Gió
bắt đầu về lúc chập tối. Ban đầu nhẹ nhàng, phe phẩy, vi vu, đẩy hết cái nóng của ban ngày vào núi. Nhưng càng về khuya gió càng mạnh, gầm thét,
réo gọi. Năm cái võng lắt lư theo gió. Những người thành thị cứ tưởng bở. Lên
núi bằng giày cao gót. May là có cáp treo. Ngồi trong cái thùng treo lơ lững,
trôi từ từ lên núi, ca ngợi, nhờ có sản phẩm hiện đại của Mỹ, nếu không thì người
già và con nít không thể lên núi viếng Phật được. Người trẻ leo núi cao thế này
cũng ứ hự rồi. Nhờ có cáp treo, lên núi mà vẫn còn giữ được phong độ như người
thành phố. Các bà, các cô vẫn jupe ngắn cũn cởn, giày cao gót mười phân, cười
cười, nói nói…
Gió
thổi phần phật vào năm cái võng giăng trong nhà tứ giác nhờ vào bốn cây cột đúc
cốt thép, to bằng vòng tay của một người lớn. Bốn cái võng bằng vải dù được cột
chặt bốn hướng, cái võng thứ năm là của chị lọt thỏm bên trong. Bốn người đàn
ông nói ngày mai là 8 tháng 3, ưu tiên cho phụ nữ.
Thế
mà gió không vị nể ai. Mọi sự mọi vật đều bình đẳng. Võng của chị lắt lư đong
đưa còn hơn những cái võng khác, có thể vì chị nhẹ cân hơn họ. Lạnh. Gió mang
theo cái lạnh cắt da của đá núi.
-
Sao anh chưa gắn cửa cho các phòng?
-
Cửa đã chạm trổ long lân, nhưng trẻ con
phá quá, nên chưa gắn vào.
-
Thế anh định cho bá tánh chịu lạnh à!
-
Ừ! Để nếm mùi lạnh của núi.
Tay
kiến trúc sư trả lời tỉnh bơ. Phái đoàn lên viếng chùa núi lần này là do người
này mời. Các bác lên núi xem ngôi chùa mà tớ đã bỏ công xây dụng từ mười năm
nay, sau mười bốn năm xin giấy phép. Chạy tới chạy lui, xuôi ngược, mới xin được
sửa lại chùa. Ông kiến trúc sư này có cuộc đời cũng lạ. Phát nguyện đi tu từ
năm 12 tuổi. Bố mẹ không cho. Trốn gia đình và chùa. Được đưa đi học từ chùa tổ
ở Huế, chùa ở Quảng Nam, một ngôi chùa nhỏ ở quận 8, vào Già Lam tu học với thầy
Trí Thủ vừa đi học kiến trúc, trong đời chỉ mê kiến trúc đình, đền, chùa, miếu.
Lấy bằng tiến sĩ về kiến trúc Chùa và bây giờ lên núi đập đá để xây Chùa và tạc
tượng Phật.
-
Nhưng, sao bây giờ chưa làm xong? Thiếu
tiền à?
-
Không, thiếu nhân công. Những ê kíp thợ
đến rồi đi, chịu đựng hơn một tháng là giỏi.
-
Có lẽ họ sợ gió núi. Tớ mới ở đây chưa đầy
một đêm mà đã ngán rồi.
-
Thế mà tôi đã đi tới đi lui mười năm
nay!
-
Tại nghiệp chướng ấy mà.
Cười.
Thú
thật cũng chẳng thể hiểu nỗi cái người bạn kiến trúc sư này cũng như bà lão Sư
Thầy trụ trì chùa núi. Bảy mươi hai tuổi. Hình ảnh đầu tiên mà chị gặp là một
lão Ni cô hai ống quần cột bằng dây thung qua khỏi mắt cá chân, bộ quần áo nâu
đầy bụi. Vừa tiếp chuyện đoàn Sử học, vừa đưa mắt nhìn chung quanh để đề nghị
các nhóm đệ tử làm cái này cái nọ, vì ngày mai là lễ đắp y tượng Phật nằm, dài
năm mươi mét ở lưng chừng núi, phía sau Chùa. Tất bật vì buổi ăn chiều cho các
đoàn khách. Lo lắng, dẫn giải cho người đệ tử sắp xếp người rước Đại lão Hòa
Thượng sẽ đến Chùa tối nay để sáng sớm mai chứng lễ. Một mặt tranh thủ kể lể với
kiến trúc sư về những nhầm lẫn của toán thợ xây dựng và tạc tượng…Chị nhìn thấy
bà chạy từ đầu này chùa đến đầu kia chùa, một ngôi chùa không có chiều sâu vì tựa
vào vách núi, chỉ có chiều ngang, chiều ngang thì mênh mông, cả trăm mét. Bảy
mươi hai tuổi, nhanh nhẹn, hoạt bát, tất bật…Không nghèo, sở hữu 20 hecta thanh
long xuất khẩu, một diện tích rừng đang được cho phép khai phá với hàng ngàn cây cổ thụ to bằng hai vòng tay người ôm
không hết. Nhưng sao cực khổ thế kia? Anh bạn kiến trúc sư chép miệng: cũng là
nghiệp. Nghiệp luật hay sứ mạng phải xây cho xong, xây cho đẹp, cho hoành tráng
ngôi chùa đá trên núi Tà Cú này.
