng nịu ” với mẹ. Có khi tôi nghe anh quát lại bà, nếu bà tỏ ra tình cảm quá trong công việc nào đó. Cũng có khi tôi bắt gặp nét mặt sung sướng, ánh mắt rạng ngời của bà ngồi phía sau xe chồng tôi. Nét mặt tự mãn của một bà mẹ sung sướng vì đứa con của mình thành đạt và đang dang lưng, dang tay chở che cho mình.
         Có khi tôi có cảm tưởng bà Tư lặng ngắm chồng tôi với niềm hạnh phúc tự hào. Người đàn ông đẹp trai, hoạt bát, tinh tế kia lại là con trai của bà. Đó là máu, là thịt, là xương của bà, bà đã tạo tác ra. Đối với bà, chồng tôi là một tác phẩm hoàn hảo nhất, đã khiến đôi lúc bà ngỡ ngàng, ngạc nhiên … Con trai của bà được như thế này ư ! Hình như đó là của Tiên, của Phật, của Thánh Thần nào đó. Bà không dám xưng mẹ với chồng tôi. Thuở nhỏ, chồng tôi khó nuôi, bà mang ký gửi cho một nhà sư và vị này đã bảo bà phải xưng hô như thế, chồng tôi mới có thể sống lâu được. Để đến hôm nay, sự hy sinh cuả bà được đáp trả bằng hình hài khôi ngô kia, lúc nào cũng dang rộng tay che chở cho bà …
Nhưng, đứa con đã nằm xuống trước bà mẹ, không thể che chở cho mẹ được suốt đời… đã bỏ đi xa lơ, xa lắc, đi vĩnh viễn rồi …
Tôi không biết bà Tư đã thương tôi ở điểm nào ? Tôi về sống với bà với tính trẻ con, không hiểu biết … Bà không răn dạy tôi điều gì. Không nói ra, nhưng tôi nghĩ là, bà chỉ cần tôi yêu con bà, hy sinh cho con bà, tạo cho con bà hạnh phúc là…bà thương tôi. Thế thôi. Đơn giản thế thôi. Tôi biết thế, tôi cảm nhận được như thế.
        Khi đứng trước phòng mổ chờ ca mổ ung thư bao tử của bà, tôi chợt chạnh lòng, chợt biết rằng mình chỉ còn một người thân duy nhất. Người đó thông cảm tôi, hiểu biết tôi, và thương tôi không vụ lợi. Tôi không thể chia xẻ gì đuợc với mẹ chồng tôi nỗi đau thể xác cũng như tinh thần. Tôi đứng ngoài. Suốt đời tôi đứng ngoài nhìn bà Tư, có cảm thông nhưng không biết gì hay không biết làm gì để sớt chia nỗi đau của bà. Tôi bất lực nhìn bà oằn oại trong những cơn đau. Những người trong bệnh viện thấy tôi chăm sóc bà, cứ ngỡ tôi là con gái của bà. Họ hỏi tôi “ tại sao gọi là bà Tư ?” Tôi lặng thinh. Ngôn ngữ trần gian bất toàn để có thể giải thích những gì thuộc về tâm linh, cũng như nó không biểu tượng được gì hết nếu trong đó không có tấm lòng.
Tôi chưa bao giờ gọi bà Tư bằng Mẹ. Nhưng, tôi biết tôi thương bà như thương mẹ tôi. Có thể vì tôi yêu chồng tôi, nhưng, lớn hơn, cao hơn vì tôi cảm phục đức độ và tấm lòng của bà đối với tôi. Bà mẹ chồng đầy lòng vị tha…

DUYÊN PHẬN

đưa lên blog nhân ngày của mẹ 2012


Dì tôi kể về cuộc gặp gỡ giữa mẹ tôi và ba tôi hay nói đúng hơn việc mẹ tôi bị quăng vào vòng tay của ba tôi. Mẹ tôi bị vứt vào đó để cho bà ngoại tôi rãnh nợ, để bà ngoại tôi trả ơn người đã ủng hộ bà đi đánh ghen.
Dì nói, lúc đó ông ngoại đã mất. Nếu ông ngoại còn sống có lẽ ba tôi đã không lấy được mẹ tôi. Ông ngoại tôi là người Quảng Châu, lưu lạc đến Rạch Giá làm thợ kim hoàn. Ông là người khéo tay , tạo cơ nghiệp, cưới bà ngoại tôi , người Việt Nam để ổn định cuộc sống. Ông đã đưa con ruột và cháu ở Quảng Châu qua để lập nghiệp. Lúc nhỏ , mỗi năm tiết thanh minh, cả họ nhà tôi thường tổ chức viếng mộ ông rất lớn, tôi nghe mẹ tôi gọi hai người này là Sa Hia, Đìa Hia ( hình như là anh cả , anh hai gì đó ), Sa Hia là anh cùng cha khác mẹ với mẹ tôi. Người này cao lớn, lạnh lùng, hình như bà ngoại tôi vừa sợ vừa không thích. Ông Đìa Hia có vẽ tình cảm hơn, cũng hỏi thăm đám em cháu Việt Nam ân cần, còn giúp tìm việc cho chị Ba tôi trong hảng dệt Vimytex. Chị Ba tôi nói là trong công ty này, con trai của ông Đìa Hia làm lớn lắm, có uy tín nữa …
Lúc đó, không biết bà ngoại tôi nghe ai, hình như nghe ba tôi, một thanh niên sửa xe đạp dèm pha rằng ông ngoại tôi lăng nhăng với ai đó ở Rạch Giá, bà ngoại tôi đang ở Vĩnh Long tổ chức đánh ghen dưới sự tiếp tay của ba tôi. Mẹ tôi lúc đó đang học tiểu học ở Rạch Giá cùng với một người bạn gái, sau này mới biết người này là con gái của chồng cô tôi ( trời ơi ! lung tung lằng nhằng như thế !). Khi mẹ tôi về ở với ba tôi thì mẹ tôi được nâng chức là mợ của người này. Mẹ tôi khi còn sống, quí trọng người này lắm, làm công chức ngành giáo dục, sống độc thân, ốm yếu … lo lắng cho đám con riêng của bố, sau đó được học bổng đi Pháp … Có lẽ cũng để thoát cái đám em này, chỉ giúp đở từ xa, những người con của cô tôi, giòng họ với ba tôi.
Như thế, ông ngoại tôi ưu sầu mà chết, sau khi đã đưa vợ con về Quảng Châu một lần. Tôi tự hỏi, nếu lúc đó mẹ tôi ở lại với bà ngoại lớn thì sao nhỉ ? Cậu Hai, cậu ruột của tôi, bà ngoại lớn giữ lại nuôi, bây giờ đã thành danh, con trai cậu đang làm thứ trưởng bộ Giáo Dục ở bên ấy. Có lần anh Hai tôi ở Mỹ về, nói :
  • nếu có đi công tác nước ngoài, nghe tên ông này thì đến nhìn bà con.
Như thế thì tôi với ông này là anh em cô cậu ruột…
Mẹ tôi cho rằng khi ông ngoại tôi đưa đám con Việt Nam về Trung Quốc, ông ngoại tôi muốn giao cho bà ngoại lớn nuôi hết, nhưng mẹ tôi vì bị hen suyễn nặng quá, mà vùng đó thì quá lạnh , nên không thể ở lại được, để… cuộc đời mẹ tôi phải long đong thế này.
Có thể ông ngoại tôi cũng tiên liệu rằng với tánh nết bà ngoại tôi , một người vừa hung dữ, vừa cờ bạc suốt ngày như thế, thì nếu không có ông, bà sẽ phải …. bán các con gái mà thôi.
Bà ngoại tôi không bán các con gái (mẹ tôi và dì tôi), nhưng bà gã chồng đi , gã cho bất cứ người nào có thể giúp đở bà được.
