TBKTSG) - LTS: Xây
dựng và đưa vào hoạt động thành công một trường đại học tư thục phi lợi
nhuận đúng nghĩa ở Việt Nam là một công việc khó khăn; còn mô hình đại học
tư vì lợi nhuận cũng không tránh được những xung đột quyền lợi như các vụ
tranh chấp vừa diễn ra đã cho thấy. Chúng tôi mời các chuyên gia nặng lòng
với nền giáo dục đại học nước nhà ngồi lại qua một bàn tròn để tìm ra một
mô hình thích hợp, ít nhất ở góc độ nguyên lý hoạt động. Tham gia bàn tròn
lần này gồm TS. Huỳnh Thế Du (Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright) và
TS. Giáp Văn Dương (mô hình đại học trực tuyến GiapSchool).
Môi
trường giáo dục nào cho phép người ta “mua danh” thì nền giáo dục đó có
khả năng phát triển. Ngược lại, sẽ là thảm họa nếu giáo dục là nơi để một
số ít người kiếm lợi.
Ông Huỳnh Thế Du
|
Giáo
dục có thể mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, như danh tiếng, mong
muốn cống hiến, ý nghĩa cuộc sống... nhưng không nên trực tiếp là tiền.
Ông Giáp Văn Dương
|
TBKTSG: Vì sao ở các
nước mô hình trường đại học tư thục phi lợi nhuận thành công còn ở nước ta
vẫn trầm trầy trầm trật? Rõ ràng vốn không phải là vấn đề lớn?
- Ông Huỳnh Thế Du: Có nhiều yếu tố, nhưng ở đây tôi xin nêu ra vấn đề huy
động nguồn lực tài chính.
Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, con người có lẽ ai cũng vì hai chữ lợi -
danh. Ít ai có động cơ làm một việc gì đó mà thiếu vắng cả hai điều này.
Một điều gì đó thành công cũng đều gắn với lợi hoặc danh hoặc cả hai.
Môi trường giáo dục nào cho phép người ta “mua danh” thì
nền giáo dục đó có khả năng phát triển, nhất là giáo dục đại học. Ngược
lại, sẽ là thảm họa nếu giáo dục là nơi để một số ít người kiếm lợi.
Các đại học ở Hoa Kỳ là một trường hợp thành công điển hình trong việc huy
động nguồn lực tài chính trong xã hội nhờ việc “bán danh”. Hầu hết các
trường đại học thành công và có uy tín nhất ở đây đều là những trường tư
phi lợi nhuận. Không ai được chia lợi nhuận nhưng rất nhiều mạnh thường
quân đã đóng góp những khoản tài chính khổng lồ. Đơn giản là họ được lưu
danh ở đó.
- Ông Giáp Văn Dương: Tôi cho rằng có mấy yếu tố để đảm bảo một đại học tư
thục thành công, là: Con người, vốn đầu tư, động cơ làm việc và văn hóa xã
hội.
Con người ở đây là thầy và trò. Các trường tư thục ở ta
thiếu trầm trọng về đội ngũ giảng viên. Mang danh một đại học mà đội ngũ,
khoan nói đến chất lượng, có khi chỉ có vài người cơ hữu, còn phần lớn là
giảng viên về hưu hoặc kiêm nhiệm thêm. Nếu nhìn vào danh sách 207 ngành bị
Bộ Giáo dục và Đào tạo từng yêu cầu dừng tuyển sinh do không đáp ứng được
tiêu chí có một tiến sĩ và ba thạc sĩ thì thấy các trường tư thục cũng
chiếm một phần khá. Còn trò thì cũng rất yếu. Các trường phải vét tận đáy,
mà vẫn không đủ sinh viên nhập học. Như vậy thì làm sao có thể thành công?
Về vốn đầu tư thì nói chung là nhỏ lẻ, không đến tầm.
Nhìn vào chương trình đào tạo sẽ thấy hầu hết là những ngành dạy chay,
không cần đầu tư máy móc thiết bị. Trường sở thì chủ yếu đi thuê, nay đây
mai đó. Có trường tuyển sinh đào tạo cả chục năm rồi mà vẫn chưa có phòng
ốc riêng.
Văn hóa xã hội ở ta cũng không mặn mà gì với giáo dục
ngoài công lập. Tư nhân, nói chung vẫn bị phân biệt đối xử với nhà nước. Mà
tâm lý người dân nói chung, sau mấy chục năm bao cấp, cũng thích bám vào
nhà nước hơn. Việc chỉ chăm chăm chạy vào biên chế, bất chấp lương thấp,
không phát huy được hết khả năng là một ví dụ.
Nhưng đáng ngại nhất là động cơ của việc mở trường đại
học. Vẫn có những động cơ trong sáng, vô vị lợi. Nhưng phần lớn mở trường
không phải để giảng dạy, mà để... chiếm đất. Được cấp đất rồi, chỉ cần một
tờ trình chuyển đổi mục đích sử dụng là sẽ thành dự án khác ngay tắp lự.
Tức mở trường chỉ là một cái cớ, để hợp lý hóa các dự án bất động sản đã
được ủ sẵn. Vì thế, khi thị trường bất động sản chùng xuống thì cũng chẳng
ai còn hứng thú gì với việc mở trường nữa.
Tất cả những điều này làm cho chất lượng đào tạo của các
trường ngoài công lập thấp, tạo một cái vòng luẩn quẩn, làm cho thầy chán,
trò chán, nhà tuyển dụng chán, nhà quản lý và xã hội không tin tưởng, nên
các trường đại học tư thục rất khó thành công.
TBKTSG: Nhưng có một
lưu ý thú vị là trong khi các trường đại học tư thục không thành công, thì
các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, thậm chí cả trung học phổ
thông lại khá thành công, theo nghĩa tự chủ được tài chính và được xã hội
tín nhiệm, dù mức học phí rất cao. Bậc học càng thấp thì trường tư thục
càng được đánh giá cao. Vậy đâu là nguyên nhân của sự khác biệt này?
- Ông Giáp Văn Dương: Rõ ràng giáo dục ở bậc phổ thông và đại học khác hẳn
nhau về chất. Với bậc học thấp, chỉ cần cơ sở vật chất tốt và tác phong
thân thiện là đã đáp ứng được yêu cầu của phụ huynh học sinh. Chuyên môn
không đòi hỏi đặc biệt lắm, nhiều thầy cô đáp ứng được nên có thể tuyển
được nhiều giảng viên giỏi. Nhưng ở bậc đại học thì không. Cơ sở vật chất
chỉ là một phần của câu chuyện, mà chất lượng giảng viên, nội dung chương
trình, uy tín của nhà trường với xã hội mới là cái quyết định. Những điều
này đòi hỏi đầu tư tốn kém, cả thời gian và tiền bạc, và bị kiểm chứng nhãn
tiền thông qua thị trường lao động, nên hầu hết các trường tư thục không
đáp ứng được. Đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự thất bại của nhà
trường.
TBKTSG: Có hay không
khả năng huy động vốn theo dạng endowment (hiến tặng) ở Việt Nam? Động cơ
nào cho các nhà đầu tư bỏ tiền cho một dự án đại học mà chắc chắn không bao
giờ họ thu lại được vốn bỏ ra? Như thế trường thuộc sở hữu của ai?
- Ông Huỳnh Thế Du: Nhìn vào các đại học tư thục thành công như ở Mỹ sẽ thấy
ít nhất hai yếu tố tạo ra sự thành công trong việc huy động vốn theo dạng
endowment.
Thứ nhất, hầu hết các cơ sở vật chất của trường đều mang
tên một hay một nhóm người nào đó mà đa phần là tên của các nhà tài trợ hay
những cá nhân có đóng góp cho sự phát triển của trường. Đây là khuyến khích
có thể nói là quan trọng hàng đầu để nhiều người quyên góp hoặc tự bỏ tiền
ra xây trường.
John Harvard, người được vinh dự lấy tên đặt cho ngôi trường được xem là
thành công nhất thế giới hiện nay, chỉ là một người quyên góp tài sản cho
trường sau hai năm thành lập. Trường hợp của Stanford hay Vanderbilt thì
quá rõ ràng. Hai tỉ phú này đã bỏ tiền ra xây và lấy tên mình đặt tên cho
ngôi trường.
