Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

CŨNG LÀ MẸ...


Tôi có một bà mẹ chồng. Bà Tư. Tôi gọi như vậy vì chồng tôi cũng gọi bà là bà Tư. Tôi không biết chồng tôi đã gọi người sanh ra anh ấy là bà Tư từ lúc nào, chỉ biết khi tôi quen anh ấy, thì được giới thiệu “ bà Tư là mẹ ruột của anh !”
Mười bảy tuổi tôi quen anh. Anh lớn hơn tôi mười tuổi, có sự nghiệp, không lớn lắm, nhưng đó là người đàn ông từng trãi, có vị trí trong xã hội. Lúc đó, về gia đình anh ấy, tôi biết một cách lơ mơ. Không chú ý nhiều, vì tôi còn trẻ quá, chỉ biết yêu anh; và cũng vì anh tự lập quá, không lệ thuộc gia đình.Sống tự do. Chỉ nhớ rằng, vài lần tôi đến thăm anh, có một bà lớn tuổi, vóc người nhỏ nhắn, hoạt bát, nhanh nhẹn, đi tới lui thu dọn phòng cuả anh ấy, mang thật nhiều trái cây, quà bánh đến, vui vẽ mời tôi : “ cháu ăn cho vui !”.
Anh và tôi thản nhiên ngồi “ chén “ hết mọi thứ trên bàn, để bà làm việc.
Tôi vô tâm đến mức nhìn bà Tư giặt giũ quần áo của anh ấy; có khi bà nấu cho chúng tôi ăn. Tôi không phụ giúp gì. Anh ấy cũng không bảo tôi giúp đở bà Tư. Phần tôi thì e dè, chưa dám thú nhận tình cảm của mình với người trong gia đình anh ấy…Thế là chúng tôi cứ líu ríu nói chuyện linh tinh về văn học nghệ thuật. Vừa ăn quà của bà Tư, anh ấy vừa thuyết phục tôi về một vấn đề nào đó, khoe một bài thơ, hay một bài xã luận của anh đăng báo.
Lúc đó, bà Tư nhìn tôi như một người bạn của con trai bà. Không phân biệt nam,nữ, chỉ biết con trai bà vui vì có bạn. Bà mong con trai bà có vợ không? Hình như có. Nhưng bà không xen vào chuyện đó. Cô nào cũng được , miễn nó ưng là bà chịu liền, cho có người cột chân, cột cẳng và chăm sóc con trai bà.
Tôi không nhớ trong khoảng thời gian chúng tôi yêu nhau, tôi đã mua hay tặng bà vật gì, hay mua riêng cho bà một thức ăn nào, trái cây nào bà thích. Tôi chỉ nhớ, tôi đã ăn ké quà của bà cho con trai không kể xiết: mùa chôm chôm, có chôm chôm, mùa xoài ,bà mua xoài, nhãn, sầu riêng, mãng cầu, bánh ngọt, khoai ,…nghĩa là đủ thứ ở chợ có bán , mỗi khi bà đến thăm anh ấy. Bà mang đến, và tôi được ăn, nếu tôi có mặt, còn không, anh để dành cho tôi.
Thuở ấy, bà Tư làm nghề bán cẩm thạch. Bà mang đến khoe với anh, bà đã mua những chiếc vòng cẩm thạch giá rẻ, những chiếc nhẫn ngọc bích, những mặt dây chuyền hình trái tim, hình đức Phật … Thế là anh ấy xin, (nếu lúc đó bà có tiền), hoặc gởi lại nửa vốn (nếu bà nói hết tiền), và để dành … tặng tôi. Đôi khi bà bắt gặp tôi đeo nó, chiếc nhẫn bằng ngọc bích, chiếc vòng xinh xắn có màu xanh biếc, bà giả vờ không nhận ra. Có lẽ bà sợ tôi e ngại, nhưng tôi bắt gặp ánh mắt tinh quái của bà nhìn anh ấy cảm thông. Cứ nhớ nụ cười chúm chím của anh khi thấy ánh mắt đó, và thái độ giả lãng nói chuyện khác của anh,…lòng tôi ngập tràn vừa hạnh phúc, vừa xấu hổ.
Tôi sống ngụp lặn trong tình yêu, tình yêu của hai người, một người đàn ông và một bà mẹ tinh tế hiểu biết, cả quãng đời son trẻ của mình.
Sau ngày thống nhất, tôi xách quần áo về nhà bà Tư ở, không cưới hỏi, không tuyên hôn. Gia đình tôi phản đối, bạn bè tôi dè bỉu. Nhưng, lúc này, anh ấy nghèo rồi, bà Tư cũng nghèo rồi, và cả ba, bà Tư, anh ấy và tôi đều chỉ chuộng tấm lòng chứ không chuộng tờ khế ước mà xã hội qui định.
Hai mươi tư tuổi, tôi vẫn là trẻ con, vì được che chở trong vòng tay của anh. Anh lo cho tôi mọi thứ. Nuôi tôi đi học đại học, sắm từng món nữ trang, chăm chút cho quần áo, sách vở, cả về mặt tư tưởng… Tôi như cái bóng của anh . Anh trao vào tay tôi những ước mơ của anh, và, như thế, cả gia đình anh không ai có thể “đụng“vào tôi. Khi nhận tình yêu của anh, tôi quên mất người thân chung quanh, cả người thân của tôi lẫn người thân của anh. Tôi sống lặn hụp trong tình yêu đó, và chỉ biết anh là duy nhất trên đời.
Tôi quên cả chính tôi. Mọi thứ cho anh. Tôi quên cả bà Tư, vì bà Tư cũng chỉ biết có anh ấy. Tôi chưa bao giờ nhớ rằng tôi đã nhắc nhở chồng tôi hay bản thân tôi mua một món quà nào gởi tặng bà Tư sau những chuyến đi xa, và cũng chẳng có những món quà trong dịp lễ, tết. Tôi đã từng xin tiền bà Tư, nhưng không nhớ mình đã gửi bà tiền lần nào chưa…?!!!
Tôi cứ vô tâm, chồng tôi cứ vô tâm cho đến ngày chồng tôi mất… và cho đến ngày bà Tư mất.
Tôi không nhớ bà Tư đã có bao giờ trách chúng tôi điều này, nhưng hình như bà cho rằng đó là điều tự nhiên, tự nhiên như “ nước mắt chảy xuống “. Không đòi trả ơn, hay không thèm đòi hỏi gì hơn ở những đứa con đã tự mãn khi thành đạt. Bà không đòi tôi một bổn phận, một trách nhiệm nào đối với bà. Bà chỉ muốn tôi mang niềm vui đến cho con bà.
Chỉ riêng tôi là một người dâu không được bà Tư dạy buôn bán, tuy rằng sau nầy, khi chồng tôi mất, tôi đã áp dụng rất nhiều nghệ thuật buôn bán của bà mà tôi học lóm được trong khoảng thời gian dài sống trong gia đình chồng.
        Các cô con dâu khác của bà đều phải đi theo bà buôn bán tại chợ. Bà tạo dựng cho từng người “ để nó có tiền giúp đỡ chồng nó”, bà gây vốn cho từng đứa, “ để chúng nó tự lập”. Bà thương dâu như thương con gái. Tôi cứ nghĩ như vậy vì chồng tôi không có chị em gái. Quay trước, ngó sau, bà có bốn con trai và một ông chồng. Đơn thân độc mã trong gia đình toàn đàn ông, nên bà quý các cô dâu lắm. Không biết nếu bà có con gái, bà sẽ thương nó như thế nào, nhưng bà Tư lo cho con dâu thì … trên cả tuyệt vời. Cho nó vốn, tìm cho nó việc làm. Nó thất bại, gây dựng lại cái khác. Chắt chiu, gom góp mua cho vợ chồng chú Tư căn nhà. Vợ chú Tư làm đầu thảo hui, hụi vỡ, bán nhà. Bà giúp cho mua căn nhà nhỏ hơn, lại vỡ hụi, rồi …quay về sống với bà. Căn nhà nhỏ chứa vợ chồng đứa cháu nội, con người trai cả . Bố nó mất lúc nó ba tuổi, mẹ nó lấy chồng khác, đem về cho ông bà nội nuôi…
         Tôi biết rằng mẹ chồng tôi thương tôi vì tôi thương chồng tôi. Khi chồng tôi mất, bà là người phản đối gia đình khi họ đề nghị tôi trở về nhà tôi để giành lại căn phòng của chúng tôi. Bà đã bênh tôi và là người chảy nước mắt nhìn sự đau khổ của tôi. Tôi không biết có sống được hay không, nếu không có bà sau khi chồng tôi mất.
        Tôi thật sự cô đơn. Mẹ tôi đã mất. Gia đình tôi đã không đồng ý khi tôi về nhà anh ấy, nên tôi không muốn trở lại gia đình. Chỉ có bà Tư bên cạnh. Hai người chở nhau, lang thang đi tìm thuê nhà để tôi được yên ổn sống. Hơn một năm, cuối cùng tôi phải quay về, sửa lại căn nhà được thừa tự và làm việc, gây dựng lại mọi thứ. Sống một mình trong căn nhà rộng thênh thang, tôi năn nỉ bà ở lại với tôi, nhưng, bà còn “ tụi nhỏ”; cái “ tụi nhỏ” đã sắp làm ông bà nội, bà ngoại, vẫn còn vướng víu quanh chân bà.