Thế là ba tôi nhảy vào. Bà sướng rơn. Ba tôi, lúc đó, cao lớn, đẹp trai, đẹp như Tây, có một cửa hàng sửa xe, không nhậu nhẹt, nhưng bài bạc … nghiện cờ bạc giống như bà, và cũng đã từng là đồng minh của bà, nên bà ép mẹ tôi phải ưng ba tôi. Tôi biết tính mẹ tôi từ trước, nhúng nhường, cam chịu… Tôi không biết tại sao mẹ tôi lại sinh ra tôi, một đứa luôn phản kháng, luôn tìm cách vươn lên, luôn muốn hút đầu vào tường để chống bất công,… dù mọi người chung quanh can ngăn, thôi đừng làm nữa, chỉ thiệt thân,..Có thể tôi phản ứng vì tôi chán sự nhu nhược của mẹ tôi khi sống với ba tôi, nhớ đến những trận đòn ba tôi đánh mẹ tôi lúc chúng tôi còn nhỏ, tôi đã nghiến răng,… tôi thà chết còn hơn …
Mẹ tôi về sống với ba tôi, những năm đầu chắc cũng hạnh phúc … Anh Hai tôi ra đời … ba tôi cờ bạc phá sản… Nhưng, ba tôi, một người luôn làm nghề tự do cũng cố gắng xoay sở để nuôi vợ và bốn đứa con, cũng được dì tôi giúp đở ,.. lúc này dì tôi đã lấy một người Pháp , cũng để giúp bà ngoại tôi nuôi các em. Cuộc đời dì cũng khổ, cũng vì bà ngoại tôi, dì đã phải đem cho đứa con trai của một người yêu dì và không được sự đồng ý của bà ngoại vì người này nghèo quá… Tôi biết trong tận thâm tâm dì vẫn còn nhớ đứa con … suốt đời dì làm việc phúc việc đức cũng vì sự ân hận này…
Tôi không thể nhớ lúc nhỏ tôi như thế nào , nhưng khi hiểu biết thì tôi thấy nhà tôi nghèo, nghèo tơi tả giữa cái thủ đô Saigon đầy hoa lệ. Mẹ tôi là người phụ nữ an phận. Bà nhận may vá cho hàng xóm những khi không bị bệnh. Cơn hen suyễn suốt năm này qua năm kia, thêm một đứa con gái cũng yếu đuối như thế. Cứ mỗi lần gần Tết trời trở lạnh là mẹ tôi hoặc chị Tư tôi vào bệnh viện. Vào bệnh viện và không có tiền trả viện phí, có khi hết bệnh rồi vẫn không về nhà vì chờ ba tôi đem tiền về. May mắn là tôi lúc đó còn nhỏ, nên vô tâm, vô lo, chỉ đi học về đón xe bus vào bệnh viện nuôi mẹ, nuôi chị. Mà có nuôi cái đâu. Chỉ ngồi đó canh chừng, nếu mẹ hay chị lên cơn thì gọi y tá hay bác sĩ,..Bệnh trường kỳ, kinh niên như thế, mẹ tôi bất lực nhìn ba tôi lập phòng nhì ở Đà Lạt.
Ba tôi nói công khai : nếu mày không chịu thì tao bắt thằng lớn, mầy nuôi mấy đứa con gái cho lũ mày … đi ăn mày, ăn xin , chết đói,…
Ông thoải mái sống với hai bà vợ. Một ở Saigon, một ở Đà Lạt , vì ông chạy xe khách tuyến đường Đà Lạt-Sài Gòn. Nhà cả hai bà đều là nhà mướn. Ở Đà Lạt, ông đi thâu đêm suốt sáng trong cuộc đỏ đen. Mê muội trong bài bạc. Mê muội trong việc mua vé số. Đời ông sẽ khá hơn nếu không có hai cơn mê này. Cách đây một năm dì tôi từ Pháp về , xuống Sóc Trăng thăm ông đã khóc sướt mướt vì thấy ông đã đắp y khất thực đang sống trong chùa. Thời oanh liệt vàng son kinh hoàng bài bạc của ông … đã rủ bỏ rồi. Không ai nghĩ hậu vận của ông là thế…
Nhưng, khi nhớ đến mẹ tôi, tôi vẫn không thể không … hờn ông được !
Ba tôi có vợ bé, những người chung quanh coi việc đó là việc tự nhiên. Đấy mới là vấn đề. Không ai bênh mẹ tôi một tiếng. Họ cho rằng lỗi ở mẹ tôi cứ bệnh hoan như thế… làm sao mà giữ ông chồng được ?
Hàng xóm không dám chen vào. Chen vào ba tôi chửi thục mạng. Ba tôi chửi thề ghê gớm, hung dữ có hạng, sẳn sàng cầm dao dí vào mũi ai đụng đến quyền lợi của ông ,… dù rằng ông cũng sống với láng giềng tận tình. Mỗi năm, gần Tết, ông chở cả xe nào bắp cải, su su, khoai tây, carotte, … kể cả thứ cao cấp là bông atisô … về tặng cho hơn vài chục hộ chung quanh nhà. Ông đã từng xông vào chửa cháy cho nhà hàng xóm vì trẻ con thẩy lửa vào bình xăng… có nghĩa ông là người tốt bụng của xã hội, ông cũng không nghiệt ngã với con cái, nhưng ông phây phây chà đạp lên lòng tự trọng của mẹ tôi…
Gia đình bên ba tôi ủng hộ ông hết mình… họ gọi người đàn bà kia là “mợ hai” thân thiết, chứa chấp, giúp đở,…kể cả bênh vực…
Tôi nhớ mẹ tôi, nỗi khổ không thể kể với ai, con cái thì còn nhỏ không thể tâm sự được…Chỉ nhớ lúc nhỏ, khi mẹ đi đâu mẹ thường dắt tôi đi theo. Buồn quá, buổi tối mẹ bảo tôi học bài nhanh rồi hai mẹ con đi coi cải lương trong Giải trí Trường ở gần nhà . Cái Giải trí trường này đã vào lịch sử vì sự kiện xập cầu khi bà Ngô đình Nhu khánh thành. Nơi đó có những trò chơi cho trẻ con, có những gánh hát cải lương coi không mất tiền, có những ban nhạc, những khu vực chiếu phim,… Mẹ tôi buồn , vì khủng hoảng tinh thần quá đến mức không thể may vá gì được nữa, nên đi vào đây ngồi chơi… Bà không đi một mình, bà dắt tôi theo ,…do đó tôi đã từng xem Bo Bo Hoàng lúc còn nhỏ đóng vai người hầu của Lê Long Đỉnh , cứ nhớ giọng hét của Hoàng Giang : “ bo bo…. đấm bóp ” là tôi phì cười... Điều này cũng khiến cho mẹ tôi bị nhóm bà con bên chồng xỏ xiên: nó sướng quá mà, không cần kiếm ra tiền, muốn đi chơi thì đi,…
Có một lần, mẹ tôi dắt tôi đi Quang Trung đến nhà một người con dâu của bà hàng xóm. Hai người nói nhỏ nhỏ cái gì đó, rồi người này dẫn hai mẹ con tôi đến một căn nhà um tùm cây cối. Mẹ tôi bảo tôi ngồi ngoài sân, cũng có một vài người đàn bà đang chờ tới lượt mình. Tôi lén ngó vào nhà thì thấy, trong căn phòng nhỏ có tùm lum trang thờ, nhiều tượng quá tôi đếm không hết, tượng nào cũng sơn đỏ chót, khói nhang lên từng đám như sắp cháy nhà, có người đàn bà trùm khăn đỏ nói nói gì đó với mẹ tôi, mẹ tôi khóc sướt mướt,…
Khi về, bà có vẽ thoải mái hơn, không còn căn thẳng như lúc đi…
Ba tôi thường lệ cứ hai ngày thì về nhà một lần, về buổi tối, vì ông lái xe từ Đà lạt lúc sáng sớm, về Saigon cũng đã chập tối rồi,… và ông thường ăn cơm một mình. Mẹ tôi nấu những món ăn ông thích. Tối hôm đó bà nấu cho ông ăn canh cải bẹ xanh nấu với gừng và đập vào đấy một trứng vịt, tôi nghe ông nói : Sao canh hôm nay đắng đắng như thế nào ấy . Mẹ tôi lặng thinh. Việc ông chê cơm chê cá là chuyện xảy ra thông thường nên chúng tôi cũng không để ý. Tuy nhiên, tôi thấy bà cho ông ăn canh cải bẹ xanh liên tục. Có ngày, tối tôi cũng đói bụng, tôi đòi ăn chung với ông và tôi thấy canh … có mùi vị gì kỳ kỳ thật…
Con dâu của người hàng xóm về thăm gia đình chồng thậm thò ở cửa. Mẹ tôi ra. Bà này hỏi : Sao, có tác dụng gì không ? Mẹ tôi nói : một tháng nay … đở khổ.
Đến khi anh tôi cũng phát hiện có mùi lạ trong tô canh cải xanh, nhưng vô tư,… chúng tôi không biết.
Rồi đến một tối nọ, mâm cơm bay xuống đất . Ba tôi hét lên : bà bỏ cái gì vào tô canh đây . Mẹ tôi nín thinh… thì ra người bà con của ba tôi phát hiện mẹ tôi vì muốn ba tôi trở lại với chúng tôi nên tìm thầy “ cho…phép ”, để ba tôi … hồi tâm ; người này mách với ba tôi, và ba tôi náo loạn gia cang.
Ông bỏ đi chừng mươi ngày… sau đó trở về với hai đứa con trai. Trời ! tôi chỉ biết ông có một đứa con trai với bà kia thôi ( vì họ đã dắt về nhà, chào họ hàng ), nhưng không ngờ có thêm một thằng nữa.
Ông năn nĩ mẹ tôi nuôi chúng, vì… mẹ nó là con đĩ,… ông nói với mẹ tôi thế.
Nhà tôi có thêm hai thành viên. Ba tôi về nhà vui vẽ hơn, đưa tiền cho mẹ tôi nhiều hơn, mang bánh trái quà cáp cho chúng tôi nhiều hơn. Một tuần sau, mẹ tôi cậy cục xin cho chúng nó vào học trường gần nhà … và tôi, có bổn phận dạy chúng nó học vì chúng nó mất căn bản trầm trọng… Ba tôi năn nĩ chúng tôi thương tụi nó vì … tụi nó nghỉ học liên tục theo sự vui buồn của mẹ chúng nó…
Được gần một năm, thì người đàn bà kia xuất hiện, thập thò ở cổng trường, và dẫn chúng nó đi mất… Tối đó, ba tôi về, không nói gì chỉ bảo mẹ tôi bỏ đồ đạc chúng nó vào bao rồi sáng hôm sau ông mang đi. Tôi thấy khoảng thời gian có chúng nó ở nhà tôi, mẹ tôi không vui không buồn, nhưng thanh thản, … có lẽ bà muốn nuôi chúng nó để ông dứt khoác với người đàn bà kia … Bà cũng không có thái độ nào ghét hay mĩa mai chúng nó, bà cho chúng nó ăn giống như chúng tôi, mua sắm cho chúng nó cũng như chúng tôi, lo cho chúng nó đi học cũng như chúng tôi, …Thú thật lúc đó tôi chịu không nỗi, đôi khi tôi cũng nói nặng chúng, đôi khi tôi cũng nói chúng : mày ngu như … mẹ mày, vì chúng học… dỡ quá.
Cứ như thế, một năm sau, ông lại dắt hai đứa về cho mẹ tôi nuôi. Ông nói với chúng : Ở với má lớn được đi học.
Tôi ngồi nghe, tức anh ách : Chẳng biết chúng nó có thích đi học không. Có lẽ không khí học tập, qui cũ của nhà tôi làm chúng nó phải vào khuôn khỗ. Một vài lần tôi bắt gặp chúng nó chơi đánh bài, xào bài rất thiện nghệ. Tôi lấy bộ bài cào ném vào lò và mắng chúng nó một trận để trút giận : Trời ơi, cái nhà này đã tan nát, nghèo mạt vì bài bạc rồi mà còn tính gầy sòng trong nhà nữa. Anh tôi không nói gì, có lẽ anh chán quá ! chỉ vì tôi còn con nít nên tôi phản ứng. Hai chị tôi chỉ muốn nhà yên ổn. Đúng thôi, có chúng nó ở nhà thì nhà tôi yên ổn , ba tôi chẳng chê bai gì mẹ tôi nữa, và ông có vẽ chìu chuộng, chăm sóc chúng tôi hơn…
Tôi không hiểu mẹ tôi lúc đó nghĩ gì. Thú thật cho đến hôm nay, đã phải li dị bố con gái tôi vì không chịu được ông dây vướng với người khác khi còn chung sống. Tôi cũng sẽ không chịu đựng được như mẹ tôi… Có người trách tôi không hiểu mẹ. Nếu lúc đó mẹ tôi đồng ý ly dị hay gay gắt suốt ngày thì làm sao chúng tôi được ăn học cho đến ngày nay… Tôi muốn hỏi lại, thế thì tôi ôm con gái về nhà nuôi khôn lớn thế này có cần gì … thằng đàn ông phản bội kia không ?
Tôi đang không hiểu mẹ tôi có yêu ba tôi khi đồng ý kết hôn với ba tôi không ? Hay bị bà ngoại tôi ép buộc ? Tôi chỉ biết bà chịu đựng ông nhiều quá. Bà chịu đựng và hy sinh cho chồng con như thế có phải vì tình yêu hay không hay vì nghĩa vụ. Nếu vì tình yêu, thì bà sẽ thanh thản, nếu vì nghĩa vụ thì bà chấp nhận nó như thân phận một người phụ nữ được giáo dục theo kiểu Á Đông cũ … Tôi không phân tích được, vì bà không còn nữa …
Chỉ nhớ rằng, tôi cũng đã có rất nhiều lần cãi lại ba tôi, rất nhiều lần hai cha con xung đột nhau, … tôi đã giận không thèm nhìn ông nữa …. Nhưng, một giấc mơ mà mãi đến bây giờ tôi còn ám ảnh. Tôi mơ thấy mẹ tôi tìm một người lớn tuổi trong khu phố, học rộng, hiểu sâu, viết một bức thư nhân danh tôi xin lỗi ba tôi, và trong nước mắt bà đề nghị tôi ký tên …. Trong cơn mơ, tôi vẫn chưa thèm cầm bút …