Thứ hai, với một xã hội công dân cởi mở, ai cũng có thể
được công nhận hay tôn vinh nhờ việc cho đi của mình nên thói quen cho đi
hay làm từ thiện đã ngấm vào máu của không ít người. Trong môi trường này,
nhiều người nhận ra rằng thành công mà họ có được là nhờ sự giúp đỡ của rất
nhiều cá nhân và tổ chức. Trong đó, những nơi dạy dỗ họ là có ý nghĩa nhất.
Do vậy, nhận được nhiều thì cho đi cũng là điều phải phép.
Đóng góp của cựu học viên có một vai trò rất lớn ở nhiều
trường. Ví dụ, có đến 60% cựu sinh viên của Princeton đóng góp về mặt tài
chính cho trường; năm 2012, các cựu sinh viên đã đóng góp hơn 1 tỉ đô la
cho Stanford, và phần đóng góp của cựu sinh viên chiếm một tỷ phần không
nhỏ trong endowment gần 40 tỉ đô la của Harvard hiện nay.
- Ông Giáp Văn Dương: Đây là vấn đề văn hóa, hơn là vấn đề giáo dục. Endowment
quen thuộc với văn hóa Âu Mỹ, nhưng khá xa lạ với văn hóa phương Đông, lại càng
xa lạ với văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam thích đầu tư hoặc dành dụm cho
con cháu dòng họ hơn là cho cộng đồng. Trách nhiệm xã hội vẫn còn là một
khái niệm rất mới, chưa đi vào thực tế. Chắc phải khá lâu nữa mới có sự
chuyển trách nhiệm từ gia tộc sang cộng đồng.
Còn trường thuộc sở hữu của ai cũng là câu hỏi hay. Nếu
động cơ là gây dựng danh tiếng cho cá nhân, thì tất nhiên trường sẽ được
thiết kế để sở hữu thuộc về cá nhân đó. Còn nếu động cơ là phát triển cộng
đồng, thì trường sẽ thuộc sở hữu của cộng đồng. Nhà đầu tư khi đó chỉ là
người khởi tạo ban đầu, có khi một vài năm sau đã không còn dính dáng gì
đến hoạt động của trường rồi.
TBKTSG: Giai đoạn
đầu có thể nào tạm thời chấp nhận loại hình trường tư vì lợi nhuận rồi hy
vọng sau đó dần dần chuyển chúng thành phi lợi nhuận?
- Ông Giáp Văn Dương: Tôi rất nghi ngờ khả năng này. Cá nhân tôi cho rằng,
giáo dục nói chung không phải là nơi để kiếm lợi nhuận. Giáo dục có thể
mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, như danh tiếng, mong muốn cống hiến,
ý nghĩa cuộc sống... nhưng không nên trực tiếp là tiền.
- Ông Huỳnh Thế Du: Tôi cũng rất nghi ngờ khả năng này. Cũng có một số
trường vì mục tiêu lợi nhuận thành công như Đại học Phoenix ở Mỹ chẳng hạn.
Tuy nhiên, khi trường đang ăn nên làm ra thì chẳng có lý do gì để cổ đông
từ bỏ lợi ích tài chính của mình.
Vấn đề ở chỗ là khả năng trở thành nơi bán bằng của các
đại học vì lợi nhuận rất cao. Ngay cả ở thiên đường của thị trường tự do
như ở Mỹ cũng có rất nhiều ý kiến chỉ trích mô hình này. Không ít người ở
Việt Nam đã “tốt nghiệp” từ những cỗ máy bán bằng như vậy.
TBKTSG: Chính sách
nhà nước nên như thế nào để kích thích sự ra đời của loại hình trường đại
học tư phi lợi nhuận?
- Ông Huỳnh Thế Du: Nếu bây giờ Việt Nam có cơ chế để các cá nhân khi cho đi
tài sản của mình có thể được lưu danh cộng với việc tạo ra một môi trường
học thuật thực sự tự do thì trong tương lai có một đại học “Lê Văn A” nào
đó lừng danh thế giới là hoàn toàn có thể.
Giáo dục là nơi có thể tạo ra danh dễ và tốt nhất. Do
vậy, nên để cho các mạnh thường quân có cơ hội lưu danh thay vì tạo cơ hội
cho một số ít kiếm chác như hiện nay.
