Từ
ngày báo chí đăng bắp luộc bán ở Sài Gòn
đều bị nấu bằng diêm sanh của cục pin để cho mau mềm, ăn nhiều sẽ bị ung thư,
nên Chị không mua bắp nữa, dù rằng rất thèm ăn loại quà vặt này (đôi khi cũng
là thức ăn độn cho no bụng). Sáng nay, đi chợ, mùi bắp nấu từ khói lên nghi
ngút của sọt bắp trên chiếc xe đạp, tự nhiên chị thèm. Lâu lâu ăn vài trái bắp
có lẽ không sao, chị nghĩ thế, mà giả sử có sao thì cũng chẳng sao vì rằng chị
cũng quá lục thập rồi. Ba trái mười ngàn. Bánh mì thịt buổi sáng là mười lăm
ngàn. Mua bắp ăn sáng, vừa tiết kiệm vừa giữ eo. Các khoa học gia về ẩm thực
nói thế.
Lột
trần ba trái bắp và bẻ đôi chúng ra để trên dĩa có hoa sặc sở, Chị vừa lảy bắp
vừa đọc facebook, vừa suy nghĩ: chỉ ăn một trái thôi, hai trái kia để trưa.
Chị
sẽ viết bài giới thiệu trên face của chị những quyển sách mà các bạn của chị gửi
tặng. Tại sao lại không PR giùm cho họ nhỉ? Những người bạn có lòng, dù chưa nổi
tiếng hay đã thành danh, đã cặm cụi viết và tìm cách để tác phẩm của mình có mặt
trên đời đều đáng trân trọng. Có người mang vài chục quyển sách của mình đến tặng
cho tất cả mọi người trong buổi họp mặt: “Dù các anh chị có đọc hay không cũng
xin cho tác phẩm của tôi một góc nào trong tủ sách của các anh chị, rồi một
ngày nào đó, một người trong gia đình các anh chị sẽ…đọc nó, đừng bán ve chai…”
Thương chưa!!!. Thế thì tại sao Chị lại không chịu GIỚI THIỆU SÁCH CỦA BẠN cho
mọi người chứ! Đó là dự án thứ nhất.
Bức
thư mời viết bài về nhân vật vừa Đạo vừa Đời “Cố Quản Trần văn Thành một đệ tử
của Phật Thầy Tây An” làm chị ưu tư. Chị vừa đến An Giang dự buổi hội thảo về
“Đức Phật Thầy Đoàn Minh Huyên” ở huyện Tịnh Biên. Trong buổi hội thảo này có
nhiều người tự xưng là cháu bốn đời của
những đại đệ tử của Đức Phật Thầy. Tựu trung nội dung ca ngợi công đức của
Ngài, nhưng hình như có một sự ngọng nghịu nào đó khi dùng danh xưng : Ông Đoàn
Minh Huyên, cụ Đoàn Minh Huyên – không được, điều này xúc phạm đến bao nhiêu
tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo – Nhưng nếu gọi là Đức Đoàn
Minh Huyên hay Phật Thầy Tây An có nghĩa xác định có một nông dân Việt Nam đắc
quả Phật vào giữa thế kỷ XIX – Phật được hiểu theo nghĩa người giác ngộ và có
công đức giúp cho nhân dân thời đó. Khó quá. Trong thư mời chị, viết cụ Đoàn
Minh Huyên, nhưng biểu ngữ trong buổi hội thảo viết trống không Đoàn Minh
Huyên. Hừ, cũng như rất nhiều tài liệu cũng viết trống không: Hồ Chí Minh, Võ
Nguyên Giáp, Bill Clinton, Obama,… cho tiện, khỏi mích lòng ai.
Chị
cũng ưu tư: nhiều người kêu gọi “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, tại sao
không nêu khẩu hiệu: NGƯỜI VIỆT THEO ĐẠO VIỆT. Không phải chị bài ngoại cực
đoan nhưng không hiểu tại sao các triều đại của Việt Nam đều căn cứ trên các học
thuyết của Nho, Thích, …làm nền tảng lý thuyết cho việc xây dựng triều đình. Thời
Nguyễn ca ngợi đạo Nho, chương trình thi theo Tứ Thư, Ngũ Kinh,…thời Ngô Đình
Diệm với học thuyết Nhân Vị giống như Thiên Chúa giáo, và hiện tại, cái triết
lý đã bị vượt qua trên thế giới cũng đang làm cơ sở để phán xét đúng sai mọi hoạt
động của dân Việt. Sẽ có người nói với chị: tại hàng Việt Nam không tốt. Gandhi
đã từng kêu gọi tẩy chay hàng hóa người Anh, và nói với những người dệt vải Ấn
Độ rằng nếu họ không chế tạo được vải khổ rộng thì Ngài sẽ mặc vải Ấn để trần
vai, vì khổ vải của Ấn Độ lúc đó không đủ để quấn hết người. Nếu không có quyết
tâm như thế thì làm sao giành độc lập cho dân tộc Ấn Độ. Tại sao có thể chấp nhận
đức Chúa cứu người nhờ nước lã, biến nước lã thành rượu, và sau khi bị đóng
đinh Ngài sống lại,…? Tại sao lại cho là mê tin khi Đức Phật Thầy Tây An giúp cả
làng qua cơn dịch bệnh, lập trại ruộng và dạy tứ ân …? Đây là dự án thứ hai mà
Chị muốn nghiên cứu: NGUYÊN NHÂN NÀO CÁC TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM THÍCH CÁC HỌC THUYẾT
NGOẠI LAI?
Trên Face lại có những
bài viết về Dự án Đổi mới toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Chợt nhớ trong
folder về giáo dục của Chị có cả ngàn bài báo viết về giáo dục (vì Chị đang tìm
hiểu đề tài này). Chợt nhận thấy rằng, trên các báo sau một thời gian khen ngợi
NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT TRONG GIÁO DỤC, đỏ loe đỏ loét, đỏ đến độ đọc xấu hổ, thì
màu của giáo dục Việt Nam trên các báo in, báo điện tử, tạp chí,… hiện tại đen
kinh hoàng, đen đến mức lắc đầu, đưa đến việc không phải đòi cải tổ, cải cách nữa
mà là đổi mới toàn diện. Có thể đây là dự án thứ ba: CÓ PHẢI CHĂNG BÁO CHÍ VIỆT NAM THAY ĐỔI CÁCH
VIẾT VÌ BỊ ẢNH HƯỞNG CỦA DIỄN BIẾN HÒA BÌNH ???
Vừa
đọc Facebook, vừa nhai bắp, vừa suy nghĩ. Ba trái bắp trôi tuột vào bụng của buổi
điểm tâm. Mệt quá, vì quên mà ăn nhiều và cũng vì suy nghĩ lung tung !!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét