Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

CỔ TỰ GIÁC LÂM NHÌN TỪ CÁCH TIẾP CẬN LỊCH SỬ

CỔ TỰ GIÁC LÂM
NHÌN TỪ CÁCH TIẾP CẬN LỊCH SỬ
Th.s Nguyễn Hồng Cúc
(Bài đã đăng trong kỷ yếu kỷ niệm 270 năm cổ tự Giác Lâm)
Quá trình hình thành cộng đồng dân cư Nam Bộ là sự có mặt của người Khmer, người Việt, người Hoa và người Chăm tuy khác thời điểm nhưng lại có chung một số phận. Họ đều là những lưu dân, vì những hoàn cảnh khác nhau đã rời bỏ quê hương phiêu bạt đến vùng đất mới. Việc khai hoang lập làng không chỉ là khát vọng của những người nông dân nghèo xa xứ mà còn là chủ trương của các chúa Nguyễn trong cuộc củng cố thế lực và sức mạnh để đối đầu với chúa Trịnh trong thời gian này.
I. CHÙA GIÁC LÂM TRONG LỊCH SỬ TRIỀU NGUYỄN
Năm Kỷ Mùi (1679) đời Chúa Hiền - Nguyễn Phước Tần, khi nhà Thanh đánh bại nhà Minh chiếm Trung Hoa, tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình, chạy sang Việt Nam lánh nạn, được Chúa Hiền chấp thuận cho định cư tại vùng đất Đồng Nai. Được các chúa Nguyễn trọng dụng, cư dân bản địa tiếp nhận và hỗ trợ, các cộng đồng người Minh Hương đã lần lượt ra đời. Những cố gắng và cống hiến của người Minh Hương đã tạo cho họ có chỗ đứng vững chắc và vị trí khá quan trọng trong lòng xã hội Việt Nam.
Năm 1698, chúa Nguyễn cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Đồng Nai hình thành các đơn vị hành chính,
Năm Giáp Ngọ (1744), chúa Võ vương tổ chức lãnh thổ Đàng Trong thành một nước riêng biệt, coi như ngang hàng với Đàng Ngoài chớ không chịu thần phục vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài nữa. Chúa đã cho mở rộng lãnh thổ Đàng Trong, phát động phong trào di cư đông đảo đến huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn của phủ Gia Định, tức vùng đất Sài Gòn - Gia Định sau này. Dân chúng từ các địa phương miền Trung nước Việt và vùng Đồng Nai di chuyển đến huyện Tân Bình.
 Cùng năm này, chùa Giác Lâm được thành lập, “Mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời vua Thế Tôn năm thứ bảy, người xã Minh Hương là Lý Thụy Long quyên của xây dựng nhà chùa”[1] Lúc này chùa chỉ là một miếu thờ của người Minh Hương, cất bằng cây thường và không mỹ thuật, cột kèo bằng cây tạp nên dễ hư mục.
Năm 1767, Taksin (tên Việt là Trịnh Quốc Anh, cha là người Hoa, mẹ là người Thái) lên ngôi vua Xiêm (Thái). Hai năm sau, vua Taksin mở cuộc chiến tranh với các chúa Nguyễn giành quyền kiểm soát Campuchia. Sau những thất bại ban đầu, liên quân Xiêm-Miên đã đánh bại quân đội chúa Nguyễn năm1771  1772. Các thất bại này đã giúp cho nhà Tây Sơn loại bỏ các chúa Nguyễn khỏi quyền lực tại Nam Bộ.
Năm 1771, phong trào Tây Sơn bùng nổ. Nhà Tây Sơn đã xử tử Nguyễn Phúc Thuần-Nguyễn Phúc Dương tại chùa Kim Chương (chùa này hiện tại ở đường Nguyễn Trải gần đường Cống Quỳnh).
Như thế chùa Giác Lâm hiện diện và tồn tại trong một hoàn cảnh lịch sử đầy biến động và trong một thời đại nhiều tranh chấp.
Đến năm 1774, sau 30 năm, Lý Thụy Long đến chùa Từ Ân ở Gia Định do hòa thượng Linh Nhạc-Phật Ý để mời vị Hòa thượng này cử người đến trụ trì. Sư Viên Quang được cử đến đã đổi tên chùa từ Cẩm Đệm thành chùa Giác Lâm và xây dựng trùng tu lại Chùa
II. TRỊNH HOÀI ĐỨC VÀ CHÙA GIÁC LÂM
Thiền sư Tổ Tông Viên Quang (1758 - 1827) (Đời pháp thứ 36, tông Lâm Tế) là người Minh Hương vì ông nội của Sư là một trong số tướng sĩ trong đạo quân của Tổng binh Trần Thượng Xuyên của nhà Minh. Lúc còn nhỏ, Thiền sư Viên Quang đã tu học ở chùa Đại Giác, (trụ trì là Hòa thượng Thành Đẳng Minh Lượng) sau  đó qui y thọ giáo với đệ tử của Hòa thượng Thành Đẳng là Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc (người thành lập chùa Từ Ân ở Gia Định năm 1744).