Một vấn đề rất lớn trong cơ chế hiện tại là coi trường
học như công ty cổ phần với các quyết định được dựa trên tỷ lệ sở hữu.
Trong một xã hội trọng bằng cấp và khó phân biệt được vàng thau thì khả
năng trục lợi bằng việc “bán bằng” là rất có thể.
- Ông Giáp Văn Dương: Việc đầu tiên Nhà nước có thể làm là không phân biệt đối
xử. Các đại học công đều được đầu tư, nhưng các đại học tư thì hầu như
không. Thứ hai là có chính sách ghi nhận và khuyến khích các cá nhân hiến
tặng tài sản của mình cho giáo dục. Và thứ ba là để các trường tự chủ tối
đa trong việc phát triển, nhưng giám sát chất lượng chặt chẽ, để chất lượng
đào tạo của đại học tư không thua kém đại học công. Không cần nhiều như
hiện giờ mà chỉ cần vài trường tư thục thật tốt là được rồi.
TBKTSG: Rốt cuộc các
trường dù phi lợi nhuận vẫn phải đào tạo các môn do nhu cầu thị trường chứ
khó lòng đi theo hướng đại học nghiên cứu hay đại học liberal arts (nhân
văn). Làm sao giải quyết điều này? Mức học phí từ 30-50% chi phí đào tạo
thì làm sao gia đình bình thường có thể kham nổi?
- Ông Giáp Văn Dương: Thị trường lao động biến đổi rất nhanh. Chạy theo
thị trường lao động không phải lúc nào cũng hay. Việc thừa thãi cử nhân
kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh hiện giờ là một ví dụ. Viễn cảnh
đào tạo những ngành nghề, dịch vụ còn chưa xuất hiện cũng là điều các đại
học phải cân nhắc. Vì thế, tôi cho rằng, các đại học cần định tâm làm đúng
chức năng của mình: nơi khám phá và truyền bá tri thức, hơn là chạy theo
những nhu cầu cụ thể của thị trường.
- Ông Huỳnh Thế Du: Vai trò của hướng nghiệp được không ít người nhắc đến.
Tuy nhiên trên thực tế, rất khó để sinh viên, nhất là học sinh cấp 3 biết
mình muốn gì và nên học ngành gì cho dù các em được hướng dẫn hay tư vấn
rất kỹ như ở một số nước phát triển.
Trên thực tế, hầu hết học sinh thường lựa chọn theo tâm
lý đám đông. Bản chất cuộc sống là những cuộc chạy đua lên đỉnh. Những
ngành đang được thị trường ưa chuộng thì nhiều người rỉ tai nhau nộp hồ sơ
và có nhiều ứng viên tốt. Ngược lại những ngành thu nhập thấp hay khó tìm
việc làm thì ít ai muốn học, trừ một số ít thực sự đam mê.
Đánh vào hầu bao cá nhân là giải pháp trong trường hợp
này. Những ngành nhiều người có thể trang trải chi phí thì để cho thị
trường quyết định và Nhà nước chỉ trợ cấp phần tương ứng với ngoại tác tích
cực mà chúng tạo ra. Đối với những ngành có ích cho xã hội nhưng không có
nhiều người học thì cần khuyến khích.
Trường hợp ngành sư phạm là một ví dụ rất rõ ở nước ta.
Đầu thập niên 1990, sư phạm được đối xử như những ngành khác trong lúc kinh
tế đang lên, sư phạm thì khó kiếm việc và những ngành khác thì thu thập
cao. Hậu quả là “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” để tạo ra một thế hệ
giáo viên với nhiều người rất kém. Tuy nhiên, khi chính sách miễn giảm học
phí được áp dụng thì sư phạm đã được ưa chuộng hơn rất nhiều.
Một mấu chốt quan trọng đối với giáo dục Việt Nam hiện
nay là cần có những người làm chính sách có độ nhạy với thị trường và tầm
nhìn dài hạn. Ở đâu thì giáo dục cũng cần vai trò và trợ cấp của Nhà nước
cho dù là trường công hay trường tư. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách
cần biết các xu hướng của thị trường và nhu cầu của nền kinh tế để có những
quyết định phân bổ nguồn lực phù hợp chứ không nên có tâm lý “con đẻ hay
con nuôi”.
|