Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

về vai trò của các sinh viên Cách Mạng trong các trường đại học tư tại Sài Gòn trước 1975

Trong mắt tôi, một người học đại học trước 1975, họ có nhiều ưu điểm nhưng cũng nhiều khuyết điểm.
Ưu điểm thì đã quá nhiều sách báo nói rồi vì từ 40 năm nay, những anh chị này đã giữ nhiều chức vụ cao trong chính quyền và đã viết về họ một cách quá đầy đủ, đầy đủ hơn cả mức đầy đủ nữa.
Những người quen của tôi, những người bạn của tôi xuất thân từ những sinh viên này đều thành đạt. Tuy nhiên phải thú thật rằng những đặc tính ưu việt trong thời chiến lại biến thành những nhược điểm trong thời bình, theo nhận xét của tôi.
Tôi không thích nói về chiến tranh nữa. Thật sự, tôi không muốn khơi gợi lại cái cuộc chiến mà dân Việt chịu đựng 20 năm, nhất là ảnh hưởng của nó trong giáo dục. Tôi muốn nhìn giáo dục là chính nó, không chịu bất cứ một quyền lực chính trị hay tôn giáo nào. Tôi muốn trẻ con được tự do suy nghĩ theo kiểu của chúng nó đừng gò ép nó vào một quan điểm hay khuynh hướng nào của người lớn. Tôi muốn chúng nó sống hồn nhiên.
Tôi không thể chịu đựng được khi một NCS phát biểu ý kiến về việc đặt tên cho một cuộc chiến tranh ở Việt Nam phải căn cứ trên chủ nghĩa Marx. Có cái quái gì về mối quan hệ biện chứng qua lại của việc đặt tên một cuộc chiến tranh VN với chủ nghĩa Marx? Cho nên có lẽ khi tôi viết về TỰ TRỊ ĐẠI HỌC tôi sẽ viết về vấn đề này. Tự do học thuật trong môi trường giáo dục đại học.
Quay lại việc anh đề nghị. Tôi sẽ cố gắng tìm tư liệu để minh chứng cho thấy: nhờ những sinh viên Cách Mạng được cử vào các đại học mà nền đại học miền Nam VN không bị Mỹ hóa. Vài nét cho anh biết vai trò của những người này theo nhận xét của tôi:
- Đó là những người lớn tuổi hơn cái tuổi 18 được nhận vào đại học. Không nghiêm nghị lắm nhưng họ có một nét mặt lúc nào cũng bí mật. Tôi nói nét mặt nhé, không phải là hành vi bí mật đâu. Nét mặt bí mật ngầm một chút kiêu hảnh là ta đang không phải chỉ cứu nước Việt Nam mà còn “cứu cả thế giới”. Họ vào trường đại học quan sát các sinh viên chung quanh, nhận ra những sinh viên nào chăm học, những sinh viên nào thích phản ứng giáo sư, sinh viên nào nghèo, xa nhà, những người nhà giàu đi học. Họ phân loại sinh viên để xem có thể tiếp xúc với những loại sinh viên nào. Có một số sinh viên rất hảnh diện được họ rỉ tai để mời đi hội họp, mời vào một sinh hoạt đoàn thể nào đó và mời đi biểu tình.
- Đó là những sinh viên “ít” ngồi trong lớp, hoặc chỉ ngồi trong lớp những tiết giảng của các giáo sư thân chính quyền. Họ không ghi chép gì (chỉ loại sinh viên chăm học, “cù lần” mới ghi chép). Họ lắng nghe và họ quan sát. Vai trò quan trọng nhất của họ là nghe giáo sư nào chống Cộng là ngày mai có một số báo đối lập với chính quyền viết bài về ông giáo sư đó. Ví dụ như Linh mục Bữu Dưỡng (người sáng lập ra viện đại học Minh Đức) giảng về môn học trong Tứ Thư là quyển sách Đại học thì lúc nào cũng có mặt những người này,…Nhờ thế mà trên các giảng đường đại học, nền học thuật có vẽ … tự do, ít nhuốm màu chính trị, và không ai ca ngợi Mỹ … thái quá, chỉ cổ vũ hòa bình. Các giáo sư này viết lách cũng thế. Giáo sư Nguyễn văn Trung giảng về Triết học Marx, cả phòng ken cứng sinh viên. Chưa bao giờ vị giáo sư này chê triết học Marx nữa câu, chỉ dám nói về khái niệm vong thân trong triết học.
- Nhờ có những sinh viên này mà tình đoàn kết của những người xa lạ tứ hướng trong đại học biết nhau nhiều hơn vì họ tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ, báo tường, tập san (in roneo),…truyền tay nhau đọc các tin tức trong trường, và không bị kiểm duyệt.
- Mọi người sẽ hỏi các sinh viên bình thường, các giáo sư có biết những sinh viên Cách mạng này không? Biết chứ, nhưng chuyện đó của công an, không ai bận tâm đi mách lẽo, ai làm gì mặc ai, sinh viên Cách mạng nằm vùng chống chinh quyền thì chính quyền tự bắt, một đôi khi sinh viên còn…bao che cho vì thấy… “tội nghiệp”, vì họ cũng là thanh niên như mình mà.

- Tuy nhiên, vì không “chịu” học hành gì, mà đến giảng đường với những mục đích khác, nên khi thi cuối học kỳ những sinh viên này thường bị trượt. Thời đó, trượt một năm đại học là theo luật tổng động viên, phải đi…lính. Thế là có những bài báo kêu rêu là: “Đại học Vạn Hạnh đánh trượt 80% sinh viên” “Sinh viên Vạn Hạnh xin viện trưởng ra tay cứu giúp”
Về mặt học thuật các giáo sư có quyền cho điểm thấp các bài không đạt yêu cầu, cần thiết thì xin phúc khảo, nhưng các “sinh viên” làm lớn chuyện cho rằng vì lý do ủng hộ chuyện bắt lính nên các giáo sư cho họ rớt, chấm bài gắt gao. Thật khổ tâm. Và báo chí lúc nào cũng bênh vực “sinh viên”
Tuy nhiên, vị trí của các sinh viên Cách Mạng không chỉ là tổ chức biểu tình xuống đường, mà còn là “cái thắng” trong giáo dục đại học thời gian này. Không phải các giáo sư ai cũng theo Cách Mạng, thích Hòa Bình vì phần đông họ đều du học ở Mỹ hoặc Pháp. Nhưng vì tinh thần khách quan của học thuật giáo dục đại học cũng như lòng yêu nước, công với việc… không muốn “mích lòng sinh viên” nên họ không quảng bá cách sống Mỹ, chính trị Mỹ quá lộ liễu, mà đề cao văn hóa dân tộc và bảo vệ nền văn hóa truyền thống VN.
Và cuối cùng đó là những sinh viên chợt thoáng chợt hiện trong giảng đường, và ngày mai thấy tên, hình của họ trong những tòa án Quân sự, bị bắt trong các trại giam, bị đày đi Côn Đảo… Họ không có một cuộc sống của thời thanh niên như các thanh niên khác.
Tôi thương và quý họ, và họ đang là nạn nhân của những căn bệnh của một thời thanh niên luôn âu lo, trốn tránh, tù đày. Do đó tôi ghét chiến tranh, tôi không muốn nhắc đến những cuộc chiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ở NHÀ MỘT MÌNH ( Không giống phim ở nhà một mình của cậu bé 7 tuổi mà là bà già 70 tuổi ở nhà một mình để tránh virus Covid 19)   ...