       Nếu mẹ tôi còn sống, mẹ cũng thương tôi, nhưng không chia xẻ hết nỗi đau của tôi. Tôi và bà Tư, hai người cùng yêu một người đàn ông, và cùng một nỗi đau xé lòng khi người đó nằm xuống. Tôi biết bà đã rất thương chồng tôi. Bà chịu đựng chồng tôi đủ mọi chuyện, những cơn bực tức, những ước muốn lập dị của anh …Chồng tôi đã trưởng thành mà vẫn còn “ nũng nịu ” với mẹ. Có khi tôi nghe anh quát lại bà, nếu bà tỏ ra tình cảm quá trong công việc nào đó. Cũng có khi tôi bắt gặp nét mặt sung sướng, ánh mắt rạng ngời của bà ngồi phía sau xe chồng tôi. Nét mặt tự mãn của một bà mẹ sung sướng vì đứa con của mình thành đạt và đang dang lưng, dang tay chở che cho mình.
         Có khi tôi có cảm tưởng bà Tư lặng ngắm chồng tôi với niềm hạnh phúc tự hào. Người đàn ông đẹp trai, hoạt bát, tinh tế kia lại là con trai của bà. Đó là máu, là thịt, là xương của bà, bà đã tạo tác ra. Đối với bà, chồng tôi là một tác phẩm hoàn hảo nhất, đã khiến đôi lúc bà ngỡ ngàng, ngạc nhiên … Con trai của bà được như thế này ư ! Hình như đó là của Tiên, của Phật, của Thánh Thần nào đó. Bà không dám xưng mẹ với chồng tôi. Thuở nhỏ, chồng tôi khó nuôi, bà mang ký gửi cho một nhà sư và vị này đã bảo bà phải xưng hô như thế, chồng tôi mới có thể sống lâu được. Để đến hôm nay, sự hy sinh cuả bà được đáp trả bằng hình hài khôi ngô kia, lúc nào cũng dang rộng tay che chở cho bà …
Nhưng, đứa con đã nằm xuống trước bà mẹ, không thể che chở cho mẹ được suốt đời… đã bỏ đi xa lơ, xa lắc, đi vĩnh viễn rồi …
Tôi không biết bà Tư đã thương tôi ở điểm nào ? Tôi về sống với bà với tính trẻ con, không hiểu biết … Bà không răn dạy tôi điều gì. Không nói ra, nhưng tôi nghĩ là, bà chỉ cần tôi yêu con bà, hy sinh cho con bà, tạo cho con bà hạnh phúc là…bà thương tôi. Thế thôi. Đơn giản thế thôi. Tôi biết thế, tôi cảm nhận được như thế.
        Khi đứng trước phòng mổ chờ ca mổ ung thư bao tử của bà, tôi chợt chạnh lòng, chợt biết rằng mình chỉ còn một người thân duy nhất. Người đó thông cảm tôi, hiểu biết tôi, và thương tôi không vụ lợi. Tôi không thể chia xẻ gì đuợc với mẹ chồng tôi nỗi đau thể xác cũng như tinh thần. Tôi đứng ngoài. Suốt đời tôi đứng ngoài nhìn bà Tư, có cảm thông nhưng không biết gì hay không biết làm gì để sớt chia nỗi đau của bà. Tôi bất lực nhìn bà oằn oại trong những cơn đau. Những người trong bệnh viện thấy tôi chăm sóc bà, cứ ngỡ tôi là con gái của bà. Họ hỏi tôi “ tại sao gọi là bà Tư ?” Tôi lặng thinh. Ngôn ngữ trần gian bất toàn để có thể giải thích những gì thuộc về tâm linh, cũng như nó không biểu tượng được gì hết nếu trong đó không có tấm lòng.
Tôi chưa bao giờ gọi bà Tư bằng Mẹ. Nhưng, tôi biết tôi thương bà như thương mẹ tôi. Có thể vì tôi yêu chồng tôi, nhưng, lớn hơn, cao hơn vì tôi cảm phục đức độ và tấm lòng của bà đối với tôi. Bà mẹ chồng đầy lòng vị tha…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ở NHÀ MỘT MÌNH ( Không giống phim ở nhà một mình của cậu bé 7 tuổi mà là bà già 70 tuổi ở nhà một mình để tránh virus Covid 19)   ...