Ban
đầu Bà Sư Thầy bảo vào phòng khách nghỉ ngơi. Phòng khách thiết kế khá tiện
nghi, có cả toilette bên trong. Kiến trúc sư thành phố vẽ kia mà. Từ cái nắm cửa
ra vào, đến robinet đều xịn . Đoàn này thích chí, ý kiến, ý cò với kiến trúc sư
là xây Chùa xong một vài tháng nhóm Sử học sẽ họp hành trên đây, mở những salon
de culture (những buổi nói chuyện thảo luận về văn hóa), thuyết giảng về Phật
pháp, … sẽ làm cho ngôi Chùa ngoài kiến trúc độc đáo về nghệ thuật còn có tính
chất trí tuệ. Chưa nói xong thì đã được mời đến ngự ở phòng tín đồ vì Đại lão
Hòa Thượng không thể ở chung với người lạ nhất là có nữ lưu. Kiến trúc sư, đã từng
là bạn học với Đại lão Hòa Thượng được phép ở lại, người này buồn ý ra ngủ với
đoàn. Thế là có năm cái võng đung đưa trước gió.
Một
vị vào bếp tìm nước sôi để uống café và trà. Tuần trà thứ nhất, thêm nhị tuần,
đến bát tuần vẫn không thể làm cho bớt lạnh và ngủ được. Một vị trong đoàn khoe
có nhiều tập thơ. Lại thơ. Nhớ một bài viết: hai đối cực là Toán và Thi ca đầy
rẫy ở Việt Nam, và hai thứ này chỉ còn một bước là đến bệnh viện tâm thần. Cãi
nhau.
-
Không có thi ca, văn nghệ làm sao mà cuộc
đời vui được.
-
Nhưng nhiều quá, tưởng thơ Thánh, thơ Thần,
thơ Tiên …còn cảm được. Toàn thơ Tục. Chán lắm.
Trong
đoàn có 5 người thì đã có 3 người khoe biết làm thơ, nhưng những đứa con tinh
thần này vẫn còn nằm trong…tủ vì chưa có tiền in. Nói qua nói lại để quên gió
núi. Cũng chỉ mới 11 giờ. Anh kiến trúc nói trong gió:
-
Giờ này ở nhà tớ còn đang làm việc. Làm
sao mà ngủ bây giờ được?
-
Thế thì những lần trước lên đây như thế
nào?
-
Ngủ trong nhà khách của đại lão Hòa Thượng
đang ngủ?
-
Cũng vì nghiệp luật ấy chứ.
Ngẫm
nghĩ cái luật nhân quả của đạo Phật kinh khiếp thật. Nếu có những gì không thể
giải thích được đều đổ thừa cho nghiệp luật. Với lý luận nào xác định những người
xây chùa trên núi này không vì một thôi thúc vô hình nào đó, quyết tâm theo đuổi
việc hoàn thành một kiến trúc ở cheo leo lưng chừng núi như thế này, trong khi
họ đủ sức xây nhà với chăn ấm nệm êm. Các tín đồ viếng chùa, các chùa treo chót
vót trên núi có bao giờ nhớ đến người nào đã xây chùa, ý kiến nào đầu tiên đúc
những tượng Phật cao chót vót như thế. Họ đến vì thắng cảnh, vì sự linh thiêng
của các tượng Phật mà quên mất ai là người đã tạc ra các tượng này. Gian khổ,nhọc
nhằn giữa cái nắng chói chang ban ngày và gió rét của núi ban đêm…Đó không vì nghiệp
luật thì là cái gì?
Mà
cũng bởi cái nghiệp nào mà chị phải chịu cái lạnh cắt da khủng khiếp như thế
này? Còn đại lão Hòa Thượng tại sao lên núi rồi mà vẫn sướng thế! Có lẽ cũng do
nghiệp luật!
Đêm
thật dài . Chỉ mong trời mau sáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét