Thứ Bảy, 21:09 20/09/2014
Nhiều trường THPT ngoài công lập tại TP HCM đang thoi thóp do không tuyển sinh được. Đã đến lúc phải sắp xếp lại hệ thống trường ngoài công lập và có những chính sách hỗ trợ để loại hình trường này phát triển
TP HCM hiện có 120 trường THPT công lập và khoảng 90 trường THPT ngoài công lập. Số học sinh (HS) không đậu lớp 10 khoảng 10.000, giả sử các em này đều tiếp tục học thì sĩ số phân bố vào các trường ngoài công lập rất ít.
Học phí cao, chất lượng chưa cao
Thời gian qua, các trường ngoài công lập đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục, huy động được nhiều nguồn lực của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Tại TP HCM, nhiều trường đã xây dựng phòng ốc khang trang với ký túc xá, sân chơi, khu nội trú tốt.
Trường trung cấp nghề là một trong những lựa chọn của học sinh khiến trường THPT ngoài công lập càng khó tuyển sinh Ảnh: TẤN THẠNH
Thừa hưởng quy chế tự chủ trong giáo dục, các trường THPT ngoài công lập đã được chủ động tài chính, thực hiện nhiều mô hình giáo dục tiên tiến, chú trọng phát triển kỹ năng mềm trong giáo dục và nhất là luôn chăm sóc kỹ HS. Vì thế, nhiều trường THPT ngoài công lập đã tạo được uy tín, niềm tin.
Thế nhưng, bên cạnh những trường THPT ngoài công lập đã khẳng định được thương hiệu, tuyển sinh ổn định hằng năm thì trong tương lai, ngoài số đã bị đóng cửa, vẫn còn nhiều trường - nhất là các trường mới thành lập - đối mặt với nguy cơ giải thể vì không tuyển được HS. Vừa qua, hội nghị tổng kết năm học bậc phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tổ chức đã đưa ra con số: 20 trường ngoài công lập hiện chưa có tới 100 HS bậc THPT. Trong đó, một số trường không tuyển được HS nào.
Một hiệu trưởng trường THPT tư thục than thở: “Những năm trước, chúng tôi còn tuyển được 4-5 lớp, mỗi lớp 35 HS. Năm 2014, trường chỉ tuyển được 2 lớp. Chúng tôi - một số thầy cô hưu trí ở các trường công - cùng nhau mở trường tư thục để giúp HS nghèo, học không giỏi… Nhiều người coi đây như là mái ấm tình thương, làm phúc lợi vì học phí của HS chỉ đủ chi lại cho các em mà thôi”.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng tạm bợ này là do tình hình kinh tế suy giảm đã tác động mạnh đến ngân sách của nhiều gia đình (phần đông HS của các trường THPT ngoài công lập là con gia đình nghèo hoặc gia đình bỏ nông thôn đến thành phố sinh sống). Nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế khá trở lên ở TP HCM cũng cân nhắc khi chọn trường tư thục cho con em học vì học phí cao gấp nhiều lần trường công, trong khi chất lượng giảng dạy một số nơi chưa cao.
Cạnh tranh khốc liệt
Với quy định hiện nay thì HS học hết lớp 9 có thể học trung cấp nghề. TP HCM hiện có 20 trường trung cấp nghề và 32 trường trung cấp chuyên nghiệp. Các trường CĐ cũng có hệ trung cấp tuyển và chỉ tuyển HS trình độ lớp 9. Thay vì học THPT 3 năm cộng thêm 2 năm học trung cấp nghề (tổng cộng 5 năm) mới lấy được bằng, HS mới tốt nghiệp THCS chỉ cần học 2 năm rưỡi đến 3 năm để hoàn tất chương trình trung cấp nghề. HS được đào tạo song song hệ hoàn chỉnh văn hóa THPT (theo hướng giảm tải) và hệ chuyên ngành.