Thiền sư Viên Quang giỏi chữ Hán, uyên thâm cả Phật học và Nho học. thường diễn giảng kinh pháp cho Tăng chúng ở chùa.  Thiền sư và Trịnh Hoài Đức là bạn thân. Thiền sư Viên Quang chọn đường tu hành, Trịnh Hoài Đức theo Nho học, làm quan dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, được thăng đến chức Hiệp biện Đại học sĩ, tước An toàn hầu.
Khi về chùa Giác Lâm, Thiền sư Viên Quang đã là một vị cao tăng uyên bác. Với tâm nguyện phổ hóa Phật pháp, Thiền sư mở rộng chùa Giác Lâm thành Phật học xá, kêu gọi chư Tăng khắp nơi ai muốn học Phật pháp thì đến, chùa đài thọ cho học tăng mọi phí tổn, từ việc ăn uống đến kinh sách, tập bút...
Năm Mậu Ngọ (1798),lúc này nhà Nguyễn đã thu phục gần hết Việt Nam, tình hình Đàng Trong hơi yên ổn, Thiền sư Viên Quang cho xây cất chùa lại bằng các loại gỗ quí, cột được làm bằng lõi cây, đường kính bốn, năm tấc nên rất chắc, không bị mối mọt và mục nát.
Năm Giáp Tý (1804), việc xây cất lại chùa Giác Lâm hoàn thành, các câu đối được khắc ngay trên cột, nên các tấm liễn này cũng rất bền chắc; những chữ Nho khắc trên cột rất mỹ thuật, lớp vàng mạ sơn lên chữ Nho làm bằng vàng sáng óng ánh. Hiện trong chùa còn hai tấm liễn có ghi:
Vạn pháp đài trung tuyên Tứ đế, báo Phật Tổ hồng ân kỳ phong điều vũ thuận.
Đại hùng bảo điện diễn Tam thừa, chúc Hoàng vương thánh thọ nguyện quốc thái dân an.
(Trên đài Phật pháp, truyền Tứ đế, đáp hồng ân Phật Tổ, cầu mưa hòa gió thuận.
Nơi điện Phật Tổ, diễn Tam thừa, chúc Hoàng vương sống thọ, nguyện đất nước thái bình dân an.)
Trên hai câu liễn có khắc các hàng chữ : “Gia Long tam niên Giáp Tý, thái tuế trọng Đông, kiết đán” và “Mộc Ân đệ tử, thiện tín chúng đẳng khẩn bái phụng cúng” cho chúng ta biết được Phật tử Mộc Ân và thiện nam tín nữ khẩn thành lễ bái và phụng cúng vào ngày tốt, trọng Đông (tháng 11) năm Giáp Tý, niên hiệu Gia Long thứ ba (1804).
Khoảng năm 1816-1820, An toàn hầu Trịnh Hoài Đức được Gia Long cử làm Hiệp tổng trấn “Gia Định thành” (gồm sáu tỉnh Nam kỳ sau này). Hiệp biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức gặp lại Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang, cảm hứng sáng tác bài thơ ngũ ngôn:
“Ức tích thái bình thì,
Lộc Động phương thịnh mỹ,
Thích-ca giáo hưng sùng,
Lâm ngoại tổ phú quí.
Ngã vi thiêu hương đồng,
Sư tác chi giới sĩ,
Tuy ngoại phân thanh hoàng,
Nhược mạc khế tâm chí.
Phong trần thứ lương bằng,
Thế giới nhập ngạ quỉ,
Bình ngạnh nhậm phù trầm,
Bào ảnh đẳng sanh tử.
Yểm tứ thập dư niên,
Hoàn thuấn tức gian sự,
Tây giao thích nhàn hành,
Sơn môn ngẫu tương trị.
Ngã Hiệp biện Trấn công,
Sư Đại Hòa thượng vị,
Chấp thủ nghĩ mộng hồn,
Đàm tâm tạp kinh quí,
Vãng sự hà túc luận,
Đại Đạo hiệp như thị.
Nhớ xưa thuở thái bình,
Đất Đồng Nai thạnh mỹ,
Đạo Phật được hưng sùng,
Nhà ngoại thêm phú quí.
Ta đồng tử đốt hương,
Sư theo đòi giáo nghĩa,
Bên ngoài chia đạo đời,
Bên trong đồng tâm chí.
Loạn lạc phải xa nhau,
Thế giới thành ngạ quỉ,
Ta trôi nổi vào ra,
Bọt bèo biển sanh tử.
Mới đó bốn mươi năm,
Chớp nhoáng chuyện thế sự,
Nay bỗng nhiên nhàn hành,
Nơi thiền môn gặp gỡ.
Ta Hiệp biện Trấn công,
Sư Cao tăng Thượng sĩ,
Nhìn xưa như giấc mộng,
Tâm cùng tâm tương nghị,
Chuyện xưa nói sao cùng,
Đại Đạo vốn Như Thị.[2]
Từ đấy Trịnh Hoài Đức cũng thường viếng chùa Giác Lâm và đã tặng chùa câu đối mà chính Ngài đã viết kính điếu thầy học của Ngài là Võ Trường Toản:
Sanh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử,
Một hậu lưu danh tại thế, tuy vong giả bất vong.
(Khi sống dạy dỗ được người, không con như có con,
Lúc mất lưu danh lại đời, tuy mất nhưng không mất.)
Hòa thượng Viên Quang mất tại chùa Giác Lâm vào ngày mùng ba tháng chạp năm Đinh Hợi (1827), thọ bảy mươi tuổi, đồ chúng lập tháp chôn hài cốt tại sân chùa, trên bia tháp chỉ ghi đơn sơ: “Lâm Tế Chánh Tông, Tông Hiến Quang Công, Đại lão Hòa thượng.”.[3]
III. MỐI QUAN HỆ GIỮA CỔ TỰ GIÁC LÂM VÀ CỔ TỰ TÂY AN
Lâm tế là mt trong năm giáo phái Trung Quốc truyn qua Việt Nam như: Lâm tế, Tào đng, Qui ngưỡng, Vân môn và Pháp nhãn. Chùa Giác Lâm là mt chùa theo phái Lâm tế và được triu đình nhà Nguyễn chính thc nhìn nhn.
Trong thời Nhà Nguyễn, Phật giáo được các vua trọng dụng (vì trước đó Nguyễn Phúc Ánh thường lánh nạn trong các chùa, vua Minh Mạng cũng ra đời tại một ngôi chùa ở Đồng Nai), tuy nhiên các sư trụ trì các chùa lớn thường phải được bộ Lễ đề cử và phải được các vua triều Nguyễn chấp thuận. Thiền sư Hải Tịnh Tiên Giác cũng không thoát khỏi luật lệ này. Sau đây là một trong những phiếu tấu của bộ Lễ:
Bọn thần bộ Lễ kính cẩn tâu về việc làm phiếu tấu. Nhân hôm qua có sớ của Thị vệ nói Trụ trì chùa Giác Hoàng là Nguyễn Nhất Định bị bệnh, không kham nổi việc chùa, xin cho về sơn dã. Phụng chỉ ban rằng: “Căn cứ lời tâu Nguyễn Nhất Định đã già bệnh, đã sát nghiệm đúng như vậy. Nay chuẩn cho thảy về sơn dã. Còn Trụ trì chùa này (Giác Hoàng) truyền Nguyễn Văn Thường (Tăng cang Viên Thường Tế Bổn - Trụ trì chùa Thiên Mụ) và Nguyễn Tâm Đoan (Tăng cang Hải Tịnh Tiên Giác - Trụ trì chùa Long Quang) lập tức tuyển trong số tăng sĩ các chùa ở kinh đô (Huế), người nào kiên trì giới luật, khá thuộc kinh giáo, chọn lấy một tên, rồi do Bộ (Lễ) sát hạch, chiếu cấp văn bằng Tăng cang bổ vào làm Trụ trì chùa này để lo việc chùa. Khâm thử.”
Bộ đã ra lệnh cho bọn Nguyễn Văn Thường. Nay theo khai bẩm của Nguyễn Văn Thường thì bọn y đã họp Hội đồng chư sơn các chùa, tuyển chọn hai ba lần, nhưng chỉ có Nguyễn Tâm Đoan, hiện sung chức Tăng cang chùa Long Quang là người am tường kinh giáo, giới luật tinh trì, quả là người mẫn cán trong thiền gia, có thể chọn sung làm Tăng cang chùa Giác Hoàng và bọn y đã cùng nhau làm tờ Tuyển cử và trình bày các lý lẽ.
Bộ cung kính suy nghĩ kỹ lời Chỉ ban rằng: khuyết Tăng cang chùa Giác Hoàng thì do Nguyễn Văn Thường và Nguyễn Tâm Đoan lựa cử. Nay Nguyễn Văn Thường cùng chư Tăng các chùa lại thấy Nguyễn Tâm Đoan sung tuyển, như thế cũng khá ngại, nên đã ra lệnh cho Nguyễn Văn Thường cử lại.