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

MỘT HIỆN TƯỢNG THOÁI HOÁ ĐẠO ĐỨC CỦA MỘT ĐẢNG VIÊN TRẺ.

Mắt hết còn long lanh trong sáng đầy lý tưởng. Hôm nay đôi mắt ấy đùn đục đỏ ngầu căm hận những người đã khui việc thâm lạm và nhập nhằng tài chánh của nó, một đảng viên trẻ. Nó gào lên, cố gắng dùng mọi trí tuệ toán học để chứng minh sự nhập nhèm đó là có lý. Làm thế nào nó không bênh vực cho phe phái đó vì phe phái đó bao che những sai lầm của nó từ trước đến nay, vì nếu phe phái đó ngã xuống thì bao nhiêu nợ nần của nó ai sẽ trả. Khánh tận. Thế là phải vùng lên để chứng minh những sự có thật thành sự không thật. Móc hết bùn đất để bôi trét lên mặt, dựng dậy , nhân danh bất cứ thần thánh nào để biện minh cho hành động sai phạm của nó.
Thử nghĩ, nếu các thần thánh luôn dạy con người phải trung thực kia, sống lại, sẽ nhìn nó như thế nào ? Người đảng viên trẻ đang trượt dài trong hố thẳm của tội lỗi với đôi mắt đùn đục đỏ ngầu hoảng loạn.

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

NHÌN MAI NỞ

Dẫu mai bị uốn cong cành
Nhưng hoa vẫn nở vươn mình thanh xuân
Không hề khuất phục cúi luồn,
Ngẫng đầu cao giữa muôn hồn hoa thiêng

Ý KIẾN CỦA PHỤ HUYNH VỀ VIỆC TUYỂN SINH ĐẠI HỌC

Về vấn đề tuyển sinh ba chung : tại sao phải ba chung, vì :
  • Bộ GDĐT chưa “ tin tưởng “ vào việc tuyển sinh của các trường đại học cả dân lập lẫn công lập. Từ việc tuyển sinh tại đại học Đông Đô, đại học Hồng Bàng,…các đại học tự ý định một điểm sàn nào đó, và cứ tuyển bừa …sau đó tính sau ! Tôi đã được gặp các phụ huynh có con được tuyển bừa như thế , họ tin tưởng trong 4 năm, các Hiệu trưởng toàn là GS. PGS, Tiến sĩ sẽ cấp cho con họ bằng cấp cử nhân để đi làm. Nhưng cái tấm bằng cử nhân đó di xin việc ở chổ nào cũng lắt đầu hoặc đề nghị nên đào tạo lại.
  • ĐHDL chưa có uy tín trên thương trường, nếu để tự do : tự do ra đề, tự do chấm bài thi, tự do đặt ra điểm sàn .. bao nhiêu sự cố, bao nhiêu gian lận tinh vi … thanh tra bộ làm sao mà kiểm soát cho hết
  • Hơn 10 năm đại học dân lập được thành lập, sau 3 năm theo chương trình 3 chung củabộ GDĐT, ĐHDL lộ rõ bộ mặt của chính họ hơn. Thật ra, họ chỉ xứng danh của một trường cao đẳng, hay một trường dạy nghề
NẾu tôi có con thi đại học chỉ đạt điểm sàn, tôi phải phân vân khi cho nó vào ĐHDL. Vì bỏ tiền, bỏ của học 4 năm, ra trường, kiến thức thực học chỉ bằng trung cấp hay cao đẳng thì … thà học ngay trung cấp, cao đẳng từ đầu để đở tốn kém thời gian, tiền bạc …
Các ông GS. PGS, TS lãnh đạo các trường ĐHDL nghĩ gì về sự cao đẳng hoá Đại học của mình.
Hay, các ông nghĩ mặc xác chúng nó, miễn chúng đóng đủ học phí cho chúng tôi xài là được rồi !! chất lượng đào tạo chỉ là chiêu bài bịp bợm mà thôi

Chuyện như đùa

SAI MÀ…MỪNG

Một anh đi buôn, vợ phải vay tiền để làm vốn.
Anh mang tiền mua vàng, vì vàng đang lên vùn vụt.
Ai ngờ mua nhằm vàng giả.
Về nhà vợ cằn nhằn. Anh an ủi : SAI MÀ…MỪNG, vì nếu tôi mang số vàng giả này đi bán sẽ bị…công an bắt, còn nguy hơn.

CHUYỆN LY DỊ


Các cuộc ly dị hiện tại đều xảy ra bình thường trong xã hội.
Nhưng, vấn đề được đặt ra là ly dị trong êm thắm hay nỗi đình nỗi đám như thế này.
Hai người kết hôn với nhau với mục đích chiếm căn nhà.
Trong thời gian dài lục đục vì tranh nhau quyền lợi của căn nhà. Bây giờ đưa ra pháp luật, họ chửi nhau loạn xạ. Bên này đưa ra lý do, bên kia đưa ra bằng cớ…để dành ngôi nhà.
Các con cái ngồi nghe mệt mõi,và không hiểu tại sao như thế !
Bà mẹ nói vẫn nuôi con đàng hoàng.
Ông bố nói giấy tờ nhà đứng tên ông ấy.
Giống như hàng tôm hàng cá cãi nhau.
Lý do vì sao ? TRANH CĂN NHÀ KHÔNG PHẢI CỦA MÌNH.

