Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

81 năm còn lại

(trich bài của Lý Lan )



Con gái của học trò (cũ) của tôi đã tốt nghiệp trung học. Nó không muốn vào đại học. Hai tiếng “sinh viên” không danh giá gì, mà hai chữ “đại học” càng vô nghĩa đối với nó. Một khi nó không muốn thì làm sao ép? Nó cũng làm hồ sơ thi với đầy đủ nguyện vọng, cũng đi thi, thi về mặt mũi hớn hở, thi xong đem hết sách vỡ cân ve chai. Nó tin chắc là nó sẽ thi rớt, và vĩnh viễn chấm dứt đời học trò..
Ai dè trường đại học X. gởi giấy gọi nhập học đến tận nhà nó. Một trường đại học tư mới thành lập ở một tỉnh lân cận thành phố. Vậy là nó lâm vào thế kẹt. Cha mẹ bảo nó “thi đậu” vào đại học thì nó cứ đi học, dù học phí trường tư cao, trường xa đi lại tốn kém, cha mẹ sẵn sàng bươn chải thêm để nó an tâm học hành.
Nó cũng muốn “thử” làm sinh viên cho biết, cũng muốn vô trường coi “đại học” ra sao. Nhưng chưa kịp nhập học thì cái trường của nó bị báo chi nêu tên trong mấy vụ lùm xùm liên quan đến các đại học ba không – không cơ sở vật chất, không giáo sư, không chương trình kế hoạch giảng dạy. Nó cảm thấy ngượng khi đọc tới chi tiết bài báo nêu là các trường này thu nhận cả sinh viên chỉ đạt 5 điểm thi 3 môn, tức là mỗi bài thi chưa tới 2 điểm trên 10. Nó tưởng như bài báo nêu chính trường hợp của nó. Bài thi cuối cùng nó đã cố tình viết vớ vẩn, chẳng ăn nhằm gì đến đề bài, vị giám khảo dễ dãi nào đó đã cho nó 1 điểm, khiến bây giờ nó “dính” vô tai tiếng của cái trường nó không hề muốn đến học.
Nó nổi khùng, xé cái giấy gọi nhập học, hét toáng: Tôi chán lắm rồi những trò mua bán lừa lọc tri thức đó. Tôi không cần bằng cấp, hư vinh. Tôi muốn sống cuộc đời như ý tôi, trường đời mới là trường học lớn. Tại sao cha mẹ cứ bắt tôi học, học, học, như nhồi vịt. Bao nhiêu người học miệt mài mà chẳng làm cái gì cho nên trò, và bao nhiêu người bằng cấp này nọ, tiến sĩ, giáo sư, mà chỉ giỏi nói nhăng nói cuội. Tôi phát mữa lên cái nền giáo dục mà tôi đã chịu đựng mười mấy năm nay.
“Cô mến” – cha mẹ nó viết thư cho tôi – “Thời của tụi em, vào đại học là một ước mơ xa vời, dẫu mơ cũng không tới. Trừ mấy đứa giỏi nhất lớp và lý lịch gia đình tốt là có hy vọng được tuyển vào mấy trường đại học ít ỏi ở thành phố, còn thường thường như tụi em thì tự biết thân, tự tìm lấy con đường phù hợp hoàn cảnh của mình. Đứa làm nhân viên bán hàng, đứa học nghề lái xe, đứa vào trung cấp y tế hay trung học sư phạm. Hai mươi năm sau, xét về tài chánh, đứa tốt nghiệp đại học, thậm chí đứa được đi du học trở về, chưa chắc giàu bằng mấy đứa không hề bước chân vào đại học. Thực tế là đứa giàu nhất của lớp tụi em là đứa từ khi tốt nghiệp phổ thông đến nay không hề cầm lên một cuốn sách nào. Nó nhào ra đời ngay và chụp bắt thời cơ đúng lúc, không lãng phí thời gian mài đũng quần thêm 4,5,7 năm trên ghế nhà trường nữa.
Tụi em biết và cố giải thích cho con của tụi em hiểu là giáo dục đem lại cho người ta nhiều thứ khác, chứ không chi là con đường thuận lợi đi tới thành công tài chánh và địa vị xã hội. Người giàu xứ mình giàu bằng nhiều cách kỳ bí, nhưng con đường lượng thiện chỉ bằng lao động của chính mình. Và lao động có chuyên môn, có kỷ năng giỏi, trình độ cao thì mới có thu nhập nhiều, mới làm cho cuộc sống của mình ngày một khá hơn. Tụi em nói với con: Chẳng hạn như cha mẹ đây, cùng tốt nghiệp trung học sư phạm ra dạy cấp một, mẹ thì phấn đấu dần từ giáo viên, tổ trưởng, rồi hiệu phó, đến giờ là hiệu trưởng, sau nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn. Còn cha thì vẫn đeo đuổi giấc mơ đại học, cuối cùng đã tốt nghiệp đại học tại chức và chuyển công tác sang dạy trường cấp ba, dù lương không tăng bao nhiêu, nhưng cha cảm thấy tự hào về bản thân, và mở rộng củng cố được nhiều quan hệ xã hội. Cha mẹ đã nuôi con với quyết tâm là con phải vào đại học. Vậy mà, với tất cả những thuận lợi và cánh cửa đại học mở sẵn, con lại khăng khăng từ chối…”
Nỗi thất vọng của hai người cha mẹ - học trò cũ của tôi còn bị tô đậm bằng nỗi buồn khi đứa con gái cãi lại: “Con không muốn sống như cha mẹ! Con chán cái vỏ trí thức bèo nhèo, mốc từ trong ra ngoài rồi.” Điều đáng tiếc, theo học trò tôi, là đứa con gái vốn thông minh, có những môn học và giáo viên mà nó thích thì nó học xuất sắc, nhưng chính môn thi thì nó chẳng thèm cố gắng gì cả , cứ tưởng nó ham chơi, không ngờ nó nổi loạn.
Dĩ nhiên nó còn quá trẻ. Dĩ nhiên tôi không thể khuyên bảo gì nó cả, như cha mẹ nó hy vọng khi viết thư cho tôi. Dĩ nhiên, đại học không phải là con đường vào đời duy nhứt. Ngay ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, không phải học sinh nào tốt nghiệp trung học xong là cũng đi thẳng qua cánh cửa đại học. Vả lại, ngày nay giáo dục được coi như một thứ hàng hóa, không nhứt thiết phải trả bằng bất kỳ giá nào cho một sản phẩm mà mình không tin tưởng chất lượng. Hơn nữa, sản phẩm đó người ta có thể sở hữu bằng nhiều cách khác nhau chứ không chỉ cần có mặt ở giảng đường, ở bất kỳ giai đoạn nào của đời người chứ không chỉ khi còn trẻ. Người có học không phải người có bằng cấp đại học, mà là người tự giáo dục suốt đời.
Vấn đề là: 18 tuổi người ta có thể không cần vào đại học, nhưng làm sao trong 81 năm còn lại của đời mình vẫn không ngừng học?
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ở NHÀ MỘT MÌNH ( Không giống phim ở nhà một mình của cậu bé 7 tuổi mà là bà già 70 tuổi ở nhà một mình để tránh virus Covid 19)   ...