Cứ theo Nguyễn Văn Thường nói thì chùa Giác Hoàng là nơi quan trọng, không như các chùa khác, tăng sĩ tuy nhiều nhưng khó chọn được, chỉ có Nguyễn Tâm Đoan là người giỏi thiền giáo, có thể quản suất Tăng chúng được v.v...
Bọn thần thiết tưởng, các chùa đã họp nhau làm tờ Bảo cử, như vậy cũng có ý kiến thận trọng đối với chùa quan. Vậy cũng nên lấy Nguyễn Tâm Đoan điền bổ làm Tăng cang chùa Giác Hoàng. Như được chuẩn cho, Bộ sẽ chiếu lệ, cải cấp văn bằng để thừa hành công việc. Còn khuyết Trụ trì chùa Long Quang thì sẽ do Bộ sắc bảo Nguyễn Văn Thường tuyển cử người khác điền vào.
Vậy kính dâng phiếu tấu đầy đủ, chờ Thánh chỉ. Kính tâu.
Ngày 16 tháng 9 năm Thiệu Trị thứ hai.
Thần Lê Văn Đức ký, thần Lý Văn Phức ký, thần Nguyễn Văn Thi ký.[4]
Gần như lúc by gi, các chùa trong min Nam đu đt dưới s chi phi ca chùa Giác Lâm, nên khi Đc Pht Thy Đoàn Minh Huyên bị triều đình nhà Nguyễn nghi ngờ, bắt phải vào tu ở chùa Tây An. Chùa Tây An là nơi Phật Thầy Tây An hoằng pháp trong thời gian 1847-1856, là nơi khai sáng ra phái “Bửu Sơn Kỳ Hương”, có sanh hoạt khác với Phật giáo thuần túy: các tu sĩ của “Bửu Sơn Kỳ Hương” được gọi là ông Đạo (như Đạo Xuyến, Đạo Lập...), các ông Đạo không cạo đầu mà để tóc dài, mặc quần áo màu đen (áo dài, áo bà ba); các ông Đạo ở chùa hằng ngày vẫn làm ruộng rẫy để sống, đêm đến các ông Đạo mới lễ sám và giảng đạo, thỉnh thoảng trị bệnh cho bá tánh bằng nước lạnh hoặc phù chú.
 “Thiền sư (Hải Tịnh) đã trụ trì chùa Tây An cùng với Đức Phật Thầy đến ngày Đc Pht Thy viên tch”[5].  Từ đó chùa Tây An hoàn toàn thuc vào phái Lâm tế, do sư c Nguyn Nht Tha tr trì. Người th nhì tha kế là sư c Nguyn văn Khiêm, pháp danh Hoàng Ân, cũng là mt nhà sư ca chùa Giác Lâm phái lên. Có l vì thế mà trong bài v, người ta gán Đc Pht Thy vào phái Lâm tế. Thời gian này là Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh cũng trụ trì chùa Giác Lâm. Năm Tân Mùi (1871), Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh hợp cùng chư Hòa thượng ở các tỉnh Nam Kỳ tổ chức Đại giới đàn tại chùa Tây An, ở núi Sam, Châu Đốc (An Giang).
Tiên Giác Hải Tịnh tên tục là Nguyễn Tâm Đoan, sanh ngày 30 tháng 5 năm Mậu Thân (1788), con của ông Nguyễn Hầu Cẩm, quê ở Gia Định tu học ở chùa Giác Lâm và chùa Từ Ân. Tháng 3 năm Ất Dậu (1825), vua Minh Mạng cho vời Thiền sư Hải Tịnh ra trụ trì chùa Thiên Mụ ở kinh đô Huế. Đến năm 1844, Thiền sư Hải Tịnh trở về chùa Từ Ân, thành lập trường hương đầu tiên tại chùa Giác Lâm
Trong vòng 100 năm chùa Giác Lâm đã được hai vị cao tăng nỗi tiếng thời bấy
giờ trụ trì là sư Viên Quang (bạn thân của Trịnh Hòi Đức một vị đại thần triều Nguyễn) và Sư Hải Tịnh (là một thiền sư đã từng trụ trì một ngôi chùa của triều đình). Riêng việc hành đạo của Thiền sư Hải Tịnh cho thấy Thiền sư là người đạt ngộ cao, không chấp hình thức, chấp nhận hành đạo chung với những ông Đạo Bữu Sơn Kỳ Hương, và nương theo các cách tu của bá tánh mà phổ độ Phật pháp.
Vào giữa thế kỷ 19, ở Nam Kỳ, xuất hiện phong trào “Ứng phú”. Ứng phú là dùng âm nhạc cổ truyền của đạo Phật và dân tộc vào các buổi lễ tại chùa hay các lễ cầu an, tang lễ, cầu siêu... ở nhà các tín đồ.Nguyên nghĩa của Ứng phú: Ứng là lời mời, Phú là đi đến. Ứng phú có nghĩa là lời mời chư Tăng đến nhà để làm lễ về Phật giáo; danh từ bình dân gọi là “đi đám”. Nhờ kinh nghiệm trong thời gian hoằng dương đạo pháp,kinh nghiệm trong việc hành lễ về tôn giáo từ thôn quê đến thành thị và chốn triều đình, hoàng cung; qua kinh nghiệm giảng dạy chư Tăng ở các chùa và các thời thuyết pháp, Hòa thượng Hải Tịnh nhận thấy rằng: chư Tăng Ni và tín đồ thời đó ưa “Ứng phú” hơn là đến pháp hội nghe thuyết giảng kinh pháp, vì vậy, phương cách tốt hơn hết là tham gia vào phong trào Ứng phú để tìm cách hướng dẫn phong trào này đi theo đúng giới luật đạo Phật, tránh bớt những hành động của chư Tăng bị phàm tục lôi cuốn, làm mất phẩm cách, giới hạnh của tăng sĩ. Năm 1850, Hòa thượng Hi Tnh tổ chức mt cuc đi hi ca chư Tăng và các thy theo phái ng phú ti chùa Giác Lâm đ ph biến ch trương “bo v và phát huy tinh hoa ca khoa ng phú đúng vi đo Pht c truyn”, đng thi Hòa thượng Hi Tnh cũng đ ngh thành lp cơ s hc tp cho khoa ng phú đ thc hin ch trương đó. Chư Tăng và các thy theo khoa ng phú tham d cuc hi đu tán đng ý kiến ca Hòa thượng. Hòa thượng cho trùng tu vin Quan Âm thành chùa Giác Viên đ dùng chùa này làm cơ s hc tp cho khoa ng phú.
Nh khoa ng phú chùa Giác Viên hưng thnh, bn đo đến chùa ngày càng đông, nhiu người đến xin qui y th gii, nhiu người đến chùa cúng dường làm công qu..., kinh tế ca chùa sung túc. Trong khi đó Hòa thượng Hi Tnh vn phát trin vic ging dy cho chư Tăng chùa Giác Lâm như T Viên Quang đã thc hin t trước.
Khi Thiền sư Hải Tịnh mất, Hòa thường Hoằng Ân làm trụ trì chùa Giác Lâm. Vị Hòa Thượng này thường đi hoằng hóa khắp nơi từ Mỹ Tho,Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, và sau cùng Hòa thượng đến hoằng hóa ở chùa Tây An tại chân núi Sam (Châu Đốc). Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân ngụ tại chùa Tây An một thời gian, đạo hạnh và trí tuệ thông đạt Phật pháp của Hòa thượng cảm hóa được các ông Đạo ở chùa, họ giao cho Hòa thượng chuyên lo phần tụng kinh, giảng đạo, các ông Đạo chỉ chuyên lo trị bệnh cứu dân độ thế. Các ông Đạo cũng giao việc thu xuất tiền của, lễ vật của bá tánh cúng dường và quản lý việc chùa. Sau một thời gian, Hòa thượng Hoằng Ân đề nghị với các ông Đạo nên dùng tiền của chùa để thay chùa tranh bằng chùa cây, lợp ngói cho chùa được trang nghiêm tráng lệ và vững chắc.
Hòa thượng Hoằng Ân hoằng hóa ở núi Sam một thời gian lâu nên về sau, trong giới Phật giáo ở miền Nam gọi Hòa thượng là “Tổ Núi Sam”.[6]
IV. CHÙA GIÁC LÂM TRONG THỜI THUỘC PHÁP & PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO NAM KỲ
Năm Mậu Ngọ (1858), quân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng. Năm Kỷ Mùi (1859), niên hiệu Tự Đức thứ 12, quân Pháp đem quân vào đánh chiếm thành Gia Định, san bằng dinh lũy của quân Nhà Nguyễn. Chùa Sắc Tứ Từ Ân và chùa Quốc Ân Khải Tường nằm trong vòng lửa đạn của chiến tranh. Chùa Giác Lâm và Giác Viên ở xa chiến trận nên không bị nguy hại. Năm sau (1860), vua Tự Đức cử Nguyễn Tri Phương làm Thống đốc quân vụ, Phạm Thế Hiển làm Tham tá quân vụ vào Gia Định hợp cùng Tôn Thất Hiệp lo chống lại quân Pháp. Quân Pháp tấn công vào đồn Kỳ Hòa, sau khi đồn này thất thủ, chiến tranh Việt Pháp lan rộng dần khắp Gia Định và các tỉnh Biên Hòa, Định Tường. Dân chúng ở Sài Gòn chạy tản cư, chư Tăng ở chùa Giác Lâm và Giác Viên cũng bỏ chạy, chỉ còn Hòa thượng Hải Tịnh (bảy mươi ba tuổi) và vài vị Sư già ở lại chùa.
Năm 1862, triều đình Huế phải ký hiệp ước nhượng cho Pháp ba tỉnh miền đông Nam Kỳ. Năm 1867, quân Pháp đánh chiếm hết cả sáu tỉnh Nam Kỳ, Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp. Từ đó dưới sự đô hộ của người Pháp quyết đem một tôn giáo mới khác vào Nam Kỳ, nên chùa Giác Lâm đìu hiu, các vị trụ trì Chùa cố gắng gìn giữ Chùa và truyền đạo pháp âm thầm.
Phật giáo vào cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX tuy được nhà Nguyễn ủng hộ, nhưng vẫn không thể phát triển theo chiều hướng tích cực theo đúng ý nghĩa của nó, các vua triều Nguyễn thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ, ví dụ như phong Tăng cang, chế độ độ Tăng, v.v., thậm chí việc tấn phong giáo phẩm của vị Sư nào đó thì cũng do triều đình xét và các vị Sư phải xưng với triều đình là ‘thần – bề tôi’, và dâng biểu bằng những lời mà xét ra hết sức thống cảm với người xuất gia như sau:
Trụ trì chùa Thiên Thai, bề tôi là sư Nguyễn Phước Hậu dập đầu cúi đầu trăm lạy cẩn khải: Sư tôi từ nhỏ xuất gia,… Cúi trải lòng thành, ngửa mong soi thấu. Rạp mình xin đức lớn cao thông đoái thương ngự lãm. Ngõ hầu sư tôi tắm gội ơn thừa, hằng làm giáo chủ thiền lâm, sớm chiều siêng năng chú nguyện. Sư tôi chi xiết hãi sợ cẩn khải.” [7]
Bên cạnh đó, cùng với việc xâm chiếm của Pháp là công cuộc truyền đạo ào ạt của Kito giáo. Đứng trước tình hình ấy, một số vị Tăng trí thức, đạo hạnh cùng với một số Phật tử thuần thành đã đứng lên khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Trong thời gian 1911-1930, phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ phát triển nhờ hoạt động tích cực của Hòa thượng Khánh Hòa Như Trí (chùa Tuyên Linh quận Mỏ Cày, Bến Tre), Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân (chùa Giác Lâm), Hòa thượng Chân Thanh Từ Văn (chùa Hội Khánh - Thủ Dầu Một), Thiền sư Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn - Sài Gòn), Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên - Phú Lâm), Thiền sư Như Nhãn Từ Phong (chùa Giác Hải)[8]...
Người khởi xướng phong trào chấn hưng đầu tiên là Thiền sư Khánh Hòa. đề xuất, gồm 4 điểm:
1. Lập hội Phật giáo.
2. Thỉnh ba tạng kinh điển dịch ra chữ quốc ngữ.
3.  Lập trường Phật học để đào tạo Tăng tài.
4.  Xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý, kêu gọi Tăng đồ thức tỉnh, chấn hưng quy cũ thiền môn.
Hòa thượng Từ Phong hợp cùng Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh) vận động thành lập “Hội Lục Hòa” hay “Lục Hòa Liên Hiệp” để đoàn kết chư Tăng trong những ngày giỗ Tổ ở các chùa và phát động phong trào Chấn hưng Phật giáo Nam Kỳ. Trong thời gian 1920-1930, các chùa lớn thường mở trường Hương hoặc mở các lớp giảng dạy kinh, luật... Hòa thượng Khánh Hòa và Hòa thượng Từ Phong thường được thỉnh làm Pháp sư. - Năm 1931 “Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học” đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn (149 đường Cô Giang Sài Gòn) Hội trưởng là Thiền sư Từ Phong. Hội ra tạp chí “Từ Bi Âm” (năm 1932) để truyền bá giáo lý, thỉnh Tam tạng kinh từ Trung Hoa về tàng trữ ở Pháp Bảo Đường ở chùa Linh Sơn.
- Năm 1933, “Liên Đoàn Học Xã” được thành lập ở Nam Kỳ để đào tạo tăng tài và hoằng dương Phật pháp. Các chùa luân phiên mở Phật học đường ba tháng, mỗi chùa phải lo nuôi ăn ở cho tăng sinh ba tháng và lo thỉnh Pháp sư giảng dạy.
- Năm 1934, “Hội Lưỡng Xuyên Phật Học” được thành lập. Hội này mở “Phật Học Đường Lưỡng Xuyên” ở Trà Vinh để đào tạo Tăng Ni (năm 1935, trường Ni dời về chùa Vĩnh Bửu ở Thôm - Bến Tre). Phật Học Đường Lưỡng Xuyên đào tạo được một số tăng sĩ nổi danh sau này như chư Hòa thượng: Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Hành Trụ, Quảng Liên... Hội này xuất bản tạp chí Duy Tâm Phật Học để làm cơ quan hoằng pháp. Hòa thượng Huệ Quang (chùa Long Hòa, Trà Vinh) làm chánh Tổng lý, Hòa thượng An Lạc (chùa Vĩnh Tràng - Mỹ Tho) làm chánh Hội trưởng, Hòa thượng Khánh Anh làm Pháp sư và Hòa thượng Từ Phong giữ chức Đại đạo sư.
Các sách báo hỗ trợ cho phong trào chấn hưng, và hoằng hóa trong giai đoạn trước 1975 ra đời với tinh thần đổi mới trong Phật giáo, với ý chí nghiên cứu sâu rộng kinh sách, đem kinh sách vào quần chúng như các công trình của những vị Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh (Hoa Nghiêm nguyên nhân luận, Tại cư sĩ luật, Duy thức triết học, Khánh Anh văn sao)...Những tập san Pháp Âm Phật Hóa Tân Thanh Niên, Từ bi Âm, Duy Tâm, Từ Quang, Phật Học.. là những cơ quan ngôn luận đã đem lại sự tranh luận sôi nổi về các vấn đề Phật giáo với những nhận thức mới và những khuynh hướng khác nhau, tuy hầu hết đã bị chính quyền thuộc địa đình bản sau vài số.
Trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đó, Thiền sư Từ Phong đã duy trì được đạo tràng Giác Hải ở Chợ Lớn, Thiền sư Khánh Hòa ở chùa Tuyên Linh tại Bến Tre, Thiền sư Chí Thành ở chùa Phi Lai, Châu Đốc, ở Trà Vinh thì có Thiền sư Huệ Quang chùa Long Hòa và chùa Long An thì có Thiền sư Khánh Anh, v.v.[9]
Cho đến năm 1963 với phong trào bảo vệ đạo pháp trước sự bạo ngược của chế độ Diệm-Nhu, mà nòng cốt lãnh đạo lúc ấy đều là những vị cao Tăng xuất thân từ chương trình đào tạo của hội An Nam Phật học. Chính do những chương trình hoạt động đúng đắn của hội mà đã thu phục nhân tâm, đoàn kết được quần chúng tạo thành sức mạnh để bảo vệ đạo pháp, mà các vị Thiền sư đạo hạnh xuất thân từ chùa Giác Lâm đã có những đóng góp không nhỏ vào các phong trào phát huy Phật học, kêu gọi hòa bình.
VI. CHÙA GIÁC LÂM SAU 270 NĂM
Không giống như chùa Phật Hoàng (ở quận I) vẫn còn cách cúng bái của người Minh Hương, chùa Giác Lâm đã hoàn toàn thờ Phật, lễ bái tụng kinh theo cung cách của các chùa Việt Nam. Những người Minh Hương ngày nay đã hoàn toàn đồng hóa thành người Việt, Họ chỉ còn giữ lại những kỷ niệm tinh thần và một vài di tích của một thời xa xăm do tổ tiên họ để lại.
Trong tình hình chung chùa Giác Lâm, tuy có ảnh hưởng nhưng mức độ không lớn lắm trong cấu trúc chính của ngôi chùa, chùa vẫn giữ được những đường nét kiến trúc cũ được trùng tu vào thời Thiền sư Viên Quang và những tượng Phật bằng gổ mít. Chùa Giác Lâm có thể được coi là một trong những ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh có sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo diễn ra khá nhộn nhịp. Với những nét đặc trưng của ngôi chùa cổ người Việt Nam Bộ đã là nơi thu hút lượng du khách rất lớn…điều đó cho thấy ngôi cổ tự này không chỉ đòng vai trò là nơi quy tụ tín ngưỡng mà còn là bộ mặt văn hóa của cộng đồng dân cư từ nhiều vùng khác nhau ở miền NamViệt Nam. Chùa đã được cơ sở bảo tồn quản lý di tích trùng tu sửa chữa, bảo quản có khoa học, các tăng sĩ được học tập nâng cao trình độ về đạo pháp.
Qua việc nghiên cứu chùa Giác Lâm có thể thấy các yếu tố văn hóa đã hòa quyện vào nhau, đó là sự tích họp giữa yếu tố văn hóa Phật giáo với yếu tố văn hóa Việt và văn hóa Hoa. Trong quá trình cùng cộng cư, cùng chung một số phận lịch sử, cùng chung một khu vực cư trú,có những mối quan hệ với nhau qua hoạt động kinh tế văn hóa xã hội đã xảy ra một tiến trình tiếp biến văn hóa liên kết giữa các tộc người mà chùa Giác Lâm là một minh chứng điển hình. Ngoài ra, đặc biệt nhất là cách ứng xử “vô chấp” “vô ngã” của các Thiền sư xây dựng chùa lúc ban đầu như tình bạn giữa hòa thượng Viên Quang với vị đại thần triều Nguyễn là Trịnh Hoài Đức, việc chấp nhận, che chở cho tín đồ một phái đạo khác Phật giáo là Bửu Sơn Kỳ Hương đang bị chính quyền thời đó nghi kỵ của Thiền sư Hải Tịnh và Thiền sư Hoằng Ân…
So sánh chùa Giác Lâm với các chùa cổ khác ở Nam Bộ thì chùa Giác Lâm có cơ may tồn tại tương đối nguyên vẹn tới ngày nay, mà kiến trúc Chùa là sự tổng hợp hài hòa giữa các nền văn hóa của các tộc người, qua nhiều thế hệ, nhiều nền văn minh Á, Âu, Mỹ,…nhưng vẫn đậm đà bản sắc Việt Nam.
Với việc mở rộng cửa cho các khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, cúng lễ, chùa Giác Lâm đã là một điểm du lịch văn hóa Phật giáo của thành phố.
Vấn đề hôm nay, những người kế tục giữ gìn, bảo quản và phát triển như thế nào để xứng danh một ngôi cổ tự của Phật giáo đã từng có nhiều danh tăng nổi tiếng trong lịch sử.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Thiền sư Huệ Chí , “Lịch Sử Tổ Đình Giác Lâm”, bản đánh máy
2.     Nguyễn Đại Đồng và TS. Nguyễn Thị Minh (2010), Phong trào chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí Phật giáo Việt nam từ 1929-1945), NXB Tôn Giáo.
3.     Trịnh Hoài Đức, tu trai Nguyễn văn tạo dịch 1972, Gia định thành thông chí, tập hạ, NXB. Nha văn hóa-phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa.
4.     Lý Kim Hoa sưu khảo và biên dịch (2003), Châu bản triều Nguyễn, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.
5.     Thích Thiện Hoa, 50 năm (1920-1970) chấn hưng Phật giáo Việt Nam hay là Ghi ơn tiền bối, k. NXB, k. năm.
6.     Nguyễn Hiến Lê (2002), Đông Kinh nghĩa thục, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.
7.     Nguyễn Lang(2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn Học, Hà Nội, 2
8.     Trần Hồng Liên (1996) Phật giáo Nam bộ từ thế kỷ thứ 17 đến 1975, NXB TP HCM.
9.     Trần Hồng Liên (1995)  Ðạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Viêt Nam, NXB TP HCM.
10.                        Trần Hồng Liên (1999), Chùa Giác lâm, di tích lịch sử-văn hóa, NXB KHXH.H.
11.                        Lê Mạnh Thát (2004), Toàn tập Chân Đạo Chánh Thống, NXB Tổng Hợp TP. HCM.
http://thuongchieu.net/index.php/chuyende/thiensuvn/


[1] Trịnh Hoài Đức, tu trai Nguyễn Tạo dịch 1972, Gia định thành thông chí, tập hạ, Nha Văn hóa-phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản.
[2] Nguyễn Lang dịch
[3] http://thuongchieu.net/index.php/chuyende/thiensuvn/1018-thin-s-t-tong-vien-quang
[4] http://thuongchieu.net/index.php/chuyende/thiensuvn
[5] Trần Hồng Liên (1999), Chùa Giác lâm, di tích lịch sử-văn hóa, nxb KHXH.H.
[6] Thiền sư Huệ Chí viết trong “Lịch Sử Tổ Đình Giác Lâm”, bản đánh máy
[7] Châu bản triều Nguyễn, Lý Kim Hoa sưu khảo và biên dịch, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2003, tr. 24-25.
[8] Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên - Phú Lâm), Hòa Thượng Như Nhãn - Từ Phong (chùa Giác Hải, Q.6 - TP. HCM) là những đệ tử của Hòa Thượng Hoằng Ân-Minh Khiêm chùa Giác Lâm
[9] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn Học, Hà Nội, 2011, tr. 756-757.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ở NHÀ MỘT MÌNH ( Không giống phim ở nhà một mình của cậu bé 7 tuổi mà là bà già 70 tuổi ở nhà một mình để tránh virus Covid 19)   ...