12/01/2012

THÂN PHẬN CỦA NHỮNG CÔNG NHÂN BẬC HAI

Anh là một công nhân bậc hai, được định nghĩa :
  • không có đảng tịch
  • đã quá tuổi lao động theo luật pháp
  • không cùng quan điểm giáo dục với lãnh đạo
  • được lưu dung vì...nhân đạo hoặc vì lãnh đạo sợ anh thưa về những việc làm sai trái của lãnh đạo.
  • ...
Anh được hưởng chế độ :
  • mức lương tính lại khởi điểm không có hệ số thâm niên ( dù rằng những người về hưu ở nơi khác, nhờ quen biết với thủ trưởng được đưa vào làm việc tại ngôi trường này thì được tính hệ số thâm niên của những nơi khác)
  • Nguyên tắc là phải được một phòng ban nào đó nhận về, vì thủ trưởng của anh được ý kiến của cấp trên, nhân dịp theo qui chế hưu trí này muốn đuổi việc anh, nhưng không được vì công đoàn thấy ...kỳ quá, bất công quá ( vì các lãnh đạo lớn đưa vợ, bạn bè vào ngôi trường này toàn là những người đã về hưu ở nơi khác nên sợ anh phản ứng )...Họ phải quyết định giữ anh lại một năm. Anh ở tại phòng Nhân Sự ngồi chơi xơi nước.
  • Người trong phòng lịch sự, nhưng tất cả công văn, quyết định, thông báo đều không đưa cho anh xem.Họ giấu như “ mèo giấu cứt ”
  • Học trò anh làm lãnh đạo trong trường nhờ nịnh theo phe cánh lãnh đạo, gặp anh không thèm chào, thậm chí đụng mặt nhau trong sân trường cũng không thèm ngó.
  • Luật bất thành văn trong trường là anh không được quyền phát biểu ý kíến gì vì anh là người được lưu dung, còn được làm việc ở đây là ... nhân nhượng lắm rồi.
  • Anh nhận làm đề tài Nghiên cứu khoa học, lãnh đạo phòng này nói anh không được đứng tên đề tài, thậm chí anh cũng không được nói gì hết về đề tài đó. Học trò anh đứng tên và anh nghe theo nó ( dù rằng anh đã từng thành công về loại đề tài này )
  • Anh không được cười tươi roi rói vì lãnh đạo đang căm ghét anh, muốn đuổi anh ra khỏi trường, họ nghiến răng trèo trẹo “ tôi cho anh làm thêm một năm nữa”.Kể cả việc chụp ảnh toàn trường: tại sao chụp thằng cha đó tươi như thế, nó mĩa mai tao à !
  • Vì anh là công nhân bậc hai nên anh phải đi đúng giờ, làm việc tất cả những ngày trong tuần, trong khi những người khác thì tự do đi đến, đôi khi cả tháng đến trường một vài buổi tán ngẫu cho vui mà chẳng ai dám nói gì.
  • Anh không được quyền nhờ vã ai trong phòng, kể cả những người trẻ, như nhắc dùm cái ghế, chỉnh dùm máy tính...và những người trẻ học trò này biểu anh làm cái này, cái kia cho chúng nó...Coi như một người sai vặt... dù anh là thầy của chúng nó.
  • Lãnh đạo trực tiếp anh lúc nào cũng nói: tôi đã từng đuổi người này, người kia,...có nghĩa là anh coi chừng đấy
  • Các lãnh đạo đánh nhau, thế là lãnh đạo trực tiếp của anh bảo anh phải viết thơ tố cáo người này, người kia,...nghĩa là anh phải theo phe lãnh đạo nếu không sẽ bị đuổi việc.
Anh, công nhân bậc hai trong trường có cái đầu riêng của anh ( cũng vì thế mà đụng chạm đến các thủ trưởng lớn ), không làm theo chỉ đạo.Có lúc anh sợ hải khi gặp lãnh đạo này vì mỗi lần như thế người này bèn đề nghị anh làm đơn thưa lên bộ !!! Chán chết khi phải ừ ừ, mà không làm theo ý của ông này. Thế là mọi việc trong phòng dồn lên vai anh ( không cho ngồi chơi xơi nước nữa rồi !!!): lưu giữ văn thư, soạn công văn, tiếng Việt và tiếng Anh, dịch các hợp đồng qua tiếng Việt, tìm tài liệu bằng tiếng Anh, làm các văn bản bằng tiếng Anh để PR về trường,...Anh làm tất cả nhưng lãnh đạo và những cán bộ trong phòng báo cáo thành tích cá nhân.
  • Thế họ làm gì ? Hàng tháng, hàng năm họ báo cáo láo công việc của họ, trình lên cấp trên, về tài chánh phòng, cùng ký tên với nhau, cũng “ giấu như mèo giấu cứt ”
  • Một năm sau các lãnh đạo của anh ý thức một cách đau khổ là CÁI TRƯỜNG TAN RÃ NÀY KHÔNG PHẢI CỦA HỌ, HỌ CŨNG SẼ CHẲNG ĐƯỢC GÌ KHI CHỊU CHUNG SỐ PHẬN CỦA NHỮNG NGƯỜI VỀ HƯU
Anh lì mặt ngồi tại phòng với số phận của một công nhân bậc hai, vui vẽ, tươi cười với mọi người.

  Ở NHÀ MỘT MÌNH ( Không giống phim ở nhà một mình của cậu bé 7 tuổi mà là bà già 70 tuổi ở nhà một mình để tránh virus Covid 19)   ...