Như vậy, sau 2 năm rưỡi đến 3 năm, HS sẽ nhận 2 văn bằng (văn bằng tốt nghiệp trung cấp nghề chính quy và giấy chứng nhận hoàn chỉnh văn hóa bậc THPT). Các em được quyền dùng bằng trung cấp nghề chính quy để đăng ký dự thi ĐH chính quy (thay cho bằng THPT) theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT (như thế, HS sẽ không bị áp lực kỳ thi THPT).
Ngoài ra, các HS này còn được hưởng chính sách học phí của nhà nước khi theo học trung cấp nghề; hưởng chính sách vay vốn với lãi suất 0,5%/năm - sau khi tốt nghiệp 1 năm, HS sẽ có 4 năm trả tiền vay ngân hàng.
Sự cạnh tranh tại các trường THPT ngoài công lập càng khốc liệt hơn khi HS có thể lựa chọn hệ bổ túc văn hóa. TP HCM có 48 trường được phép tuyển bổ túc văn hóa với nhiều ưu tiên. Về chương trình học, các em chỉ học 7 môn bắt buộc là toán, lý, hóa, văn, sinh, sử và địa. Về học phí, mỗi tháng HS chỉ đóng 120.000 đồng, không phải nộp bất kỳ khoản tiền nào khác. Đặc biệt, HS trong độ tuổi phổ cập giáo dục (15-21 tuổi) được miễn 100% học phí và có chế độ miễn, giảm học phí cho HS thuộc diện theo quy định của UBND tỉnh, thành phố.
Với hệ này, sau khi học xong chương trình lớp 12, HS sẽ được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng một ngày như tại các trường THPT, được hưởng tất cả quyền lợi như HS tốt nghiệp THPT khác, được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự trong thời gian đi học (theo Nghị định 38/2007 của Chính phủ). Ngoài ra, HS hệ này còn được ưu tiên khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp: Mỗi em được ưu tiên cộng tối đa 4 điểm vào tổng điểm thi nếu có chứng chỉ tin học A, Anh văn A, chứng chỉ nghề phổ thông loại giỏi…
Với những thuận lợi đó thì HS, nhất là các em thuộc gia đình nghèo, sẵn sàng chọn lựa học chương trình giáo dục thường xuyên, bổ túc văn hóa thay vì tốn tiền vào một trường THPT ngoài công lập.
Đã đến lúc TP HCM phải sắp xếp lại hệ thống trường THTP ngoài công lập. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, vốn vay kích cầu và mặt bằng để các trường ngoài công lập được tiếp sức, phát triển lành mạnh, góp phần nâng cao sản phẩm đào tạo theo yêu cầu đổi mới giáo dục.
Bản thân các trường ngoài công lập cũng phải tự đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo; có thể cùng nhau nghiên cứu sự cạnh tranh thị trường giữa các trường trung cấp nghề, bổ túc văn hóa (có những thế mạnh để thu hút số HS tốt nghiệp THCS) như hợp nhất hoặc chuyển đổi các cấp bậc giáo dục khác. Không thể có lối ra cho thực trạng các trường THPT ngoài công lập nếu không có sự giúp đỡ của nhà nước và sự nỗ lực đổi mới chất lượng của các trường này.
Nhiều trường thoi thóp
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2013-2014, Trường THPT Dân lập Văn Lang chỉ có 88 HS, Trường Trung học Việt Mỹ Anh: 24 HS, Trường THPT Phan Huy Ích: 16 HS, Trường THPT Đại Việt: 46 HS, Trường THPT Hàm Nghi: 79 HS, Trường THPT Đông Dương: 92 HS... Thậm chí, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (quận 11) không có HS nào!
Thống kê cũng ghi nhận nhiều trường THPT ngoài công lập phải ngừng hoạt động như Trường Tư thục Hiền Vương, Trường THPT Hoàng Diệu. Bên cạnh đó, một số trường đã bị rút giấy phép như Trường Dân lập Phương Nam (quận Thủ Đức), Trường THPT Khai Trí (quận 5).
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Cúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét