Đại
học Quốc Gia TPHCM, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn-Khoa Lịch Sử,
nxb Tổng hợp TPHCM, 2012.
Vài hàng cảm nghĩ
Tôi đã học thầy Nhung vào những năm thầy chưa được
phong hàm PGS, nhưng nghe các giảng viên có học vị học hàm trong khoa kính trọng
thầy lắm lắm. Mà, kính trọng cũng là phải vì kiến thức của thầy về lịch sử,
không chỉ là lịch sử thế giới đến lịch sử Việt Nam cũng rất phong phú, đầy
tràn. Tôi dùng chữ đầy tràn ở đây có nghĩa là nếu bấm nút vào vấn đề gì thì…thầy
cũng có thể tuôn tràn ra kiến thức, những kiến thức do kinh nghiệm, do tự sáng
tạo chứ không phải do…sách vỡ. Điều này làm hấp dẫn chúng tôi, những sinh viên
của thời mở cửa he hé, mở cửa he hé để dạy các lớp đại học chỉ ghi danh, không
thi cử gì. Do đó sinh viên có những người trên 70, 60, 50, 40,… những thành phần
ham học bị bít lối vào khóa chính quy vì quá tuổi, tham gia học. Do thành phần
sinh viên…phức tạp như thế, muốn cho họ nể phục thì phải rất …cứng khi đứng
trên bục giảng. Thầy Nhung là một trong những giảng viên như thế lúc bấy giờ.
Tôi nợ thầy Nhung nhiều thứ. Thứ nhất khi làm luận
văn tốt nghiệp. Thú thật khi đó tôi ngán lịch sử Việt Nam vì nó…cứng ngắt, một
chiều quá (bây giờ đở hơn rồi) nên phải chọn lịch sử thế giới … dễ chịu hơn. Với
một ít sách và tài liệu trong tủ sách tại nhà, tôi chọn Kinh tế Campuchia thời
Sihanouk. Trời, khi tôi chọn như thế, có nghĩa tôi phải khen ngợi vào thời gian
Sihanouk trị vì Campuchia, nền kinh tế nước này cực thịnh, mà tôi có bằng cớ chứng
minh cực thịnh thật. Lúc này ông Hoàng Campuchia chưa về nước còn đang ở Trung
Quốc (cuộc chiến tranh Việt Nam-Trung quốc chưa xóa được trong lòng người Việt).
Hunsen đang được ngợi ca. Tôi leo lên lưng cọp khi chọn đề tài này và đề nghị
thầy Nhung hướng dẫn. Thế là viết. Viết mươi trang đến nhà đưa cho thầy. Những
trang nháp được sửa đỏ loe đỏ loét… “Chị muốn chết hay sao mà viết như thế
này”…Tôi tranh luận, nhưng cũng phải sửa cho luận văn nhẹ nhàng hơn…Và, khi ra
hội đồng thầy bênh vực quan điểm của tôi đến nơi đến chốn, hẳn nhiên nhờ thầy
cũng được thông qua.
Cái quái dị của tôi là thích chọn các nước trung lập.
Lần thứ hai, khi học ở Viện Khoa học Xã hội phía Nam, tôi lại lò mò đến đề nghị
thầy hướng dẫn tiểu luận Cao học về “Ảnh hưởng thuyết bất bạo động của Gandhi
vào phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ”. Lần này cũng “Chị muốn chết hay sao
mà viết như thế này”…cũng bị sửa đỏ loe đỏ loét ngay từ trang đầu,…May mà tôi
chưa hỏi thầy câu tôi hỏi giáo sư Trần văn Giàu (thầy Giàu cũng hướng dẫn tôi để
tài này do GS Mặc Đường giới thiệu): tại sao Việt Nam không theo thuyết bất bạo
động của Gandhi để tránh đổ máu nhiều quá khi giành độc lập dân tộc? (thầy Giàu
nói là lúc đó thầy được bác Hồ cử qua Ấn Độ gặp thánh Gandhi). Thầy Giàu cười.
Tôi cũng cười. Sau đó tôi phải dừng lại và làm luận văn thạc sĩ về lịch sử Việt
Nam cận hiện đại. Tôi đã viết về xong đề tài về Ấn Độ này nhưng cất trong tủ
sách.
Như thế, tôi có được bằng cử nhân cũng nhờ cây cao
bóng cả của thầy Nhung. Bởi lẽ nếu không có thầy, tôi sẽ bỏ luận văn hoặc sẽ viết
về một đề tài mà tôi không thích. Hai thứ tôi đều không muốn.
Cái cây cao bóng cả ấy gặp tôi ở đại học Hùng Vương.
Tôi lại bạo gan một lần nữa đề nghị thầy đổi mới phương pháp giảng dạy theo ý
Giáo sư Ngô Gia Hy (lúc đó là hiệu trưởng trường, một người có nghiên cứu về
phương pháp dạy đại học ở Âu Mỹ từ trước). Đúng là tôi điếc không sợ súng, dám
đề nghị một vị đã dạy đại học 50 năm thay đổi phương pháp dạy là cho sinh viên
đề tài và để sinh viên thuyết trình trong các buổi học. Thầy không phản ứng, chỉ
nói là sẽ học cái gì qua những buổi thuyết trình đó, sinh viên cũng chỉ chép từ
sách ra, không có gì mới…Những lần gặp sau đó thầy quên mất sự “vô phép” của
tôi, còn ân cần khuyến khích tôi học thêm nữa.
Đấy là những kỷ niệm của tôi về thầy Đỗ văn Nhung.
Tôi kính trọng thầy từ đầu không vì những học hàm thầy được phong sau này. Tôi
chỉ nhớ khi tôi hỏi thầy sao thầy không viết nhiều sách để in, thầy bảo: nếu viết
đúng sự thật thì không thể in được, thôi thì đừng viết là hơn…
Nguyễn
Hồng Cúc
2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét