( ảnh của Quang Hiếu )
Đến chơi ở thác Giang Điền , nằm dưới một tán cây to, nghe tiếng ve kêu rộn ràng, liên tục. Chợt nhớ đến kiếp ve. Tìm hiểu sách này nói ve chỉ sống một mùa hè, sách nọ nói ve chỉ sống 7 ngày trên mặt đất và trong 7 ngày đó làm việc liên tục để duy trì nòi giống và kêu không ngơi nghỉ để mọi người biết sự hiện diện của mình. Chợt nhớ có những lần đề cập đến dấu gạch nối trong cuộc đời của con người , dấu gạch nối giữa ngày sinh và ngày chết.Dấu gạch nối dài như Bành tổ hay ngắn như kiếp ve cũng chứng tỏ sự hiện diện của một con ngườivà con người đó đã làm gì cho chính họ và cho những người chung quanh. Giá trị của mỗi người biểu tượng bằng dấu gạch nối này
Trong “Điều kỳ diệu của cuộc sống”-( nxb Tổng Hợp tpHCM, tr 25) Mac Anderson,đã viết : “Dù chỉ là lằn gạch nối rất mong manh nhưng nó lại chứa đựng rất nhiều điều. Dấu gạch nối như một ký hiệu biểu trưng cho quãng thời gian tồn tại của chúng ta trên cõi đời này. Dù cho chúng ta có nỗi tiếng đến mức nào và có đạt được bao nhiêu thành công đi chăng nữa, thì điều thực sự có ý nghĩa còn lại trong cuộc đời này chính là hình ảnh của chúng ta đang có trong trái tim mọi người. Nó được xây dựng dựa trên cách chúng ta đã từng sống và yêu thương, cách mà chúng ta đi qua trong cõi đời này.Trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, giữa sự xô bồ, náo nhiệt, chúng ta hãy nên dừng lại một chút để quan tâm, để chia sẽ với những người chung quanh và để yêu mến họ nhiều hơn, kể cả những người không quen biết. Đó mới là cuộc đời thật sự, để khi bước qua bên kia lằn gạch nối, chúng ta không phải hối tiếc về điều gì...
Tiếng ve kêu cũng gợi nhớ đến bài thơ
ĐẤT NƯỚC
của Lê Minh Quốc
Đất nước
Có thể đó là một chú dế mèn
Gọi mùa thu về chập chớn ngoài cửa lớp
Là trái bồ kết để em gội tóc
Thơm hoài trong hơi thở buổi tự tình
Có thể là một buổi sáng bình minh
Chú gà gáy chùng chình trong gió sớm
Đường đi học có cu cườm và bướm
Cũng bay theo ấm áp mặt trời lên
Đất nước là cây cỏ không tên
Những Vô Danh đối đầu cùng giông bão
Chân lắm tay bùn làm ra lúa gạo
Là đêm trăng bên cái giếng đầu làng
Em khua gầu làm vỡ ánh trăng tan.
Năm ấy tôi mới vừa mười bảy tuổi.
Sáng đầu thu trước sân nhà rụng đầy hoa bưởi
Tôi đưa tay hứng lấy mối tình đầu
Đất nước là hình ảnh con trâu
Đi trước cái cày, trước cha, trước mẹ
Là bài đồng dao “con chim se sẻ
Nó đẻ mái tranh tôi đếm hòn sành “
Là con Rồng cháu Tiên, là gương vỡ lại lành
Là thần thoại nhổ tre mà đuổi giặc
Năm kháng chiến cha tôi cầm tầm vông nhọn hoắt
Đánh giặc một đời chưa hết tuổi con trai
Đất nước là ảnh cái cối, cái chày
“Đêm khuya giả gạo có mày có tao”
Hằng ngày mẹ tôi bỏm bẻm nhai trầu
Thường bắt đầu từ câu “ ngày xưa, ngày xửa ”
Em lớn lên có ước mơ trở thành công chúa
Giống hệt cô Tấm trong trái thị vàng
Còn tôi khi mùa thu thổi gió heo may sang
Tỏ tình nhờ hoa ngâu, hoa lý
Đất nước là sự tích trầu cau chung thủy
Là chuyện Trạng Quỳnh, Xiển Bột của nhân dân
Không sống chung với bạo chúa nịnh thần
“ Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã ”
Có khi giữa sương mù xứ lạ
Tuyết bay buốt theo thân phận dặm trường
Đất nước là bìa thư với hình ảnh thân thương
Có địa danh Mõ cày, Cần Thơ, Đà Nẵng ...
Đất nước là con tem với tình sâu nghĩa nặng
Thầm nhắc người đi đừng quên cội quên nguồn
Đất nước quanh tôi với tất cả bình thường
Là bún bò Huế, là tô mì Quảng
Là phở, là cá lóc canh chua hoặc trái xoài, trái nhãn
Cưu mang tôi khôn lớn từng ngày
Đất nước là hình ảnh khẩu súng quàng vai
Đứng trang nghiêm trước sơn hà xã tắc
là câu đánh vần lúc bắt đầu đi học
Là ngôi trường làng mái ngói rêu phong
Sáng hôm nay chim sáo đã xổ lồng
Một miếng trầu cau cũng nên duyên nợ
Đất nước là tình chồng nghĩa vợ
Muối mặn gừng cay, tối lửa tắt đèn
Là “ Tháp Mười đẹp nhất hoa sen”
Là suối , là sông, là rừng, là phố
Là tất cả những gì tôi đang có
Từ Nam Quan đến Mũi Cà Mau
ĐẤT NƯỚC CÒN TỒN TẠI ĐẾN NGÀN SAU
( Phụ nữ Chủ nhật 22-05-2005)
Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Ở NHÀ MỘT MÌNH ( Không giống phim ở nhà một mình của cậu bé 7 tuổi mà là bà già 70 tuổi ở nhà một mình để tránh virus Covid 19) ...
-
Gần như trong bất cứ mối quan hệ nào, người này cũng đều bắt người kia phải làm theo chương trình hoặc ý thích của mình. Bố mẹ cũng bắt con...
-
viết trong Hội chợ Phú Thọ 23/01/2010 Đang nghe những bài hát Xẩm, Quan họ, Ca trù truyền thống , với những làn điệu trong sáng, lã lướt...
-
11 giờ còn nằm trên giường Chat với người bạn phương xa Cảm giác cuộc đời của mỗi con người Như kiến bò trong chén Chén của tạo hó...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét